Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam

09/04/2023 17:06
Sáng ngày 6/4/2023, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Tọa đàm: "Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam".                         

Tham dự Tọa đàm có TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các đại biểu đến từ Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Cục TMĐT và Kinh tế số, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Vụ Khoa học – Công nghệ)...

Về phía Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam có bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội; bà Đinh Thị Mỹ Vân - Tổng biên tập Tạp chí Thương Trường và đại diện các doanh nghiệp và các Hội, Hiệp hội, các cơ quan báo chí.

CMCN 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Riêng đối với ngành dịch vụ bán lẻ, sự cần thiết phải ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 nhằm vượt qua thách thức. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đang buộc các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu phải thay đổi để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. 

Phát biểu Khai mạc Tọa đàm, TS. Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh: Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn mở rộng với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước; các chuyên gia kinh tế, thương mại, công nghệ; các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ và liên quan… cùng thảo luận, phân tích thực trạng, chỉ rõ xu thế phát triển và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế từ chính sách đến thực tiễn, khuyến nghị đổi mới sát với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam trong xu thế chung của cuộc CMCN 4.0.

Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả sẽ trình bày một số tham luận với các chủ đề quan trọng và thời sự như: Tổng quan thị trường bán lẻ và xu hướng phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0; Bán lẻ với Thương mại điện tử: Hợp tác và Cạnh tranh; Phân tích SWOT bán lẻ Việt Nam 4.0; Phát triển ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0: Nhìn từ góc độ Quản lý nhà nước; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ Việt Nam: Thuận lợi và khó khăn; Những bất cập và rủi ro pháp lý đối với ngành bán lẻ trong  thời kỳ chuyển đổi số…

Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương nhận định, thị trường Việt Nam đã có bước phát triển ổn định trong suốt giai đoạn 2017-2022, bất chấp những khó khăn của thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Quý 1/2023, Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1187 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với quý 1/2022, chiếm 78,9% tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước trong quý đầu năm nay.

Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%), số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.

Để có được những kết quả trên, TS. Đinh Thị Bảo Linh cũng chỉ ra những mặt thuận lợi của ngành bán lẻ. Những thuận lợi này đã được ngành bán lẻ tận dụng tốt.

Dự báo xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Đinh Thị Bảo Linh nhận định, ở cách tiếp cận sát với thị trường bán lẻ, có thể thấy Cách mạng công nghiệp 4.0 với các bước tiến lớn về công nghệ sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hình thành các mạng lưới chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trên diện rộng, kết nối cả về không gian (toàn cầu) và thời gian (từ quá khứ đến tương lai), và do từng bước làm nhòa ranh giới về vật lý. 

Thị trường bản lẻ quốc tế và Việt Nam không ngừng vận động theo xu hướng CMCN 4.0, mang lại cả những cơ hội và thách thức mới. Tăng cường khả năng đón bắt xu hướng thị trường, thích ứng và phát triển bền vững là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ.

Về giải pháp, theo TS. Đinh Thị Bảo Linh, bên cạnh những nỗ lực từ phía Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý phù hợp và thông thoáng, các nhà bán lẻ cần từng bước tạo lập quy trình để khách hàng có thể tự lựa chọn hàng hóa, phục vụ, thanh toán, hoàn trả, đổi hàng nhanh chóng để giảm các chi phí chăm sóc khách hàng vốn rất tốn kém
 

Trao đổi tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Hưng – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng: Thương mại điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh sau 2 giai đoạn manh nha và đang có mức tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng. Nếu như năm 2015 có doanh thu bán lẻ TMĐT chỉ đạt 4 tỷ USD, đến 2022 bán lẻ thương mại điện tử đã tăng lên 20 tỷ USD.
Bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, tập trung ở các ông lớn Shopee, Lazada…. Thương mại điện tử hiện đang chiếm hơn 7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.

