Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Hoạt động cảng biển chuyển mình mạnh mẽ
Cảng Hải Phòng
Là doanh nghiệp cảng lớn nhất miền Bắc, trong quá trình vươn ra biển lớn, Cảng Hải Phòng liên tục đầu tư, hiện đại hóa, từng bước tiến dần ra biển. Hiện nay, Cảng Tân Vũ với 5 cầu tàu chuyên dụng khai thác hàng container, tổng chiều dài hơn 980m, cho tàu trọng tải từ 20.000-55.000 tấn làm hàng, hệ thống cần trục giàn cầu tầu hiện đại sức nâng đến 50tấn.
Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm chuyên dụng TOS (Terminal Opperating System) đã làm tốt vai trò tổ chức và điều hành sản xuất nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ khách hàng. Hệ thống TOS này đã kết nối thành công với hệ thống kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực kho, bãi, Cảng Hải Phòng của cơ quan Hải quan.
Về chiến lược lâu dài, Cảng Hải Phòng sẽ đầu tư 2 bến cảng nước sâu có thể tiếp nhận được tàu container trọng tải lên đến 8.000 teus tại khu vực Lạch Huyện. Tại đây cũng hình thành hệ thống logistics năng động, trở thành trạm trung chuyển quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ. Đây sẽ là một bước chuyển quan trọng đưa Cảng Hải Phòng vươn ra biển lớn.
Cảng lớn nhất miền Trung - Đà Nẵng
Năm 2018, hơn 8,6 triệu tấn hàng hóa thông qua, doanh thu 705 tỷ đồng, lợi nhuận 190 tỷ đồng là những con số ấn tượng, cao nhất từ trước đến nay mà Cảng Đà Nẵng đạt được. Sức bật của Cảng Đà Nẵng được thể hiện khá rõ nét từ sau cột mốc cổ phần hóa (tháng 7/2014) với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12%/ năm (riêng container tăng bình quân 20%/năm), lợi nhuận bình quân tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước cổ phần hóa.
Với định hướng chiến lược đúng đắn về phát triển container, tàu du lịch, tàu có tải trọng lớn, Cảng Ðà Nẵng đã mạnh dạn nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị mới. Trong 3 năm, việc đầu tư tại Cảng đã gần như bằng cả 20 năm trước đây. Cảng đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng khu bến Tiên Sa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đồng bộ cùng hệ thống phần mềm quản lý khai thác container và hàng tổng hợp; hệ thống các phương tiện thiết bị xếp dỡ hiện đại.
Cảng Sài Gòn
Theo quy hoạch của thành phố về việc di dời cảng ra nội thành, Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ được di dời ra phía Hiệp Phước. Khu vực này có vị trí chiến lược khi nằm giữa vùng phía nam của thành phố và Biển Đông, kết nối với đường vành đai và hàng loạt các khu công nghiệp. Do đó, đây sẽ là khu vực tập trung hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long và các khu công nghiệp phía Nam Tp.HCM.
Khu Cảng Hiệp Phước có thể tận dụng lợi thế của luồng Soài Rạp thay cho luồng Lòng Tàu trước đây, có khả năng tiết kiệm đến 2h tàu và một nửa chi phí hoa tiêu, nhiên liệu. Như vậy, nếu di dời cảng đến khu vực này, về dài hạn Cảng Sài Gòn sẽ có lợi thế nhờ vị trí thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đến nay, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, công ty con của Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn đã đưa cầu cảng số 2 và 3 (tổng chiều dài 500m), Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước vào khai thác. Cầu cảng số 1 chiều dài 300m dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng quý 02/2019. Với diện tích 54 ha bao gồm 3 bến dài 800m cho tàu trọng tải từ 30.000 DWT (tấn) đến 50.000 DWT, bãi hàng container; bãi và kho tổng hợp, tổng lượng hàng hóa thông qua Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước khoảng 8,7 triệu tấn/năm.
Cảng Cam Ranh, Cảng Nghệ Tĩnh
Cảng Cam Ranh là một trong những cảng biển có lượng tàu, hàng hóa thông qua lớn trong khu vực Nam Trung Bộ với 2 cầu tàu tổng chiều dài hơn 600m có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000DWT hoặc 80.000DWT giảm tải. Cùng với việc đầu tư hạ tầng, hiện đại các phương tiện, trang thiết bị dịch vụ cảng biển, trong thời gian qua, Cảng Cam Ranh đã hết sức chú trọng công tác thị trường, bởi đây là yếu tố quyết định đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh xác định mỗi cán bộ công nhân viên cũng là một người làm marketing và chăm sóc khách hàng, với quyết tâm không để mất khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới. Nhờ làm tốt công tác thị trường cũng như tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh đã đạt được sự tăng trưởng khá tốt trong năm 2018. Sản lượng hàng hóa thông qua đạt gần 2,4 triệu tấn tăng 50% so với cùng kỳ 2017 và đạt 150% so với kế hoạch được giao.
Cảng Nghệ Tĩnh là cảng lớn nhất của vùng Bắc Trung Bộ. Năm 2017, tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Nghệ Tĩnh là 3,5 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2016, 100% lao động tại Cảng Nghệ Tĩnh có việc làm thường xuyên với thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng. Năm 2018, sản lượng hàng thông qua Cảng Nghệ Tĩnh đạt trên 3,6 triệu tấn, doanh thu khoảng 170 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 20 tỷ đồng. Trong những năm tới, lãnh đạo Cảng Nghệ Tĩnh xác định phải coi trọng khách hàng, chăm lo các dịch vụ, đầu tư thiết bị hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và luôn có giải pháp hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, tạo nguồn hàng mới về với Cảng.
Cảng Cần Thơ
Cảng Cần Thơ là một trong những cảng biển quốc gia, đầu mối khu vực loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam, có vai trò quan trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, Cảng Cần Thơ đã chủ động đầu tư, tìm kiếm thị trường và mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ, việc đưa vào vận hành Cảng Sóc Trăng sẽ kết nối hàng hóa từ Sóc Trăng và các tỉnh khu vực hạ lưu sông Hậu với các bến Cái Cui và Hoàng Diệu nói riêng và các cảng biển trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói chung. Đưa Cảng Sóc Trăng vào khai thác còn tạo điều kiện phát triển mở rộng các chuỗi dịch vụ vận tải thủy nội địa và logistics trọn gói do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang cung cấp tại khu vực này.
Theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng Sóc Trăng sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống vận tải đường thủy nội địa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia vào Khu công nghiệp An Nghiệp, cụm công nghiệp Sóc Trăng và khu dịch vụ cảng sông thành phố Sóc Trăng.
Tổng hợp/ Tham khảo vneconomy.vn