Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Vietnamese English

Mối liên hệ giữa việc áp dụng các công cụ quản lý và logistics trong DN

10/12/2017 22:54
(phân tích)

1. Các công cụ quản lý chất lượng trong sản xuất:
 
1.1.Công cụ quản lý chất lượng LEAN
LEAN” là phương pháp làm việc nhằm xác định và loại bỏ lãng phí để cung cấp sản phẩm với giá trị gia tăng được cải thiện, dựa trên việc xác định các yêu cầu khách hàng. “LEAN” tập trung loại bỏ lãng phí tất cả các quá trình, giúp DN giảm thiểu thời gian hoàn tất sản phẩm (cycle time) và sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt hơn với chi phí thấp hơn và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Quá trình sản xuất theo quan điểm của “ LEAN” là:
- Một tập hợp những công đoạn có liên quan nhau với công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước từ khi nhận đơn hàng đến khi giao sản phẩm đến khách hàng (Value stream)
- Do công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước nên mức độ thêm giá trị được đánh giá trên từng công đoạn.
- Thiết bị và công đoạn được bố trí theo đường đi của nguyên vật liệu và luồng thông tin giữa các công đoạn.
“Lean” tập trung loại bỏ lãng phí:
- Sản xuất thừa                      Thời gian chờ
- Vận chuyển                         Công đoạn thừa
- Tồn kho                               Thao tác thừa
-  Sản phẩm khuyết tật

1.2. Công cụ quản lý chất lượng KAIZEN
Kaizen là một công cụ trong quản lý được áp dụng nhắm thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục với sự tham gia của mọi người nhằm cải thiện không ngừng môi trường làm việc, cuộc sống mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Từ năm 1986, cuốn sách “Kaizen chìa khoá của sự thành công” được xuất bản thì thuật ngữ Kaizen đã được coi là khái niệm cơ bản trong quản lý.
KAIZEN là cách tiếp cận mang tính triết lý và có hệ thống, được Nhật Bản phát triển sau chiến tranh thế giới thứ 2. Kaizen nghĩa là cải tiến liên tục và nó đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực liên tục của mọi người, các cán bộ quản lý cũng như công nhân. Kaizen là những cải tiến nhỏ thực hiện từng bước trong một thời gian dài. Thực tế, các công ty Nhật thường chú trọng thực hiện Kaizen hoặc chương trình có sự tham gia của nhân viên. Kaizen ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng công việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giảm chi phí hoạt động.
Đặc điểm của Kaizen gồm: 
- Là quá trình cải tiến liên tục nơi làm việc;
- Tập trung nâng cao năng suất và thoả mãn yêu cầu khách hàng thông qua giảm lãng phí;
- Triển khai dựa trên sự tham gia nhiệt tình của mọi thành viên với sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo;
- Nhấn mạnh hoạt động nhóm;
- Thu thập và phân tích dữ liệu là công cụ hữu hiệu.
Kaizen được tiếp cận theo quá trình, khi các quá trình được cải tiến thì kết quả sẽ được cải tiến. Khi kết quả không đạt được đó là sự sai lỗi của quá trình. Người quản lý cần phải nhận biết và phục hồi các quá trình sai lỗi. Định hướng theo quá trình được áp dụng khi áp dụng các chiến lược Kaizen khác nhau như: PDCA (Plan – Do – Check – Act), SDCA (Standardize – Do – Check – Act), QCD (Quality, Cost and Delivery), JIT (Just In Time)…
Các chương trình KAIZEN cơ bản:
5S: “SERI”, “SEITON”, “SEISO”, SEIKETSU” Và “SHITSUKE”, tiếng Việt là “Sàng lọc”, “sắp xếp”, “sạch sẽ”, săn sóc” và “sẵn sàng” được áp dụng để xây dựng môi trường làm việc gòn gàng, khoa học và sạch sẽ.
KSS: Hệ thống khuyến nghị Kaizen nhấn mạnh lợi ích xây dựng tinh thần và sự tham gia tích cực của người lao động thông qua các khuyến khích về tài chính và phi tài chính.
QCC: Nhóm chất lượng là một nhóm nhỏ tình nguyện thực hiện các hoạt động kiểm soát chất lượng tại nơi làm việc, thực hiện công việc tự phát triển, đào tạo và Kaizen trong nơi làm việc.
JIT: Đúng thời hạn là một kỹ thuật kiểm soát hàng tồn kho và sản xuất, là một phần trong hệ thống sản xuất của TOYOTA. Hệ thống được Taiichi Ohno thiết kế và hoàn thiện tại công ty TOYOTA chủ yếu nhằm giảm thiểu lãng phí khi sản xuất.
7 công cụ thống kê: là các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu làm căn cứ để ra các quyết định, bao gồm: phương pháp phân tầng dữ liệu, phiếu kiểm tra, biểu đồ nhân quả, biểu đồ Pareto, biểu đồ phân bố, biểu đồ phân tán, biểu đồ kiểm soát.

