Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 7 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Chúc mừng năm mới 2019: Logistics Việt Nam vươn mình cất cánh

01/01/2019 11:24
Kính thưa Quý độc giả và cộng sự, 

Trước tiên, Ban biên tập trang tin điện tử logistics.gov.vn, thuộc quản lý của Bộ Công Thương xin gửi lời tri ân và chúc mừng năm mới nồng nhiệt nhất tới toàn thể Quý độc giả và cộng sự.


Năm mới 2019 đang mở ra trên nền tảng năm 2018 nhiều thành tựu của logistics Việt Nam...

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành dịch vụ logistics tiếp tục đà tăng trưởng của các năm trước với mức độ tăng trưởng khoảng 12-14% nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng cũng như sự quan tâm phát triển dịch vụ logistics của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) công bố ngày 24 tháng 7 năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng LPI kể từ năm 2007 đến nay.

Trong năm 2018, hạ tầng cho logistics  có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, nhiều tuyến đường cao tốc, cầu lớn đã và đang được nâng cấp xây dựng tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6/2018, góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đã đi vào khai thác cuối tháng 8/2018, cùng với tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn sẽ đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2018, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của vùng ven biển Miền Bắc, là mắt xích quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đó cũng là một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng, kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra sự kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam trong những năm tới.

Về đường biển, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện ở phía Bắc đã đưa vào khai thác 2 bến cảng đầu tiên trong tháng 5/2018. Đây là cảng thay thế hệ thống cảng cũ ở Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hoá vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Khi đi vào khai thác, cảng Lạch Huyện sẽ góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc cũng như cả nước có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ, mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hồng Kông. Điều này sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, còn góp phần thu hút lượng hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông - Tây và khu vực Nam Trung Quốc.

Về hàng không, cùng với việc nâng cấp các sân bay hiện có, năm 2018 Cảng hàng không Vân Đồn là sân bay đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT được đưa vào hoạt động. Các sân bay hiện đang mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa, một số sân bay như Cần Thơ đang xem xét việc xây dựng trung tâm logistics hàng không hiện đại để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong năm 2018, hạ tầng logistics tĩnh bao gồm các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan cũng gia tăng về số lượng và nâng cấp về công nghệ.

Ngoài các chức năng chính gồm bảo quản, dán nhãn, đóng gói, chia tách, xử lý hàng hóa, chuẩn bị đơn đặt hàng, các trung tâm logistics đang chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa, theo dõi, truy xuất vị trí. Một số trung tâm logistics chuyên dùng được tự động hóa gần như hoàn toàn như các trung tâm logistics của Samsung, Unilever, P&G, Vinamilk, Masan. Các trung tâm logistics lớn hiện nay tập trung ở khu vực Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương, áp dụng hệ thống quản lý hiện đại thuộc các doanh nghiệp Gemadept, TBS, Tân Cảng Sài Gòn, Transimex, Mapletree, Damco, DHL, Kerry Express, Viettel Post.

Những nỗ lực lớn vun đắp cho thành tựu...

Để có được những thành tựu trên, trước tiên phải kể đến sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ

Năm 2018 là năm thứ hai triển khai Quyết định 200/QĐ-TTg, các cơ quan Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực dịch vụ logistics và cải thiện hạ tầng logistics.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định 140/2007 NĐ-CP) quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam. Nghị định 163 đã mở rộng phạm vi phân loại dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho cả công tác quản lý vĩ mô vào hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Nghị định 163 cũng quy định cụ thể các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics, quy định về kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử và đưa ra giới hạn trách nhiệm đối với kinh doanh dịch vụ logistics. Việc ban hành Nghị định này đã bao quát các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics, góp phần cụ thể hóa chính sách đầu tư và phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.

Năm 2018, Chính phủ và các Bộ cũng ban hành một loại văn bản hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan và các luật chuyên ngành khác có tác động đến hoạt động logistics. Trong năm vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc cải cách thủ tục hành chính nhằm hạn chế thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đôn đốc việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và yêu cầu các Bộ ngành tích cực tham gia Cơ chế Một cửa Quốc gia. Các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành một số văn bản theo hướng cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, một số quy định không còn phù hợp cũng đã được bãi bỏ.

Các Bộ đang triển khai kết nối với Cơ chế Một cửa Quốc gia theo hướng tăng số lượng thủ tục và số lượng hồ sơ xây dựng qua Cơ chế chế này. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục thông qua Cơ chế Một cửa Quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục hành chính theo đề xuất mới nhất của các Bộ, ngành.

Sự năng động tiến lên của các doanh nghiệp và sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa Nhà nước và tư nhân

Đánh giá chung năm 2018, các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận và dịch vụ liên quan khác đều có mức tăng trưởng khả quan. Số lượng các doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics là khoảng 23.000 doanh nghiệp, trong đó 3.000 doanh nghiệp có hoạt động logistics quốc tế, chủ yếu là tập trung ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (khoảng 70%). Năm 2018 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của loại hình dịch vụ logistics phục vụ thương mại điện tử. Số lượng các công ty tham gia vào khâu giao hàng chặng cuối phục vụ cho thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng. 

