Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Sẵn lợi thế về logistics, Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tính thêm cách phát triển

06/03/2023 09:35

Sáng ngày 4/3/2023, tại TP. Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì.


Toàn cảnh Hội nghị. Nguồn ảnh: Báo Đầu tư

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được xem là một quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế đối với ngành logistics, bởi nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động vào bậc nhất thế giới, nơi có nguồn hàng tập trung và luồng hàng giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.

Đối với Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, địa phương này có lợi thế đặc biệt để phát triển logistics.

“Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải, gồm: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không, giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký thì Quảng Ninh đã ban hành các cơ chế, chính sách; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho ngành logistics phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Thực tế, những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị.

“Quảng Ninh luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, thành trong vùng (như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn) tìm cách kết nối, chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển”, ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ tại Hội nghị.

Mặt khác, lợi thế phát triển logistics của Quảng Ninh gắn với thương mại biên giới, cảng biển và đặc biệt còn có Cảng hàng không Vân Đồn rất tiềm năng. Do đó, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư để triển khai xây dựng 6 trung tâm logistics lớn của tỉnh, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quản trị logistics, phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển, quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp uy tín đến với tỉnh Quảng Ninh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các nghiệp vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế …

Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo một số vấn đề. Trong đó, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi”, dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao thương quốc tế, đóng vai trò kết nối nội vùng và liên vùng.

Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh thêm, Quảng Ninh cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ...

Tại hội nghị, các diễn giả là doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia từ các Hiệp hội, viện nghiên cứu đã trình bày làm rõ hơn những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh và đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất nhằm giúp Quảng Ninh phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực để tích cực phát triển dịch vụ logistics, đi thẳng vào hiện đại, tận dụng hết các thế mạnh tự nhiên và con người, thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược để tạo được những thành tựu bứt phá trong lĩnh vực này.

Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết các bản ghi nhớ (MOU) để hợp tác thúc đẩy phát triển logistics của Quảng Ninh. 

Trước đó, ngày 3/3, các đại biểu đã đi thăm một số địa điểm được quy hoạch để phát triển dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Nam Tiền Phong (thuộc Khu kinh tế ven biển Quảng Yên), Sân bay Vân Đồn (Khu kinh tế ven biển Vân Đồn), Trung tâm logistics và lối mở Km 3+4 (Móng Cái), cảng Vạn Ninh.

Các bản ghi nhớ được ký kết tại Hội nghị:
1. Sở Công thương Quảng Ninh ký MOU với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) về hợp tác, hỗ trợ xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”.
2. Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Ninh ký MOU với Công ty cổ phần Tư vấn và Dịch vụ Viettel về hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics.
3. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ký MOU với Công ty cổ phần Nam Tiền Phong (tên cũ là Công ty cổ phần Deep C Nga) về hợp tác phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
4. Công ty cổ phần Vinafco ký MOU với Công ty Cổ phần Thành Đạt về hợp tác phát triển dịch vụ logistics và khai thác cảng Vạn Ninh.
5. Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) ký MOU với Trường Đại học Hạ Long về hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành logistics.

Link gốc Báo Đầu tư

ĐỂ CẬP NHẬT CÁC THÔNG TIN, DỮ LIỆU VÀ XU HƯỚNG MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, THÔNG TIN VỀ CÁC GA, CẢNG TẠI VIỆT NAM, VUI LÒNG THAM KHẢO TÀI LIỆU
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 34
Số người truy cập: 6.017.322
Chung nhan Tin Nhiem Mang