Thúc đẩy hợp tác GTVT vì thịnh vượng chung ASEAN
Sáng ngày 14/11/2019, Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25 (ATM 25) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phát biểu khai mạc, đề nghị kết nối giao thông để xây dựng một ASEAN thông suốt. Ngay sau lễ khai mạc, Hội nghị bước vào phiên họp toàn thể giữa các Bộ trưởng GTVT ASEAN.
Chủ trì phiên toàn thể, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong năm vừa qua, Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN cùng các quan chức, cán bộ GTVT các nước ASEAN đã rất nỗ lực để đạt được những thành tựu quan trọng. Bộ trưởng khẳng định, trải qua hơn 50 hình thành và phát triển, ASEAN hiện nay đã trở thành một tổ chức quan trọng, nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến và ý tưởng chiến lược sáng tạo toàn cầu.
Nền kinh tế các nước ASEAN có dân số trên 640 triệu người - chiếm 8,5% dân số thế giới, quy mô kinh tế năm 2018 đạt gần 3.000 tỷ USD. Trong lĩnh vực GTVT, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, tạo thuận lợi vận tải, xây dựng thể chế…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trên cơ sở những thành tựu hợp tác nêu trên, vẫn còn rất sáng kiến, đề xuất và cơ chế hợp tác cần cải thiện, đặc biệt là các sáng kiến, mục tiêu thuộc khuôn khổ Kế hoạch chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2016 - 2025 cần được thúc đẩy, triển khai để tăng cường hơn nữa kết nối giữa các quốc gia thành viên, góp phần phấn đấu tạo nên một “ASEAN thông suốt”.
Trong lĩnh vực hàng không, các nước ASEAN đã tập trung thảo luận, đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU) về Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN - EU. Sau 8 vòng đàm phán, các quốc gia ASEAN và EU đã rất gần tới việc đạt được một Hiệp định Hàng không thế hệ mới lần đầu tiên giữa hai khu vực lớn trên thế giới, tạo tiền đề cho kết nối mạnh mẽ hơn nữa cả về thương mại, du lịch và vận tải giữa hai khu vực.
Vì vậy, các nước ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy quá trình tham vấn nội bộ, sớm hoàn tất đàm phán để đi tới ký kết chính thức Hiệp định.
Bộ trưởng bày tỏ vui mừng với các kết quả triển khai các biện pháp nhằm tăng cường kết nối hàng hải trong khuôn khổ Kế hoạch chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2016 - 2025. Đặc biệt, Hiệp định Hợp tác tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải ASEAN đang được hoàn thiện và tiến hành ký kết trong thời gian tới. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng đã đạt được một số kết quả trong quá trình thành lập thị trường hàng hải chung ASEAN; hình thành các tuyến vận tải RO-RO trong ASEAN; nâng cao và hài hòa các tiêu chuẩn an toàn và kiểm tra tàu trong ASEAN…
Đặc biệt, trong tạo thuận lợi vận tải, tiến độ và kết quả triển khai các Hiệp định về tạo thuận lợi vận tải trong ASEAN như: Hiệp định khung ASEAN về Vận tải đa phương thức (AFAMT), Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải liên quốc gia, Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải hành khách qua biên giới bằng đường bộ là rất đáng hoan nghênh.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong Hội nghị này, các Bộ trưởng sẽ thảo luận và thông qua Khung triển khai Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT) và Kế hoạch hành động Vùng để triển khai Hiệp định để tạo cơ sở triển khai có hiệu quả Hiệp định này trong thời gian tới.” Thúc đẩy thị trường hàng không thống nhất, vận tải không biên giới.
Để tăng cường, thúc đẩy hơn nữa hợp tác GTVT trong ASEAN, trên cơ sở những công việc và thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các Bộ trưởng hỗ trợ, hợp tác trong việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận, các sáng kiến hợp tác cũng như trong quá trình triển khai các thỏa thuận, sáng kiến đạt hiệu quả, đóng góp vào thành công, thịnh vượng chung của các quốc gia ASEAN.
Mở cửa bầu trời ASEAN
Tại Hội nghị ATM25 lần này, dự kiến sẽ có 2 văn kiện hợp tác quan trọng về hàng không nội khối ASEAN được ký kết. Đó là Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ; Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 giữa ASEAN và Trung Quốc.
Cùng đó, xem xét thông qua các sáng kiến trong hợp tác GTVT ASEAN như: Nghị định thư số 1: Thiết bị huấn luyện mô phỏng chuyến bay của Thỏa thuận ASEAN công nhận lẫn nhau đối với Giấy phép người lái tàu bay; Khung triển khai Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT) và Kế hoạch hành động Vùng để triển khai Hiệp định; Tuyên bố chung về việc Thông qua Khung triển khai Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT).
ASEAN kết nối với 3 đối tác lớn
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các sáng kiến, đề xuất và cơ chế hợp tác giữa các nước ASEAN, việc tăng cường kết nối và hợp tác giữa ASEAN và các Đối tác đối thoại - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không kém phần quan trọng.
Trên cơ sở những hợp tác và hỗ trợ của các Đối tác Đối thoại dành cho các nước ASEAN từ trước tới nay, các Bộ trưởng cùng các đại biểu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Đối tác để triển khai có hiệu quả các sáng kiến và hỗ trợ, góp phần vào mối quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa ASEAN và các đối tác.
Bộ trưởng bày tỏ: “Với sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực không ngừng nghỉ của các Bộ trưởng cùng các cán bộ ngành GTVT các nước ASEAN, tôi tin tưởng chắc chắn rằng Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị liên quan sẽ thành công rực rỡ, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của cả khu vực.”
VITIC tổng hợp/ Tham khảo baogiaothong.vn
Hội nghị ATM 25 diễn ra trong 2 ngày 14, 15/11, sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chính như Hoàn thành các thủ tục để ký kết các văn kiện đa phương cấp Chính phủ nhằm tăng cường kết nối GTVT trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác; Nghe báo cáo về tình hình triển khai tổng thể các chương trình, dự án thuộc khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2016 - 2025 (Kế hoạch Chiến lược phát triển GTVT ASEAN) trong các lĩnh vực: vận tải hàng không, vận tải hàng hải, vận tải mặt đất, tạo thuận lợi vận tải; Thông qua các dự án/kế hoạch/chương trình hành động trong khuôn khổ hợp tác GTVT ASEAN trong năm 2020.Trao đổi, thúc đẩy hợp tác giao thông vận tải với các nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác (EU, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN)...