"Bán lẻ hàng hóa và thương mại điện tử đang quyện hòa vào nhau khi phương thức bán hàng đa kênh đang trở thành xu thế của thời đại. Thậm chí, cả cửa hàng tạp hóa cũng đã trở thành nơi đang ưu tiên áp dụng và đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử" - ông Hưng nói.
 

Theo Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, vai trò của ngành thương mại với đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển của đất nước là đặc biệt quan trọng. Thời điểm năm 2019 mở cửa thị trường chúng ta đã gặp nhiều khó khăn. Ngành bán lẻ đã phải đối đầu với nhiều tác động về giá cả, hàng hóa,....

Những năm gần đây, các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh sự phát triển của các loại hình này, vẫn còn nhiều tồn tại về chất lượng hàng hóa, hàng giả hàng nhái, rất khó để kiểm soát. Bộ Công Thương cũng đã có quy định về quản lý chất lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại nhưng vẫn còn nhiều tồn tại các cơ sở vi phạm quy định pháp luật. 

"Vấn đề phát sinh liên quan đến TMĐT, cần  phải thường xuyên sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật để kiểm soát. Hiện vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tranh chấp trên các sàn TMĐT cũng là vấn đề rất được nhiều người quan tâm" - ông Khôi cho biết thêm.
 

Đứng trên phương diện người tiêu dùng, người được hưởng những dịch vụ của ngành bán lẻ, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, việc phát triển của ngành bán lẻ đã khắc phục được những khó khăn mà như trước đó thời bao cấp chúng ta phải xếp hàng để chờ mua. Việc bùng nổ công nghệ cũng giúp cho ngành bán lẻ ngày càng phát triển hơn. Hiện nay chúng ta có thể ngồi tại nhà, tại nơi làm việc mà vẫn có thể mua sắm mọi thứ. Đây có lẽ là con đường phát triển tất yếu và duy nhất của ngành bán lẻ.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành bán lẻ. Trên phương diện của một luật sư, trước tiên tôi kiến nghị để ngành bán lẻ phát triển, cần sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ và toàn bộ người sản xuất.

Bán lẻ với thói quen không dùng hóa đơn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì không kê khai thuế vi phạm nguyên tắc của ngành thuế, có thể khiến doanh nghiệp, nhà bán bẻ bị truy thu số tiền cực lớn. 
Ngành bán lẻ cần phổ cập để toàn bộ các nhà bán lẻ nắm được toàn bộ các quy định, từ đó đóng góp phát triển kinh tế xã hội, phát triển Nhà nước và cũng phát triển bền vững doanh nghiệp của mình.

Một điểm nữa, theo luật sư Tiền liên quan đến kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử, để nâng cao quản lý chất lượng ngành này, chúng ta cần chuyên nghiệp hóa lực lượng vận chuyển, shipper. Từ đó, có những quy định pháp luật để đóng góp, quản lý lực lượng này. Đơn cử như những quy định về ký quỹ, về nguyên tắc giao nhận hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa khi nhận hàng vận chuyển,… "Phải làm được những việc này, luật hóa các quy định thì sẽ giải quyết được việc đảm bảo chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử" - Luật sư Tiền nêu rõ.
 

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ nêu rõ, sự phát triển của CMCN 4.0 mang đến những thách thức với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, lãnh đạo khi triển khai công nghệ số. Việc ứng dụng những công nghệ này vào tuyển dụng chưa thật sự phổ biến, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, chưa ứng dụng thành thạo.

Quản lý doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mặc dù so với trước đây hiện chúng ta đã dễ dàng hơn nhiều về truy xuất nguồn gốc, nhưng nếu nhà bán lẻ không kịp ứng dụng công nghệ vào bán hàng thì hệ thông bán lẻ rất dễ ‘bị bóc phốt’ gây ảnh hưởng, sụp đổ ngay trong một thời gian ngắn.

