Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Cần Thơ và những đột phá trong hạ tầng giao thông, logistics

01/11/2018 16:49
Với những công trình trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác, giúp mở đường cho thành phố phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển khu vực ĐBSCL. Từ những kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu, TP Cần Thơ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong phát triển giao thông. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2018/NĐ-CP quy định về cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ. Theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư thực hiện (kèm theo Nghị định 103) theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, có 4 dự án hạ tầng giao thông đầu tư vào giai đoạn sau năm 2020 gồm: Đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; Tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ; Đường vào Khu công nghiệp phía Nam và cảng Cái Cui (giai đoạn II đoạn từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui); Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91 đoạn từ Km0-Km7.

Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ năm 2018, thành phố kêu gọi đầu tư 9 dự án liên quan lĩnh vực giao thông. Trong đó, có 7 dự án về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, 1 dự án Bến Tổng hợp Cần Thơ tại bến phà cũ và Dự án nghiên cứu tiền khả thi đường sắt đô thị TP Cần Thơ. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ, cho biết: Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các dự án về giao thông. Đây là các dự án quan trọng, khi hoàn thành sẽ góp phần cải thiện mạng lưới giao thông cả về đường thủy lẫn đường bộ là động lực cho sự phát triển chung cho thành phố.


Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng tuyến cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thành khai thác đồng bộ toàn tuyến vào năm 2021. Song song đó, dự án tuyến N2 từ TP Hồ Chí Minh kết nối với các cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khi xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác, sẽ kết nối TP Cần Thơ với khu vực trung tâm vùng ĐBSCL. Từ đó, tạo thành 2 trục dọc cao tốc phía Đông và phía Tây kết nối với TP Hồ Chí Minh góp phần chia sẻ lưu lượng và phá thế độc đạo cho quốc lộ 1, kết nối với các trục ngang quốc lộ 91, đường Nam sông Hậu.

Đồng thời, TP Cần Thơ cũng đang tiếp tục triển khai các dự án xây dựng mới đường tỉnh 922 (nối từ quốc lộ 91B đến huyện Cờ Đỏ); nâng cấp mở rộng các đường tỉnh 917, 920. Kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP các dự án đường nối quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu; cầu Tây Đô trên đường tỉnh 932; nâng cấp mở rộng các đường tỉnh 918, 921, 923. Đây là các tuyến quốc lộ, đường trục chính đô thị, đường tỉnh quan trọng, đáp ứng yêu cầu kết nối giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian và hành trình đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL. Đây cũng là yếu tố thu hút hành khách đến Sân bay Cần Thơ, kết nối các cụm cảng, khu đô thị, khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.


Để phát huy vai trò Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ trong thúc đẩy đầu tư, du lịch và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố tiếp tục duy trì và phát triển tăng tần suất các đường bay đang khai thác. Thành phố đã và đang xúc tiến làm việc với các hãng hàng không mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế, như: Cần Thơ - Đà Lạt, Cần Thơ - Nha Trang, Cần Thơ - TP Vinh (Nghệ An), Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Xiêm Riệp (Campuchia), Cần Thơ - Hàn Quốc, Cần Thơ - Đài Loan. Về vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT tăng cường triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ. Bên cạnh đó, yêu cầu các hãng hàng không tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường hàng không đi/đến Cần Thơ để nghiên cứu mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế đi/đến Cần Thơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, khai thác hiệu quả và phát huy cảng biển Cần Thơ cùng Nhóm cảng biển số 6, TP Cần Thơ phối hợp chặt với Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét hoàn chỉnh luồng Quan Chánh Bố, hiện còn 3,8km trong tổng số 52,6km toàn tuyến luồng chưa đạt cốt luồng -6,5m. Đồng thời, nạo vét duy trì luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và thường xuyên rà soát, khảo sát nạo vét một số điểm cạn cục bộ trên luồng sông Hậu. Thành phố xem xét ban hành chính sách ưu đãi về mức thu phí, lệ phí hàng hải trong giai đoạn đầu đối với các tàu container cho khu vực ĐBSCL. Qua đó, nhằm khuyến khích hãng tàu container trực tiếp vào các cảng ĐBSCL...  Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là rất cần thiết, phục vụ vận tải hàng hóa khối lượng lớn bằng đường sắt, kết nối TP Cần Thơ cùng các tỉnh trong vùng với TP Hồ Chí Minh và quốc tế. Theo đó, UBND TP Cần Thơ đã phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có tuyến đường sắt đi qua (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) nghiên cứu, góp ý đối với Đề xuất phương án và Báo cáo hướng tuyến đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đề xuất. Hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh đang trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ để triển khai các bước tiếp theo

Tổng hợp/ Tham khảo Báo Cần Thơ
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 4.330.659
Chung nhan Tin Nhiem Mang