Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Quản trị và liên kết trong chuỗi thịt lợn và thực phẩm từ thịt lợn: Gỡ nút thắt logistics

17/10/2017 18:52
(phân tích)

1. Liên kết trong chuỗi thịt lợn và thực phẩm từ thịt lợn  

Chuỗi chăn nuôi lợn ở nước ta vẫn còn rời rạc từ khâu sản xuất đến thị trường, sản xuất chăn nuôi tự phát còn nhiều nên lợi nhuận chưa được chia đều, tập trung ở một số khâu thu mua và trung chuyển. Do đó, cần xây dựng và hình thành chuỗi mới khắc phục những tồn tại hiện tại trong ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay, trừ mô hình chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài thì các mô hình liên kết theo chiều dọc giữa các tác nhân trong chuỗi để giảm bớt khâu trung gian, ổn định giá và nguồn cung các sản phẩm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi đã và đang được hình thành song chưa phtát triển mạnh.
Tại Hà Nội, Thái Bình và Đồng Nai, có đến 98% số hộ chăn nuôi lợn được hỏi cho biết họ chỉ có thể bán lợn thông qua thương lái và không có kênh nào khác. Mặc dù có một số hộ tham gia hợp tác xã chăn nuôi nhưng hiệu quả hoạt động của hợp tác xã còn hạn chế, chưa chủ động giúp các thành viên tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay tại Hà Nội đã và đang hình thành một số chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, đây đều là những chuỗi manh nha hình thành với quy mô và vốn còn hạn chế chưa thể cạnh tranh được với các tập đoàn FDI lớn trong ngành. Một điển hình của chuỗi này đó là Công ty Cổ phần Cộng đồng Green Food Hà Nội được thành lập với mục tiêu liên kết thành chuỗi sản xuất thực phẩm, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần bình ổn giá cả thị trường đảm bảo an ninh thực phẩm Thủ Đô với nguồn thực phẩm an toàn được truy xuất nguồn gốc. Với sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng thuận giữa các thành viên sáng lập, từ tháng 12 năm 2013, công ty đã hoàn tất các thủ tục cần thiết và chính thức khai trương các cửa hàng bán lẻ đầu tiên vào tháng 4/2014. Công ty Cổ phần Cộng đồng Green Food Hà Nội gồm 6 thành viên: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương – Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Thaiway (đơn vị chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi và cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi); Công ty Sản xuất giống gia cầm Phương Hiền; Công ty Cổ phần Chăn nuôi Tiên Phương; Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông; Công ty Thực phẩm giết mổ chế biến Vinh Anh; Công ty Thực phẩm giết mổ gia cầm Lan Vinh. Các công ty này sẽ đảm nhận cung cấp từ đầu vào chăn nuôi (giống, thức ăn, thuốc…) cho đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong một chuỗi khép kín với năng lực sản xuất: 01 nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 150 ngàn tấn/năm, 80 trang trại chăn nuôi, 01 nhà máy giết mổ lợn và chế biến thực phẩm công suất 600 con/ngày, 01 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm công suất 20 ngàn con/ngày.

2. Vấn đề logistics trong phát triển chuỗi thịt lợn trong nước và xuất khẩuTrong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút, chỉ xuất khẩu đạt 1,17 triệu con. Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch lại hạn chế. Trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016, với xuất khẩu lợn thịt xẻ chính ngạch, Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kong (Trung Quốc) và Malaysia khoảng 15-20 ngàn tấn (tương đương 200.000 con). Qua các con số trên cho thấy, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện tại hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất.
Thị trường Hàn Quốc năm 2016 phải nhập khẩu các sản phẩm thịt với tổng trị giá lên tới hơn 5 tỷ USD. Đối với thịt lợn, nước này yêu cầu sản phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng và phải được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Do hiện nay, Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh lở mồm long móng nên Việt Nam chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn. Đối với Philippines, Cơ quan Thú y nước này cũng yêu cầu thịt lợn nhập khẩu vào Philippines phải có nguồn gốc từ các nước không có bệnh lở mồm long móng và không tiêm phòng (được OIE công nhận).
Để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thịt lợn, Nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp kí kết các thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu. Theo đó, chất lượng sản phẩm sẽ được đảm bảo từ đầu vào (giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý) đến quá trình chăn nuôi, chế biến, lưu kho, vận chuyển và giao hàng đến tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là quá trình cải tiến chuỗi logistics từ rời rạc, lạc hậu, thậm chí là “tạm bợ” sang chuỗi logistics chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm và giao hàng đúng hạn. Đây cũng là chìa khóa tháo gỡ nút thắt bị “ép giá” cho sản phẩm thịt của Việt Nam, mở ra cơ hội tham gia sâu hơn vào các kênh phân phối hiện đại trong nước và nước ngoài. 

VITIC tổng hợp và phân tích
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 47
Số người truy cập: 4.311.294
Chung nhan Tin Nhiem Mang