Trước đây nhà bán lẻ cam kết với người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, nhưng hiện nay nhà bán lẻ cần hợp tác với nhà sản xuất, ứng dụng công nghệ vào hoạt động phân phối. Từ đó, giảm thiểu rủi ro với chính nhà bán lẻ. Ngoài ra, ứng dụng này cũng sẽ hỗ trợ việc xử lý phản ánh về chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về hoạt động quảng cáo hàng hóa, những phát triển về công nghệ khiến hình thức quảng cáo đa dạng hơn, lan truyền nhanh hơn những sản phẩm quảng cáo truyền thống. Đơn cử như hoạt động livestream, có sức lan tỏa nhanh hơn rất nhiều so với quảng cáo trên truyền hình hay hình thức bán hàng bằng hotline cổ điển. Nếu doanh nghiệp không phát triển hình thức quảng cáo theo phát triển công nghệ, rất có thể tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh.

Để phát triển hệ thống bán lẻ, TS. Hoàng Xuân Công đưa ra 3 kiến nghị. Thứ nhất, doanh nghiệp hãy chú tâm đến những ứng dụng trên điện thoại thông minh của người tiêu dùng. Thứ hai, người tiêu dùng quan tâm gì, chúng ta bán gì. Thứ ba, hãy tuyển dụng những streamer chuyên nghiệp làm nhân viên của mình, họ là người có nhiều thế mạnh bán hàng.
 

Tham gia thảo luận tại Tọa đàm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện phó Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp và người dân về cơ bản không hiểu bản chất của CMCN 4.0. Vậy CMCN 4.0 là gì? Cần hiểu rõ bản chất để ứng dụng đúng và trúng.

TS. Vũ Đình Ánh giải thích, xử lý thông tin không phải là cốt yếu, yếu tố 4.0 ở đây là phát triển cao của 3.0. Hiện nay chúng ta chưa gọi là phát triển 4.0 bởi, trí tuệ nhân tạo mới là yếu tố cốt lõi của cuộc phát triển công nghệ 4.0 mà ChatGPT chính là một ứng dụng gần như đầu tiên của công nghệ 4.0. Ứng dụng này cho thấy trí tuệ nhân tạo cao, nó biết "rút kinh nghiệm". Thoạt đầu ứng dụng này trả lời rất ngây ngô nhưng càng về sau, quá trình rút kinh nghiệm đã khiến ứng dụng này trở nên thông minh hơn. Đó mới là 4.0, là trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh nói thêm, hành vi người tiêu dùng đang thay đổi kinh điển. Điều này cho thấy thói quen tiêu dùng của người dân, dùng hàng hiệu để khẳng định mình. Biến hàng hiệu thành tài sản, thành sản phẩm tích trữ tài sản để lại đời sau. Điều này đã biến nhà bán hàng hiệu thành người giàu nhất thế giới.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng chỉ ra những khó khăn đối với nhà bán lẻ. Theo đó, ông Ánh cho rằng, trước đây, người tiêu dùng, chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm đến sự chuyên nghiệp của các nhà bán lẻ, tuy nhiên, thời gian qua đã phát triển mạnh công nghệ, biến người người, nhà nhà trở thành người bán lẻ. 

"Tôi rất quan ngại về vấn đề này. Thời điểm hiện nay, quyết định chuỗi sản xuất, không phải nhà sản xuất mà là nhà bán lẻ, hệ thống phân phối mới là người cuối cùng quyết định chuỗi giá trị. Theo đó, thời nay, các nhà bán lẻ nắm bắt được thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng rồi đưa thông tin đến nhà sản xuất, nhà thiết kế từ đó quyết định hệ giá trị, giá trị sản xuất" - ông Ánh nói.
 

Đồng ý với một số ý kiến của TS. Vũ Đình Ánh, TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đã lấy ChatGPT để nói cụ thể hơn về vấn đề công nghệ 4.0.

