Hà Nội sẽ áp dụng nhiều giải pháp xử lý xe tải chở vật liệu, phế thải gây ô nhiễm
Tình trạng xe tải chở vật liệu, phế thải che chắn không bảo đảm, làm rơi vãi ra đường gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra trên nhiều tuyến đường Thủ đô. Vi phạm nhiều nhất là trên các tuyến Đại lộ Thăng Long, trục đường Âu Cơ - An Dương Vương, đường Nguyễn Khoái, đường Vành đai 3...
Thống kê của thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng này đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 1.444 trường hợp, phạt tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Số trường hợp bị xử lý như vậy là không ít nhưng điều đáng nói là sau đó, nhiều phương tiện lại tái phạm, môi trường tiếp tục bị xâm hại. Ông Nguyễn Văn Sơn, công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) cho biết: “Riêng trên tuyến Đại lộ Thăng Long, tình trạng đất, cát rơi vãi, phế thải đổ trộm diễn ra như cơm bữa. Nhiều lúc cứ dọn sạch hôm trước thì đến sáng hôm sau mặt đường lại nhan nhản những vệt cát, đá dăm rơi vãi từ các xe ben, xe tải. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, lượng phế thải thu dọn được đã lên đến trên 1.000 tấn”.
CSGT dọn phế liệu do xe tải làm rơi ra
Theo ông Trần Hoàng Linh, Phó đội trưởng Đội Thanh tra giao thông đường bộ (thuộc thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội), tình trạng chung của lái xe khi bị kiểm tra thì việc đầu tiên là gọi điện thoại cho chủ xe để cầu cứu các mối quan hệ; không xuất trình giấy tờ và tìm đủ mọi cách để... câu giờ.
Trong khi đó, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm lôi kéo đất cát từ công trình ra đường bộ hoặc chở vật liệu làm rơi vãi ra đường chỉ phải chịu phạt ở mức từ 1 đến 3 triệu đồng/trường hợp là quá nhẹ. Đa phần các chủ công trình, doanh nghiệp vận tải đều ký cam kết bảo vệ môi trường, nhưng không thực hiện. Thậm chí, nhiều đối tượng còn thuê người theo dõi, nếu thấy lực lượng chức năng bố trí chốt trực lập tức tạm ngừng hoạt động, sau khi lực lượng chức năng rút đi lại vi phạm. Ngoài ra, trang thiết bị của lực lượng thanh tra giao thông - vận tải còn rất hạn chế khiến cho công tác cưỡng chế vi phạm gặp nhiều khó khăn. Hiện đơn vị chỉ có xe cẩu kéo, xe cứu hộ loại nhỏ, không thể cưỡng chế xe tải cỡ lớn.
“Xử lý vấn đề về vi phạm môi trường đối với giao thông rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt, tạm thời đình chỉ thi công đối với các công trình, công trường xây dựng vi phạm về môi trường. Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các lực lượng chức năng liên quan như cảnh sát môi trường và công an, thanh tra Sở Xây dựng, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp” - ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiến nghị.
Cũng theo ông Lê Xuân Tiến, thay vì xử phạt mức từ 1 đến 3 triệu đồng/lần vi phạm, không tước giấy phép lái xe, không tước phù hiệu như quy định hiện hành thì cần tăng mức xử phạt lên từ 5 đến 7 triệu đồng/lần vi phạm, tước giấy phép lái xe và thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với lái xe và chủ xe vi phạm. Bên cạnh đó nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình thi công xây dựng. Nếu các đơn vị vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng cho công trình vi phạm, chủ đầu tư công trình cũng phải chịu trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật.
VITIC tổng hợp