Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Những điều cần biết về giấy phép tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa

21/09/2017 22:28
Theo quy định mới của Bộ Công Thương về hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 9/2017, các chủ hàng có hàng hóa tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính cần lưu ý những vấn đề sau đây:
1.Trường hợp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất (theo mẫu tại Phụ lục IX): 1 bản chính;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc Mã số tạm nhập, tái xuất đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng đã qua sử dụng thuộc Phụ lục V): 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp;
c) Hợp đồng nhập khẩu và hợp đồng xuất khẩu do doanh nghiệp ký với khách hàng nước ngoài: mỗi loại 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp;
d) Báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép tạm nhập, tái xuất đã được cấp, có xác nhận của cơ quan hải quan (theo mẫu tại Phụ lục X): 1 bản chính.
Trường hợp tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo hình thức khác quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất (theo mẫu tại Phụ lục IX): 1 bản chính;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân;
c) Hợp đồng thuê, mượn ký với khách hàng nước ngoài: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân;
d) Văn bản chấp thuận của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành về việc thương nhân tạm nhập, tái xuất hàng hóa đó: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
3. Trường hợp tạm xuất, tái nhập hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập (theo mẫu tại Phụ lục IX): 1 bản chính;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân;
c) Hợp đồng, thỏa thuận sửa chữa, bảo hành của đối tác nước ngoài hoặc hợp đồng cho thuê, mượn hàng hóa: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
4. Trường hợp kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu (theo mẫu tại Phụ lục IX): 1 bản chính;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân;
c) Hợp đồng nhập khẩu và hợp đồng xuất khẩu do thương nhân ký với khách hàng nước ngoài: mỗi loại 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân;
d) Báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu đã được cấp, có xác nhận của cơ quan hải quan (theo mẫu tại Phụ lục X): 1 bản chính.
Về thủ tục cấp giấy phép
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương thực hiện việc cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu quy định tại Chương này.
Thương nhân gửi 1 (một) bộ hồ sơ xin cấp Giấy phép quy định tại Điều 17 Thông tư này qua đường bưu điện đến Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương (Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.
Trong vòng 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu cho thương nhân. Trường hợp không cấp Giấy phép, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Giấy phép hoặc văn bản trả lời của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương được gửi cho thương nhân qua đường bưu điện tới địa chỉ ghi trên đơn đề nghị cấp Giấy phép.
Đối với trường hợp doanh nghiệp đề nghị tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu do Ủy ban nhân dân tỉnh công bố, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương chỉ xem xét cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất cho các doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

VITIC tổng hợp
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 6
Số người truy cập: 4.289.751
Chung nhan Tin Nhiem Mang