Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển, chất thải phát sinh do hàng hải

06/01/2020 19:03
Năm 2020, Chính phủ hoàn thiện quy phạm pháp luật về ngăn ngừa ô nhiễm, quản lý chất thải trong hoạt động hàng hải.
 

Kế hoạch này nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của các phụ lục III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL) mà Việt Nam là thành viên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ven biển, quốc gia có cảng, quốc gia có tàu mang cờ quốc tịch.

Mối lo ô nhiễm môi trường từ tàu biển

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, các phương tiện tàu biển là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường. Đặc biệt tại các thành phố cảng và ven biển do chúng sử dụng nhiên liệu nhựa đường kém chất lượng, có lượng khí thải như nitơ oxit (NO), dioxit lưu huỳnh (SO2) rất cao. Bên cạnh đó, những chất thải này cũng đã tạo ra những cơn mưa axit và những hạt bồ hóng nhỏ li ti trong không khí.

Hoạt động của tàu biển (bao gồm cả tàu cá và tàu hàng) là một trong những nguồn nhân tạo đóng góp đáng kể vào sự ô nhiễm không khí.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, các tàu biển là thủ phạm gây ra 2/3 lượng khí thải SO2 trong ngành GTVT năm 2002, việc thiếu các biện pháp kiểm soát sẽ khiến tỷ lệ này có thể lên tới 98% vào năm 2020.

Do đó, Chính phủ Mỹ đã đặt ra những tiêu chuẩn mới về khí thải đối với các tàu biển cỡ lớn. Theo đó, từ năm 2015, các tàu biển mới sẽ phải giảm 96% lượng SO2 so với hiện nay. Tương tự, các tàu biển được đóng sau năm 2016 sẽ phải cắt giảm 80% lượng khí thải NO.

Hiện Việt Nam có trên 1.700 tàu vận tải, cùng với số lượng tàu cá khoảng 130.000 tàu, tương ứng với lượng nhiên liệu xăng dầu tiêu thụ khoảng gần 4 triệu tấn/năm. Có thể nói, đây chính là nguồn gây ra ô nhiễm cho vùng biển, ven biển và nhiều nơi, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Chất lượng của tàu biển Việt Nam thường không cao, nhiều phương tiện đã quá cũ, lạc hậu, hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải… nên đã phát thải nhiều khí độc như: SO2, CO2, CO, NO2, CxHy… Chất lượng của tàu biển Việt Nam thường không cao… nên đã phát thải nhiều khí độc.
 

Việt Nam nỗ lực bảo vệ môi trường hàng hải

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện các phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL - Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra.

Kế hoạch này nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của các phụ lục III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL) mà Việt Nam là thành viên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ven biển, quốc gia có cảng, quốc gia có tàu mang cờ quốc tịch.

Theo kế hoạch này, từ năm 2016 đến năm 2020, Chính phủ sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra và quản lý chất thải phát sinh từ tàu trong hoạt động hàng hải, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi, công tác điều tra, phát hiện vi phạm, tai nạn hàng hải để triển khai đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định của các phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL.

Hàng năm, triển khai thực thi quy định các phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL, bao gồm công tác kiểm tra, kiểm soát để thực hiện trách nhiệm của quốc gia đối với tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, trách nhiệm của quốc gia ven biển và trách nhiệm của quốc gia có cảng.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực để thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, thực hiện điều tra tai nạn hàng hải, xử lý đầy đủ và kịp thời các trường hợp vi phạm, bao gồm cả việc đào tạo sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển, các công tác kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) và đăng kiểm viên thực hiện đánh giá, kiểm tra, kiểm soát hệ thống, kỹ thuật của tàu.

Từ năm 2016 đến năm 2030, nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống tiếp nhận chất thải tại các cảng biển theo quy định của Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL; nghiên cứu, triển khai áp dụng các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát chất thải phát sinh từ tàu biển.

Đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra, tình hình quản lý chất thải tại các cảng biển Việt Nam và mức độ đáp ứng các quy định của Công ước MARPOL; nghiên cứu, xây dựng và đề xuất thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra trong vùng biển Việt Nam để đệ trình Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, đào tạo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định tại Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực Hàng hải và các quốc gia khác trong khu vực nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công chức, viên chức quản lý và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên và chuyển giao công nghệ liên quan đến thực hiện Công ước MARPOL; thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia thành viên của Công ước để tham khảo kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của các nước này.
 

Hoạt động của tàu biển là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hàng hải

Có thể nói đây là bước tiến mới trong công tác ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển gây ra của Việt Nam. Công ước MARPOL là một trong những công ước chủ chốt về bảo vệ môi trường biển và Việt Nam tham gia Công ước này từ năm 1991. Công ước đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn ô nhiễm gây ra do vận chuyển hàng hóa là dầu mỏ, hàng nguy hiểm, độc hại, cũng như do nước, rác và khí thải từ tàu.

Theo sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ cũng như các vấn đề môi trường phát sinh trong thực tiễn hoạt động của ngành Hàng hải (các tai nạn tràn dầu, các vấn đề ô nhiễm mới nảy sinh...), các yêu cầu kỹ thuật của Công ước MARPOL 73/78 đã được bổ sung và sửa đổi liên tục. Cho đến nay, Công ước MARPOL 73/78 đã có 6 phụ lục quy định chi tiết các nội dung liên quan.

VITIC tổng hợp/ tham khảo mt.gov.vn trích nguồn từ Báo Giao thông. 
Link gốc: 
http://mt.gov.vn/moitruong/tin-tuc/1091/45994/ngan-ngua-o-nhiem-tu-tau-bien--chat-thai-phat-sinh-do-hang-hai.aspx

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 44
Số người truy cập: 4.305.334
Chung nhan Tin Nhiem Mang