Gỡ nút thắt trong quy định về vận chuyển hàng không
Văn phòng Chính phủ vừa bắt đầu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Các thành viên Chính phủ chỉ có hơn 1 ngày hoàn tất Phiếu ghi ý kiến để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. 27 thành viên Chính phủ sẽ nêu quan điểm đồng ý hay không đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc xin giữ quy định tại khoản 2 và 4, Điều 6, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP về nội dung quản lý tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam.
Đây là một trong 2 nút thắt cuối để Dự thảo Nghị định điều chỉnh hoạt động kinh doanh của 68 hãng hàng không quốc tế và 5 hãng hàng không nội địa được Thủ tướng ký ban hành sau hơn 1 năm soạn thảo.
Trong lần xin ý kiến các thành viên Chính phủ hồi tháng 9/2018, liên quan đến tuổi của tàu bay đã qua sử dụng, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án. Trong phương án 1, tuổi tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách sẽ được nới từ 20 năm lên 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê và đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung từ 25 năm lên 30 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Với phương án 2 - phương án được Bộ GTVT đề xuất lựa chọn, tuổi tàu bay sẽ được giữ nguyên như quy định tại khoản 2 và 4, Điều 6, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP.
Khoản 2, Nghị định số 92 quy định, tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam để thực hiện vận chuyển hành khách sẽ không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung, tuổi tàu bay không vượt quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu theo hợp đồng mua, thuê mua và không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Khoản 4, Điều 6, Nghị định 92 quy định các chủng loại tàu bay được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ loại tàu bay.
Điều đáng nói là, trong lần lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ tháng 9/2019, có tới 19 thành viên chọn phương án 1; 5 ý kiến thống nhất với phương án 2; 2 ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm.
Nới room nhà đầu tư ngoại ở mức 34%
Có khá nhiều lý do khiến Bộ GTVT, trong vai trò là cơ quan soạn thảo, lại quyết liệt bảo lưu việc duy trì quy định về tuổi tàu bay đã qua sử dụng. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, quy định này nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động vận chuyển hành khách; giảm thiểu chi phí bảo dưỡng; gia tăng độ tin cậy đối với tàu bay; phù hợp với nguồn lực phục vụ công tác bảo dưỡng, kiểm tra, giám sát và khai thác tàu bay tại thời điểm đó và khuyến khích các hãng hàng không sử dụng và làm chủ các sản phẩm có công nghệ tiên tiến.
Qua hơn 12 năm thực hiện, các quy định về tuổi tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam đã chứng minh được sự phù hợp giữa yếu tố đảm bảo an toàn và cơ hội kinh doanh cho các hãng hàng không. Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác đội tàu bay với độ tuổi trung bình thấp (khoảng 5 tuổi) do các hãng đầu tư theo hình thức bán và thuê lại (thuê không có tổ bay).
Bên cạnh đó, so với số liệu tuổi tàu bay trung bình được đưa ra khỏi hoạt động khai thác trên thế giới (25,1 năm với tàu chở khách và 32,5 năm với tàu chở hàng), quy định của Việt Nam đối với tàu bay thuê bảo đảm hành lang cho an toàn hàng không và hoạt động kinh doanh và lợi ích công cộng.
“Sự tăng trưởng nóng số lượng tàu bay cũng đã gây áp lực lớn cho năng lực giám sát đủ điều kiện bay của Cục Hàng không Việt Nam và cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm năng lực giám sát an toàn trước khi tính toán về việc nâng tuổi cho phép đối với tàu bay nhập khẩu”, lãnh đạo Bộ GTVT giải thích.
Trước đó, trong Thông báo số 214/TB - VCPP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 17/6/2019 về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92 và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, để bảo đảm quản lý chặt chẽ máy bay nhập khẩu bảo đảm tuyệt đối an toàn, Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT báo cáo giải trình xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2019.
Liên quan đến mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, Thường trực Chính phủ thống nhất phương án đã được đa số thành viên Chính phủ thông qua.
Cụ thể, phương án được 24/26 thành viên Chính phủ thông qua cũng chính là đề xuất của Bộ GTVT tại Tờ trình số 9055/TTr-BGTVT ngày 15/8/2018, nâng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 34%.
Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định, trần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không được ấn định là 30%. Tại Dự thảo Nghị định được trình xin ý kiến vào tháng 8, tháng 11/2018, tuy nghiêng về trần góp vốn của nhà đầu tư ngoại ở mức không quá 34% vốn điều lệ, nhưng Bộ GTVT vẫn nêu thêm phương án mức vốn góp không quá 49% như đề xuất của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet.
“Sở dĩ Bộ GTVT hạn chế số vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 34% vốn điều lệ là để bảo đảm hài hòa giữa việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Ban biên tập/ Tham khảo baodautu.vn