1.3.Công cụ quản lý chất lượng 6 Sigma
6 Sigma là một phương pháp khoa học tập trung vào việc thực hiện một cách phù hợp và có hiệu quả các kỹ thuật và các nguyên tắc quản lý chất lượng đã được thừa nhận. Tổng hợp các yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả công việc, 6 Sigma tập trung vào việc làm thế nào để thực hiện công việc mà không (hay gần như không) có sai lỗi hay khuyết tật.
Hiệu quả hoạt động của một công ty cũng được đo bằng Sgma  mà công ty đó đạt được đối với các quá trình sản xuất kinh doanh của họ. Thông thường các công ty thường đặt ra mức 3 hoặc 4 Sigma là mức Sigma chuẩn cho công ty tương ứng với xác suất sai lỗi có thể xảy ra là từ 6200 tới 67000 trên một triệu cơ hội. Nếu đạt tới mức 6 Sigma, con số này chỉ còn 3.4 lỗi trên một triệu cơ hội. Điền này cho phép đáp ứng sự mong đợi ngày càng tăng của khách hàng cũng như sự phức tạp của các sản phẩm và quy trình công nghệ mới ngày nay
Bốn nội dung cơ bản của 6 Sigma gồm: 
- Nội dung thứ nhất: Thật sự tập trung vào khách hàng: Trong 6 Sigma , việc định hướng vào khách hàng được ưu tiên hàng đầu. Chẳng hạn như các biện pháp đo lường việc thực hiện 6 Sigma đều được bắt đầu bằng việc xác định các yêu cầu khách hàng. Các cải tiến 6 Sigma được xác định bằng ảnh hưởng của sự thoả mãn khách hàng. Chúng ta sẽ xem xét tại sao và làm thế nào để xác định các yêu cầu của khách hàng, đo lường sự thực hiện và trở thành một công ty phát triển hàng đầu và đáp ứng các nhu cầu khách hàng
- Nội dung thứ hai: Dữ liệu và quản lý dữ liệu thực tế: 6 Sigma đưa ra khái niệm “quản lý dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế” đem lại rất nhiều hiệu quả cho hoạt động quản lý. Trong những năm gần đây người ta chú trọng vào các biện pháp đo lường, cải tiến hệ thống thông tin, quản lý tri thức…, hệ thống 6 Sigma cũng hướng tới việc xây dựng cho tổ chức một hệ thống “ra quyết định dựa trên dữ liệu”. Nguyên tắc thực hiện 6 Sigma bắt đầu bằng việc đo lường để đánh giá việc hiện trạng hoạt động của tổ chức để công ty dựa vào đó để xây dựng hệ thống quản lý một cách có hiệu quả.
- Nội dung thứ ba: Tập trung vào quản lý và cải tiến quá trình: Trong 6 Sigma , “quá trình” là nơi các hoạt động xảy ra. Trong bất cứ trường hợp nào việc thiết kế các sản phẩm – dịch vụ, đo lường sự thực hiện, cải tiến có hiệu quả và sự thoả mãn khách hàng hoặc cả việc quản lý kinh doanh thì 6 Sigma đều hướng vào cải tiến các quy trình công việc
- Nội dung thứ tư: Nhà quản lý cần tập trung vào những nội dung ưu tiên. Rất nhiều tổ chức rơi vào tình trạng mất kiểm soát vì không biết lựa chọn các ưu tiên trong công tác quản lý. Các nhà quản lý có xu hướng muốn đạt được tất cả các kết quả về doanh số, tỷ lệ tăng trưởng, các chỉ tiêu chất lượng, chỉ số nhân lực, các mục tiêu chính trị xã hội,… Việc đặt ra quá nhiều mục tiêu làm cho tổ chức phân tán các nguồn lực, không tập trung vào những khâu trọng điểm. Cuối cùng dẫn đến việc lãng phí thời gian, tiền bạc và nhân lực
Phương pháp 6 Sigma định hướng cho các nhà quản lý tập trung vào các mục tiêu có tính trọng yếu, hướng vào việc tìm và giải quyết các nguyên nhân cội rễ các vấn đề gây nên các lãng phí, sai hỏng, không đáp ứng các yêu cầu khách hàng. Hệ thống 6 Sigma chỉ ra cho nhà quản lý một nguyên tắc là “ưu tiên hoá các mục tiêu chính là phương pháp để cất cánh”