Lấy dẫn chứng về câu chuyện từ ChatGPT, ông Dũng nhấn mạnh tới những thách thức lớn của ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay. Đầu tiên đó là tính cạnh tranh không biên giới. Hiện đã có nhiều người mua hàng từ Trung Quốc vì giá rẻ hơn, trong khi người Việt ta cũng có thể sản xuất ra hàng hóa và bán sang Mỹ. Cùng với đó, việc 80% hàng hóa tại các cửa hàng đều hàng hóa từ Trung Quốc, và với giá cả thấp đã cho thấy hàng hóa Trung Quốc có tính cạnh tranh cao khiến các nhà bán lẻ và sản phẩm trong nước yếu tính cạnh tranh hơn.
 

Liên quan đến vấn đề kho vận logistics, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, bán lẻ có thể đã cố gắng, nhưng hệ thống logistics không theo kịp cũng khiến cuộc chơi dễ thất bại và thua cuộc. Tại Trung Quốc có hệ thống giao hàng phát triển rất nhanh và mạnh, nếu Việt Nam không làm tốt sẽ gây khó cho sự phát triển của bán lẻ.

Theo ông Dũng, tính hợp tác trong làm ăn kinh doanh của người Việt rất khó khăn, và việc cạnh tranh không lành mạnh trong tâm ý của nhiều người Việt cũng đang gây ra những thách thức không nhỏ cho lĩnh vực bán lẻ.

Đại diện TikTok ông Nguyễn Lâm Thanh chia sẻ, sàn thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh bán lẻ. Việc mạng xã hội TikTok và social ecommerce đang tạo cơ hội cho cả các phía từ nhà sản xuất cho tới người lao động đơn thuần. Bản thân TikTok cũng đang tạo điều kiện cho bà con nông dân tận dụng được thế mạnh công nghệ, hỗ trợ bà con bán hàng… Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác với các tổ chức, đoàn, hội phụ nữ nhằm tạo dựng thêm các vấn đề kết nối, tạo thêm kênh bán lẻ và tăng thu nhập cho các bên.

Bà Phạm Thị Lý – PGĐ Trung tâm doanh nghiệp Hội nhập và phát triển cho rằng, thời kỳ cuối của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 3 đó là việc minh bạch về thông tin. Theo đó, sự minh bạch và chất lượng thông tin, chất lượng hàng hóa, thông tin sản phẩm sẽ nắm sự thành công của các hệ thống bán lẻ, phân phối hàng hóa. Dựa trên yếu tố này, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, truy xuất thông tin nhà sản xuất, nhà phân phối là vô cùng quan trọng.

Việc phát triển các hệ thông truy xuất này cũng giúp cho các cơ sở sản xuất, các nhà quản lý có thể kiểm soát được đường đi của hàng hóa. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng sẽ nắm được toàn bộ thông tin nhà sản xuất, nhà phân phối hay các thông tin chất lượng của sản phẩm. Qua đó, trở thành người tiêu dùng thông minh, thông thái.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng sẽ có đầy đủ thông tin nhằm quản lý hàng hóa và hệ thống các cơ sở phân phối. Quản lý việc nguồn thu thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính của các cơ sở. Tất cả đều hướng đến mục tiêu minh bạch thông tin của hàng hóa và cơ sở sản xuất.
 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, TS.Đinh Thị Mỹ Loan gửi lời cảm ơn đến các diễn giả đã có những bài viết tham luận đầy tâm huyết với ngành bán lẻ. Các diễn giả cùng với các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã có những ý kiến phân tích, nhận định và đưa ra các giải pháp quan trọng, có giá trị ứng dụng thực tế rất cao đối với ngành bán lẻ.

Có thể tóm gọn lại những vấn đề đáng chú ý cũng như các giải pháp đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh chuyển đổi số như sau:

Về phía cơ quan quản lý: 

- Nhà nước cần tiếp tục nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý phù hợp và thông thoáng cho ngành bán lẻ nói chung và bán lẻ trong môi trường số nói riêng.

- Hiện vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tranh chấp trên các sàn TMĐT cũng là vấn đề rất được nhiều người quan tâm, do đó cần  phải thường xuyên sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật để kiểm soát và quản lý tốt loại hình kinh doanh này.

