Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Nhiều điểm mới trong nghị định về kinh doanh dịch vụ logistics

13/01/2018 20:31
Ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 163) quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, có hiệu lực từ ngày 20/2/2018, thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 (sau đây gọi tắt là nghị định 140) quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics; với 3 chương 8 điều (thay cho 4 chương 12 điều trong Nghị định 140). 

Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics; cho phép các thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đã được đăng ký, cấp phép thực  hiện dịch vụ logistics trước thời hạn Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiên hoạt động theo nội dung đã đăng ký, cấp phép. Nhưng so với Nghị định 140, Nghị định 163 có những điểm mới đáng lưu ý sau đây: 

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng. Nghị định 163 quy định "Nghị định này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và các tổ chức, cá nhân có liên quan", trong khi Nghị định 140 lại quy định cụ thể là " thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động liên quan đến dịch vụ lô-gi-stíc”.Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Tương, đây là điểm mới, thông thoáng trong nghị định 163, mở rộng đối tượng áp dụng ra các doanh nghiệp logistics nước ngoài, đồng thời thể hiện sự không phân biệt mà tạo ra một "sân chơi" rộng lớn hơn, vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam, buộc họ phải nhanh chóng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển ngay trên "sân nhà". 

Thứ hai, nếu như Nghị định 140 phân loại dịch vụ logistics thành 3 nhóm trong đó có nhiều dịch vụ thì Nghị định 163 quy định cụ thể 17 loại hình dịch vụ logistics để tiện cho công tác quản lý, đó là: 

Dịch vụ logistics được cung cấp bao gồm:

1. Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.

2. Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.

3. Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.

4. Dịch vụ chuyển phát.

5. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.

6. Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).

7. Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.

8. Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.

9. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.

10. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.

11. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.

12. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.

13. Dịch vụ vận tải hàng không.

14. Dịch vụ vận tải đa phương thức.

15. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.

16. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

17. Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.
 

Thứ ba, về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics. Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, nghị định 140/2007/NĐ-CP yêu cầu thương nhân kinh doanh các dịch vụ logistic chủ yếu phải có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu nhưng Nghị định 163/2017/NĐ-CP không nêu yêu cầu này mà để các văn bản pháp luật chuyên ngành của từng loại dịch vụ quy định chi tiết. (Xem chi tiết câu 109, ấn phẩm Hỏi đáp về logistics của Trần Thanh Hải, bản cập nhật năm 2018). 

Nghị định 163 cũng quy định cụ thể các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics như sau: 

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện, quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện sau:

a) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):

- Được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.

- Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.

b) Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này), được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

c) Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.

d) Trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

đ) Trường hp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.

e) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.

g) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.

h) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.

i) Trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật

- Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.

- Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.

- Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các điều kiện này đều đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam. Nghị định cũng để khoảng mở là "
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó".

Thứ tư, Nghị định 163 cũng quy định Giới hạn 
trách nhiệm là hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics theo quy định tại Nghị định này.
Trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thoả thuận. Trường hợp các bên không có thoả thuận thì nếu 
 khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường. Nếu khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.

Với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức thực hiện nhiều công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau thì áp dụng giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.

Thứ năm, Nghị định 163 đã bỏ 
Chương 3 về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trong Nghị định 140, thay vào đó giao cho “Bộ Công thương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định” này và không nêu tên cụ thể các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền liên quan. 

VITIC tổng hợp


 

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 6
Số người truy cập: 4.328.778
Chung nhan Tin Nhiem Mang