2. Tình hình áp dụng và các vấn đề về logistics: 
Về cơ bản, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, công cụ quản lý chất lượng và chứng nhận hợp chuẩn giúp DN tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ tổn thất, duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm; cải tiến năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời xây dựng được phong cách làm việc khoa học có tính hệ thống. Đặc biệt, có những DN sau khi áp dụng công cụ, mô hình nâng cao năng suất chất lượng như 5S, LEAN…năng suất đã có sự cải thiện rõ rệt, thông thường, các công ty sau khi áp dụng các công cụ cải tiến, năng suất tăng tới 20-30% hoặc cao hơn mà chưa cần tới những đầu tư lớn về máy móc thiết bị.
Để áp dụng thành công các công cụ quản lý chất lượng này cũng đồng nghĩa với việc hoàn thiện hệ thống logistics trong nội bộ doanh nghiệp và kết nối với logistics bên ngoài. Theo thống kê của một số tổ chức nghiên cứu về logistics cũng như Viện nghiên cứu logistics của Mỹ cho biết, chi phí cho hoạt động logistics chiếm tới khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển, con số này ở các nước đang phát triển thì cao hơn khoảng 15-20%. Theo thống kê của một nghiên cứu, hoạt động logistics trên thị trường Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ bình quân là 33%/1 năm và ở Brazil là 20%/1 năm. Điều này cho thấy chi phí cho logistics là rất lớn. Vì vậy với việc hình thành và phát triển dịch vụ logistics là rất lớn. Vì vậy, với việc hình thành và phát triển dịch vụ logistics sẽ giúp các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế quốc dân giảm được chi phí trong chuỗi logistics, làm cho quá trình sản xuất kinh doanh tinh giản hơn và đạt hiệu quả hơn. Giảm chi phí trong sản xuất, quá trình sản xuất kinh doanh tinh giản, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng cao góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Thực tế những năm qua tại các nước Châu Âu, chi phí logistics đã giảm xuống rất nhiều và còn có xu hướng giảm nữa trong các năm tới.
Tuy nhiên, tỷ lệ DN cho rằng sẽ có sự cải thiện rõ ràng về năng suất, chất lượng khi áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và công cụ quản lý chất lượng vẫn chưa cao, thể hiện sự chưa chắc chắn của họ vào hiệu quả áp dụng. Lý do được đưa ra là mặc dù về bản chất, các tiêu chuẩn và công cụ này rất tiên tiến nhưng khi áp dụng trong thực tế các DN vừa và nhỏ, xuất phát điểm thấp, trình độ nhân lực còn hạn chế tại Việt Nam thì chưa hẳn đã hiệu quả như mong muốn. Những nguyên nhân chính của tình trạng này bao gồm: (i) Thiếu sự cam kết và quyết tâm trong quá trình áp dụng, (ii) Thiếu sự hỗ trợ sát sao của các chuyên gia quốc tế và trong nước, (iii) Trình độ nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu , (iv) Thiếu sự giám sát chặt chẽ và (v) những tác động từ bên ngoài như môi trường kinh doanh, biến động thị trường đầu ra và đầu vào khiến DN phải thường xuyên điều chỉnh kế hoạch…

VITIC tổng hợp và phân tích

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 3
Số người truy cập: 4.194.704
Chung nhan Tin Nhiem Mang