Trong năm 2018, chúng ta đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng thị trường cho doanh nghiệp dịch vụ logistics. Các đoàn xúc tiến thương mại về logistics đã được Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các doanh nghiệp triển khai rộng khắp. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu sự khai thông của tuyến đường sắt kết nối giữa Việt Nam qua Trung Quốc đến các nước Châu Âu, giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa xuống còn 30 -35 ngày (so với 60 - 70 ngày nếu vận chuyển bằng đường biển).

Hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho logistics chuyển mình sôi động, chuyên nghiệp hơn, thực tiễn hơn và đặc biệt có tính kết nối hơn

Hoạt động đào tạo nhân lực tại các trường đại học, trường cao đẳng và đơn vị đào tạo ngắn hạn được triển khai mạnh. Số lượng các trường mở bộ môn đào tạo về logistics tăng lên. Đối với đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mở thêm mã ngành 52510605 - chuyên ngành "Quản trị Logistics và chuỗi cung ứng" cùng với mã ngành 52840104 - chuyên ngành "Logistics và Vận tải đa phương thức". Đối với bậc đào tạo sau đại học, tại Việt Nam hiện chưa có trường nào mở chuyên ngành logistics. Tuy nhiên, nhiều đề tài luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ về lĩnh vực logistics đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu trong những năm trở lại đây.

Như vậy, có thể thấy rằng quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Do đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam (85,7%) phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics quy mô lớn lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để đảm bảo mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.

Công tác thông tin, truyền thông cũng được đổi mới để đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của lĩnh vực logistics Việt Nam năm 2018

Năm 2018, công tác phổ biến, tuyên truyền về logistics đã được quan tâm thực hiện từ cấp Trung ương đến địa phương, với sự vận dụng sáng tạo nhiều kênh thông tin, tuyên truyền như truyền hình, truyền thanh, báo chí truyền thống, báo và các trang tin điện tử đến mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến. Nhờ đó, nhận thức của các bên liên quan về định hướng, chính sách và các nội dung trong lĩnh vực logistics ngày càng được cải thiện.

Trang tin điện tử logistics.gov.vn là trang tin điện tử của Bộ Công Thương cung cấp thông tin ngành logistics phục vụ quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực logistics. Đây cũng là địa chỉ tin cậy để kết nối giao thương, đầu tư và hợp tác cho các tác nhân trong lĩnh vực logistics. Nhờ sự quan tâm, góp ý liên tục của các độc giả, trang tin điện tử Logistics.gov.vn đã nỗ lực cải thiện nội dung, tương tác đa chiều và đạt được số lượt truy cập khá ổn định khoảng 20.000-30.0000 lượt/tháng. Nhiều quý độc giả gọi điện về Ban biên tập đã nhận được sự trợ giúp kịp thời về các thông tin, dữ liệu chuyên sâu. 

VTV9 là một trong những đơn vị truyền thông đã mở riêng một chuyên mục hàng tuần về logistics. ­Ngoài ra, hoạt động logistics còn nhận được sự quan tâm và thường xuyên đưa tin của các kênh thông tin, tuyên truyền uy tín như: Thời báo Kinh tế Việt Nam, Tạp chí Vietnam Logistics Review, báo Công Thương, báo Đầu tư, Báo Giao thông.

Trong năm 2018 đã có nhiều hội nghị, hội thảo cấp Nhà nước và địa phương, ngành hàng được tổ chức để bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả logistics, kết nối cung-cầu trong lĩnh vực logistics...

Đặc biệt, Hội nghị toàn quốc về logistics do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, ngày 16/4/2018 tại Hà Nội đã thảo luận các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần tập trung hoàn thiện thể chế về dịch vụ logistic; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistic; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistic; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực logistics.

Trong năm 2018 chứng kiến bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics. Đã có nhiều văn bản hợp tác ghi nhớ và các chuyến giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với các hiệp hội và doanh nghiệp quốc tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trao tặng Bằng khen cho 10 đơn vị và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển dịch vụ logistics. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã tổ chức công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2018. Đồng thời, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng chứng kiến lễ ký kết các Bản ghi nhớ, hợp đồng trong lĩnh vực logistics giữa các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo.

Như vậy có thể thấy, năm mới 2019 đang mở ra, chúng ta kế thừa được những thuận lợi và thành tựu từ năm 2018, nhưng cũng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhiều thách thức phải vượt qua. 

Một lần nữa, Ban biên tập trang tin điện tử logistics.gov.vn xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các Quý độc giả và cộng sự đã luôn sát cánh, và chúc cho một năm 2019 nhiều thành công của lĩnh vực logistics. 




 
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2019
       T.M BAN BIÊN TẬP
TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP


      Đinh Thị Bảo Linh
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 6.301.970
Chung nhan Tin Nhiem Mang