Thủ tướng yêu cầu cơ bản thông xe Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2020
Trong số dự án được thảo luận có các dự án được địa phương kiến nghị tại cuộc làm việc hôm qua, 24/7, giữa Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII với 9 tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và TP. Hà Nội nhằm tháo “nút thắt” hạ tầng cho phát triển như Dự án đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, Dự án đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên, Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh…
Hoan nghênh tinh thần, tâm huyết, trách nhiệm của các tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của phát triển hạ tầng giao thông, yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế-xã hội.
Cho rằng thời gian qua một số công trình hạ tầng cứng chậm triển khai trong khi nhu cầu phát triển thì rất lớn, tại cuộc họp, Thủ tướng đã quyết một số chủ trương đối với các dự án hạ tầng được thảo luận, để làm sao các công trình sớm được triển khai mạnh mẽ, như chủ trương về phương thức đầu tư, cách làm, thủ tục…
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần nhanh chóng, rốt ráo, quyết liệt, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh xã hội hóa, “tinh thần làm nhanh nhưng không làm ẩu”, làm kịp thời hơn nữa nhưng không được làm sai quy định của Nhà nước, nhất là quy trình áp dụng pháp luật. Thủ tướng cũng lưu ý làm tốt, làm nhanh khâu giải phóng mặt bằng.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ phải cơ bản thông xe trong năm 2020 và khánh thành vào đầu năm 2021 và khẳng định, sẽ bố trí đủ nguồn vốn cho công trình này. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này.
Dài 92 km, đường cao tốc này nối Tiền Giang qua Vĩnh Long với Cần Thơ, có điểm đầu tiếp nối đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương; đi qua địa bàn các xã: Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Long Định, Nhị Bình, Điềm Hy (huyện Châu Thành), Tân Lập 1, Phước Lập (huyện Tân Phước), Tân Phú, Tân Hội, Nhị Mỹ, Tân Bình (thị xã Cai Lậy), Bình Phú, Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy), An Cư, Hậu Mỹ Phú, Hậu Thành, Hòa Khánh, Mỹ Đức Đông, Mỹ Đức Tây, An Thái Đông, Mỹ Lợi A, An Thái Trung, An Hữu, Hòa Hưng (huyện Cái Bè) của tỉnh Tiền Giang; Tân Hòa, Tân Ngãi (thành phố Vĩnh Long), Tân Hạnh, Phú Quới (huyện Long Hồ), Phú Thịnh, Tân Phú (huyện Tam Bình), Đông Bình, Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh) của tỉnh Vĩnh Long, và điểm cuối là nút giao thông đường dẫn phía bắc cầu Cần Thơ. Đường cao tốc chính thức khởi công vào tháng 2 năm 2015 và dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025. Tổng chi phí xây dựng là trên 14.600 tỉ đồng.
Khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1A hiện tại.
Ban biên tập tổng hợp