Xây dựng đô thị thông minh và bài toán logistics đô thị
Nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết đối với Thủ đô Hà Nội. Những ứng dụng công nghệ mới, chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đáp ứng nhu cầu này. Đặc biệt, giải bài toán logistics đô thị trong quá trình xây dựng thành phố thông minh là một trong những yêu cầu quan trọng trong thời gian tới.
Giữ vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ với giá trị tổng sản phẩm, lên đến 599.178 tỷ đồng, chiếm 13% GDP của cả nước (tính đến năm 2016). Hiện Hà Nội đã có 9 khu công nghiệp, thu hút được trên 600 dự án đầu tư, đi vào hoạt động, trong đó quá nửa là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngoài ra còn có 43 cụm công nghiệp đã được lấp đầy, 46 cụm công nghiệp đang xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư.
Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, trong đó đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh. Đây chính là cơ sở để TP Hà Nội nghiên cứu, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển đô thị thông minh.
Từ những kinh nghiệm quốc tế, đặc thù riêng, TP Hà Nội có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để thiết lập logistics đô thị hiện đại, một cấu thành rất quan trọng của một thành phố thông minh.
Hà Nội đã xây dựng chiến lược, lộ trình xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Kiến trúc ICT thành phố thông minh của TP Hà Nội”. Trong đó xác định xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp DN giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số. Bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp.
UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Đề án 'Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn TP đến năm 2025'. Với Đề án và Kế hoạch hành động cụ thể kèm theo, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước dần hiện thực hóa mục tiêu tạo dựng hệ thống dịch vụ logistics hiện đại và phát triển.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành dịch vụ logistics sẽ đóng góp từ 9 - 11% tỷ trọng GRDP; tốc độ tăng trưởng từ 17 - 21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt từ 60 - 65%; chí phí logistics giảm xuống tương đương 14 - 17% GRDP của TP. Đưa vào hoạt động 2 Trung tâm logistics; 2 cảng cạn ICD; 1 cảng thủy conteiner quốc tế; 5 Trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng.
Thời gian qua, để hướng tới xây dựng thành phố thông minh và logistics đô thị tương ứng, Hà Nội bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. UBND TP đã định hướng thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn TP; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai theo mô hình tập trung, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Các hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghệ thông tin của Hà Nội được đẩy mạnh. TP đã tích cực làm việc với các DN nước ngoài để xây dựng các tổ hợp trung tâm dữ liệu lớn nhất toàn quốc tại Hà Nội, bao gồm 6 tổ hợp trung tâm dữ liệu với tổng công suất 1.200MW. TP đã tiếp xúc, trao đổi, kinh nghiệm với các Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới, ký kết các thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Microsoft, Tập đoàn Công nghệ Dell về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
Ngoài ra, TP Hà Nội đã đặt mục tiêu, trong ngắn hạn phải từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics và các ngành sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trên địa bàn TP, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như trên cả nước.
VITIC tổng hợp