Thống nhất được phương án xử lý các lô hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng biển
Thực hiện Chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Nghị quyết số 140 ngày 9/11/2018 của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 6656 ngày 5/12/2018 gửi các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương và Tư pháp để lấy ý kiến thống nhất về phương án giải quyết, xử lý phế liệu nhập khẩu còn tồn đọng tại các cảng biển hiện nay. Theo đó, các Bộ đã thống nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, trên cả nước có 4 cảng biển có lượng hàng hóa thực hiện thủ tục hải quan lớn là Hải Phòng, Cát Lái, Bình Dương, Cái Mép; trong đó có cảng Cát Lái đang chịu áp lực lớn của tình trạng tồn đọng các container phế liệu. Để giảm áp lực tại khu vực này, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo di chuyển các container phế liệu về ICD Tân Cảng - Long Bình để lưu giữ và thực hiện các thủ tục hải quan.
Nhiều container phế thải tồn động tại cảng Cát Lái
Đối với trên 3.000 container tồn đọng quá 90 ngày, cơ quan hải quan đã thực hiện thông báo quá 60 ngày mà không có người đến nhận; các lô hàng quá 30 ngày mà cơ quan hải quan và cơ quan môi trường kiểm tra không có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản; các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy chuẩn Việt Nam về môi trường sẽ yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Đối với trường hợp container không đáp ứng tiêu chuẩn thì phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng còn lại, Bộ Tài chính chỉ đạo thủ trưởng cơ quan Hải quan nơi lưu giữ phế liệu nhập khẩu tồn đọng tiến hành kiểm tra thực tế hàng hoá vắng mặt người khai hải quan, đồng thời tổ chức kiểm kê, phân loại phế liệu theo quy định của pháp luật.
Các Bộ ngành đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm kê, phân loại các lô hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng.
Trường hợp các lô hàng phế liệu sau khi kiểm tra, phân loại được xác định không đáp ứng quy chuẩn Việt Nam, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và cơ quan cảng vụ khu vực, phối hợp với cơ quan Hải quan yêu cầu hãng tàu thực hiện trách nhiệm vận chuyển lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định.
Trường hợp, các lô hàng phế liệu vi phạm không thể tái xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lựa chọn các cơ sở xử lý chất thải có đủ năng lực, đã được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại; đáp ứng yêu cầu thực tế về diện tích kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu; về phương án phân loại và xử lý phế liệu nhập khẩu; về công nghệ xử lý, tiêu huỷ... gửi Bộ Tài chính để lựa chọn tiêu huỷ phế liệu vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, về giải pháp lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường theo hướng kiểm soát phế liệu ngay từ nước xuất khẩu; yêu cầu bắt buộc phải ký quỹ bảo vệ môi trường trước nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam; các cơ sở sử dụng phế liệu phải cải tạo nâng cấp công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và bổ sung cơ sở xử lý chất thải thì mới nhập khẩu phế liệu sản xuất.
Các cơ sở đang hoạt động sản xuất các sản phẩm hàng hóa trung gian như hạt nhựa thương phẩm, bột giấy giấy tái chế đưa ra lộ trình không quá 5 năm phải cải thiện nâng cấp dây chuyền công nghệ để sản xuất các sản phầm cuối cùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các địa phương không thực hiện cấp phép mới các dự án đầu tư nhập khẩu phế liệu sản xuất các sản phẩm trung gian.
Tổng hợp/ tham khảo vneconomy.vn