Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ tư, ngày 8 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Đà Nẵng đề xuất 3 lựa chọn về chiến lược hàng không

26/08/2019 07:42
Tại hội thảo đóng góp ý tưởng dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045”, Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị tư vấn quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đề xuất 3 lựa chọn về chiến lược hàng không, gồm chuyển sân bay vào Quảng Nam, chuyển sân bay ra biển và giữ nguyên vị trí hiện tại.
 

Về sân bay, Công ty Surbana Jurong đưa ra 3 lựa chọn về chiến lược hàng không gồm chuyển sân bay vào Quảng Nam, chuyển sân bay ra biển và giữ nguyên vị trí hiện tại (hợp tác chặt chẽ với sân bay Phú Bài, Chu Lai cùng khai thác nguồn khách).
 

Với cảng biển, Surbana Jurong đưa 2 phương án gồm tách cảng Liên Chiểu (cảng chính cho hàng hóa, logistics), cảng Tiên Sa sẽ làm du lịch là chính, có bổ sung logistics cho cảng Liên Chiểu. Phương án thứ 2 là mở rộng cảng Tiên Sa cho cả du lịch và logistics, không phát triển cảng Liên Chiểu.
 

Cảng sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Cảng sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Về đường sắt tốc độ cao và nhà ga, Surbana Jurong nêu 2 lựa chọn, thứ nhất là nằm giữa QL1A và cao tốc, như vậy sẽ chia cắt một số ngọn đồi và bãi rác hiện tại, nhưng gần với đường bờ biển và khu vực thành phố hiện tại. Lựa chọn thứ 2 là sẽ đặt dọc đường cao tốc (thu phí), như vậy sẽ cắt qua một số dự án đã được phê duyệt, nhưng đổi lại tiết kiệm đất, không phải chia cắt Thành phố thành nhiều phần.
 

Về quản lý nguồn nước, xuất phát từ địa hình, khí hậu, Surbana Jurong đề xuất xây dựng Đà Nẵng là “Thành phố ngàn hồ”. Vào mùa mưa sẽ giữ nước ở các hồ trên núi không cho tràn xuống phố gây ngập lụt. Mùa nắng sẽ xả nước dự trữ từ các hồ này, đồng thời xây đập ngăn mặn ở các cửa sông để chống tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
 

Về không gian phát triển đô thị, Surbana Jurong nêu ý tưởng chia Thành phố thành 3 khu vực phát triển. Theo đó, khu vực mặt nước dọc theo bờ biển và sông với nhiều cảnh quan mặt nước. Khu công viên nằm ở giữa Thành phố với những ngọn đồi và cây xanh tươi tốt, phát triển mật độ thấp do vùng đất đồi hạn chế phát triển (gồm cả đất nghĩa trang và quân khu). Khu sườn đồi là khu vực sườn núi phía Tây với đặc điểm các đồi sinh thái.


Theo phương án này, Đà Nẵng sẽ có 2 vành đai phát triển từ núi xuống biển gồm phía Bắc (phát triển khu công nghiệp CNC và CNTT), phía Nam (khu đổi mới sáng tạo kết hợp khu nông nghiệp công nghệ cao). Cũng theo phương án này, giao thông sẽ được thiết kế gồm các đường cao tốc (5-8 km có một cao tốc) kết nối với các tuyến đường vành đai, huyết mạch, đường chính nội đô. Ngoài ra Surbana Jurong cũng nêu ý tưởng phát triển bền vững Đà Nẵng nhờ các mảng xanh, môi trường, xây dựng thành phố thông minh…


Tuy nhiên, ý kiến các chuyên gia tại hội thảo chưa đồng tình với các đề xuất của đơn vị tư vấn. Ông Olivier Soquet, chuyên gia tư vấn DE-So (Pháp) cho biết trong ý tưởng Surbana Jurong đưa ra chưa nhìn thấy nghiên cứu sâu về dự án giao thông hỗn hợp. Chưa có sự tích hợp giữa đường sắt cao tốc với cảng biển, sân bay, đường bộ kết nối các khu vực lân cận. Đây đang là thách thức lớn mà Đà Nẵng phải đối mặt, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn trong tương lai.


Ngoài ra, với nguy cơ biến đổi khí hậu, bão gió nhiều ở Đà Nẵng, việc phát triển mảng xanh đang đặt ra thách thức, đó là điều quan trọng trong tương lai nhưng cũng chưa thấy Surbana Jurong đưa ra chiến lược phát triển mảng xanh thuyết phục. Đặc biệt, Surbana Jurong không nói về nông nghiệp công nghệ cao để tự chủ nguồn lương thực cho Đà Nẵng. Theo ông Olivier đường sắt tốc độ cao cần đặt tại khu vực làng đại học phía nam Đà Nẵng và kết nối với Hội An.

Đà Nẵng đang tiến hành Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045
Đà Nẵng đang tiến hành Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045

Còn TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chất lượng lần quy hoạch này phải cao, đi kèm việc thực thi quy hoạch một cách nghiêm túc, đừng để nhiệm kỳ nào cũng phải điều chỉnh. Quy hoạch phải trên nền tảng chủ trương của Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đó là phát triển Đà Nẵng phải đặt trong chuỗi đô thị biển khu vực miền Trung.


Theo TS. Trần Du Lịch, một số giải pháp cần xác định rõ là: xây dựng sân bay Đà Nẵng phải có quy mô phù hợp khi song song tồn tại sân bay Chu Lai; phải xây dựng cảng Liên Chiểu; tính toán tổng thể quy mô công nghiệp của Đà Nẵng và vùng miền Trung để xây dựng quy mô cảng… Về giao thông, phải chủ trương triết lý giao thông công cộng; xây dựng đô thị nén, nhà cao tầng, dành không gian cho mảng xanh và không gian công cộng.


Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, điều chỉnh quy hoạch chung lần này đặt mục tiêu tạo được nguồn lực đáp ứng được yêu cầu về tốc độ phát triển kinh tế của Thành phố ở mức cao với 12%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đã đến lúc cần có quan điểm, tầm nhìn mới về quy hoạch và phát triển Thành phố với việc lựa chọn mô hình, kết cấu mới phù hợp để Đà Nẵng tăng tốc phát triển; phù hợp với yêu cầu hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, kết nối với các đô thị lớn trong nước cũng như khu vực; đồng thời khắc phục những hạn chế tồn tại từ quy hoạch cũ. Vì vậy, Đà Nẵng sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp, phản biện để hoàn thiện dự án điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố.

VITIC tổng hợp/ Tham khảo baodautu.vn

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 6
Số người truy cập: 6.308.131
Chung nhan Tin Nhiem Mang