- Để nâng cao quản lý chất lượng hàng hóa trong TMĐT, cần chuyên nghiệp hóa lực lượng vận chuyển (shipper), từ đó, có những quy định pháp luật để quản lý lực lượng này. Đơn cử như những quy định về ký quỹ, về nguyên tắc giao nhận hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa khi nhận hàng vận chuyển,… 

Về phía doanh nghiệp: 

- Các nhà bán lẻ cần từng bước tạo lập quy trình để khách hàng có thể tự lựa chọn hàng hóa, phục vụ, thanh toán, hoàn trả, đổi hàng nhanh chóng để giảm các chi phí chăm sóc khách hàng vốn rất tốn kém.

- Bán lẻ với thói quen không dùng hóa đơn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì không kê khai thuế vi phạm nguyên tắc của ngành thuế, có thể khiến doanh nghiệp, nhà bán bẻ bị truy thu số tiền cực lớn. Do đó, ngành bán lẻ cần phổ cập để toàn bộ các nhà bán lẻ nắm được toàn bộ các quy định, từ đó đóng góp phát triển kinh tế xã hội, phát triển Nhà nước và cũng phát triển bền vững doanh nghiệp của mình.

- Trước đây nhà bán lẻ cam kết với người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, nhưng hiện nay nhà bán lẻ cần hợp tác với nhà sản xuất, ứng dụng công nghệ vào hoạt động phân phối, từ đó, giảm thiểu rủi ro với chính nhà bán lẻ. Ngoài ra, ứng dụng này cũng sẽ hỗ trợ việc xử lý phản ánh về chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

- Công nghệ phát triển khiến hình thức quảng cáo đa dạng hơn, lan truyền nhanh hơn những sản phẩm quảng cáo truyền thống. Đơn cử như hoạt động livestream, có sức lan tỏa nhanh hơn rất nhiều so với quảng cáo trên truyền hình hay hình thức bán hàng bằng hotline cổ điển. Nếu doanh nghiệp không phát triển hình thức quảng cáo theo phát triển công nghệ, rất có thể tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh.

- Để phát triển hệ thống bán lẻ: Doanh nghiệp hãy chú tâm đến những ứng dụng trên điện thoại thông minh của người tiêu dùng; Doanh nghiệp cần biết người tiêu dùng quan tâm gì, chúng ta bán gì; Tuyển dụng những streamer chuyên nghiệp làm nhân viên của mình, họ là người có nhiều thế mạnh bán hàng.

- Hành vi người tiêu dùng đã thay đổi mạnh mẽ, do đó doanh nghiệp cần phải kịp thời nắm bắt để có được tệp khách hàng “chịu chi mạnh tay”.

- Hệ thống logistics vô cùng quan trọng, nếu không theo kịp sẽ khiến cuộc chơi của ngành bán lẻ dễ thất bại và thua cuộc. Tại Trung Quốc có hệ thống giao hàng phát triển rất nhanh và mạnh, nếu Việt Nam không làm tốt sẽ gây khó cho sự phát triển của bán lẻ.

- Mạng xã hội TikTok và social ecommerce đang tạo cơ hội cho cả các phía từ nhà sản xuất cho tới người lao động đơn thuần là cơ hội tạo thêm kênh bán lẻ và tăng thu nhập cho doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để minh bạch thông tin về chất lượng hàng hóa, thông tin sản phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, truy xuất thông tin nhà sản xuất, nhà phân phối là vô cùng quan trọng bởi đây là yếu tố sẽ nắm được sự thành công của các hệ thống bán lẻ, phân phối hàng hóa cùng với đó giúp cơ quan nhà nước cũng có đầy đủ thông tin nhằm quản lý hàng hóa và hệ thống các cơ sở phân phối.

Link gốc

.

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 9
Số người truy cập: 6.261.229
Chung nhan Tin Nhiem Mang