Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Sự phát triển của thị trường sản phẩm điện tử và cơ hội cho logistics Việt Nam

26/10/2017 15:18
 

I. XUẤT NHẬP KHẨU MÁY TÍNH VÀ SẢN PHẨM ĐIỆN TỬ

Về xuất khẩu: Xuất khẩu mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục tăng trưởng khả quan, một phần lớn do Dự án Samsung Display (mới được tăng vốn đầu tư trong những tháng đầu năm 2017) đã có sản phẩm xuất khẩu ngay từ những tháng cuối năm 2017. 
Nhóm hàng điện thoại và linh kiện đã tiếp tục chứng minh là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta khi đóng góp trên 21% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. 

Về nhập khẩu: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2017 kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đạt 3,74 tỷ USD, tăng 22,27% so với tháng trước và tăng 53,36% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng 9/2017 kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của khối doanh nghiệp FDI đạt 3,54 tỷ USD, tăng 24,57% so với tháng trước và tăng 56,09% so với cùng kỳ năm 2016 chiếm 94,61%.
Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2017, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của nước ta đạt 27,32 tỷ USD, tăng 35,63% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của khối doanh nghiệp FDI trong 9 tháng năm 2017 đạt 25,56 tỷ USD, tăng 37,46% so với cùng kỳ năm 2016  và chiếm 93,56% tổng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của nước ta.
tính đến hết 9 tháng năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của nước ta đạt 18,53 tỷ USD, tăng 41,37% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của khối doanh nghiệp FDI đạt 17,94 tỷ USD, tăng 42,93% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 96,81% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2017.
Xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc chiếm 25,19% tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam trong 9 tháng  năm 2017.
Xuất khẩu  sang thị trường Mỹ chiếm trên 12,98% tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 9 tháng năm 2017.
Tính đến hết 9 tháng năm 2017 xuất khẩu sang khu vực EU đạt 2,96 tỷ USD, tăng 25,55% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 15,97% tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam trong 9 tháng  năm 2017.
Tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang khu vực ASEAN 9 tháng năm 2017 đạt 1,99 tỷ USD, tăng 47,83% so cùng kỳ năm 2016 và chiếm 10,74% tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam.

II. NGÀNH ĐIỆN TỬ DI CHUYỂN VỀ CÁC THỊ TRƯỜNG ĐANG PHÁT TRIỂN TẠI CHÂU Á VÀ CƠ HỘI CHO LOGISTICS

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á nhờ ngành sản xuất. Trong đó, công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn với mục tiêu trở thành công xưởng của thế giới. Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang từng bước phát triển mạnh trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu lớn về dịch vụ logistics phục vụ cho ngành này. 

Cuộc cách mạng công nghiệp điện tử tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2010 xuất phát từ nhiều yếu tố.

Thứ nhất, do đối mặt với tổng cầu yếu và áp lực chi phí, nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu tìm các địa điểm sản xuất mới với chi phí rẻ hơn.

Thứ hai, do cạnh tranh tăng lên, nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng càng trở nên bức thiết. Các chính sách thu hút FDI hiệu quả của Việt Nam, kết hợp với đồng nội tệ giảm và nguồn lao động giá rẻ đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử.

BDS nhận định, sự vươn lên của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam một phần nhờ sự dịch chuyển mang tính cấu trúc trong mạng lưới cung cấp khu vực. Khi tiền lương và chi phí lao động tại các quốc gia khác tăng lên, cơ hội sẽ mở ra cho những “tay chơi mới” có chi phí sản xuất thấp hơn như Việt Nam.

Chẳng hạn, sau nhiều năm tăng trưởng nóng, tiền lương trung bình tại Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần Việt Nam. Thực tế này tạo sức ép lên tỷ suất lợi nhuận, buộc các nhà sản xuất phải dịch chuyển trụ sở sản xuất.

Ngoài lợi thế về chi phí, vị trí địa lý cũng góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với vai trò công xưởng của thế giới. Việt Nam nằm gần Trung Quốc, do vậy việc thâm nhập chuỗi cung cấp đã có sẵn khá thuận lợi.
Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Nhiều nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, LG, Panasonic… đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới thay cho Trung Quốc. 
Tuy nhiên, khả năng duy trì sự bền vững của ngành công nghiệp này trong dài hạn còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể đẩy mạnh sản lượng và phát triển chuỗi cung ứng, đặc biệt là hoạt động logistics phục vụ cho ngành, bao gồm toàn bộ hoạt động đóng gói, kho bãi, vận chuyển, giao nhận.... Đây được coi là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của ngành. 


Tổng hợp bởi VITIC
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 13
Số người truy cập: 4.301.965
Chung nhan Tin Nhiem Mang