Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Định hướng phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2045: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh

03/05/2024 14:12

THÔNG TIN PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO VỀ SẢN XUẤT, TIÊU THỤ, XUẤT, NHẬP KHẨU SẮT THÉP CỦA VIỆT NAM, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

------------------------------------------------------

Mặc dù ngành thép có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng thời gian qua, do chưa có quy hoạch một cách bài bản nên các địa phương, doanh nghiệp còn khá lúng túng.Mới đây, Bộ Công Thương đăng tải toàn văn Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển các ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo đề cương) để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

4 điểm nghẽn

Theo Dự thảo Đề cương Chiến lược cho biết, giai đoạn trước đây Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 tại Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31/1/2013.

Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch, cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế đất nước, nhu cầu thép của Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số mỗi năm. Đáp ứng mức tăng ấy, sản lượng sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh theo từng năm. Do vậy, các định hướng phát triển ngành thép Việt Nam đến nay tuy chưa đạt được đầy đủ một số mục tiêu đề ra nhưng cũng có bước phát triển mạnh mẽ, một số kết quả đạt được trong ngành như sản lượng thép tăng nhanh.

Cụ thể, thép xây dựng đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, thép tấm cán nóng, cán nguội đáp ứng một phần, thép dùng cho chế tạo, thép hợp kim chưa sản xuất được. Sản lượng phôi thép liên tục tăng từ năm 2010 đã đạt khoảng 4,3 triệu tấn và đến năm 2016 đạt 7,8 triệu tấn và năm 2020 đạt 19,9 triệu tấn (năm 2020, năng lực sản xuất toàn ngành đạt khoảng 24 triệu tấn/năm). Năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Một số sản phẩm xuất khẩu cao như: Tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội.

Tuy nhiên, các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như: thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội… còn phải nhập khẩu.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp ngành thép đã chủ động, sáng tạo tìm hướng đi thích hợp như việc đầu tư các dự án sản xuất thép có quy mô lớn, công nghệ mới, thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại tạo ra sản phẩm mới đa dạng, có chất lượng ngày càng cao. Đến nay ngành thép Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Bên cạnh sự phát triển chung của toàn ngành, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra những hạn chế, cơ cấu ngành về sản phẩm và vùng lãnh thổ vẫn còn một số bất cập, chưa phù hợp với vị thế phát triển của ngành trong thời gian tới.

Thứ nhất, tồn tại về công nghệ, ngoại trừ một số khu liên hợp gang thép mới hình thành thời gian gần đây có công nghệ khép kín từ thượng nguồn có công suất thuộc nhóm trung bình cao của thế giới như Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Fomosa, Dung Quất… thì hầu hết đều có quy mô nhỏ (dưới 0,5 triệu tấn/năm), sử dụng công nghệ không khép kín, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng nên khả năng cạnh tranh thấp và gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, về năng lực sản xuất và chủng loại sản phẩm. Đến năm 2023, năng lực sản xuất phôi của toàn ngành thép Việt Nam là khoảng 28 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) là 7-8 triệu tấn/năm, thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần cho thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cơ cấu nguyên liệu phục vụ sản xuất có 42% thép được sản xuất từ nguyên liệu là thép phế (chủ yếu là nhập khẩu) và 58% được sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt. Thép còn dùng để phục vụ ngành cơ khí, chế tạo. Thép cuộn cán nóng HRC chỉ sản xuất được 8 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu là 10 triệu tấn.

Thứ ba, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam còn khá thấp do nhà máy công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường, chất lượng thép không chiếm ưu thế so với sản phẩm thép nhập khẩu, nhất là thép chế tạo. Và các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cạnh tranh lẫn nhau, chứ xuất khẩu còn rất hạn chế.

Thứ tư, ngành thép còn bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài dẫn đến tình trạng bị động về giá, khi giá nguyên liệu đầu vào biến động thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo

Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu

Từ phân tích những hạn chế ở trên, Bộ Công Thương cho rằng, nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ thì việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đóng vai trò định hướng giúp cho các cơ quan nhà nước và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để điều hành sự phát triển của ngành.

Chiến lược sẽ giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, cũng như chiến lược phát triển sản phẩm, đầu tư phát triển doanh nghiệp hài hòa với sự phát triển của ngành.

Liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành thép, ông Đỗ Nam Bình- Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim, Cục Công nghiệp cho hay, sản xuất thép sắt, thép là một trong những ngành chịu tác động lớn từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Chính sách này sẽ thí điểm áp dụng chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023. Cơ chế CBAM được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Hiện, EU là một trong những thị trường xuất khẩu top đầu của ngành thép Việt Nam. Theo nhận định, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, xuất khẩu sang EU sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.

Chính vì thế, ông Bình khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” để có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, thực tế, giữa thép xanh và thép xám đang có sự chênh lệch lớn về giá thành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp tiêu thụ. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp mong muốn trong công cuộc chuyển đổi xanh này, Chính phủ có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ trong quá trình giảm phát thải để hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững; giúp doanh nghiệp sản xuất thép cung ứng sản phẩm thép xanh giá thành phù hợp mặt bằng thị trường. Vẫn biết bất cứ sự chuyển đổi nào ban đầu cũng sẽ có khó khăn, nhưng sự chung tay, chia sẻ của Chính phủ sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình giảm phát thải của Việt Nam cũng như toàn cầu, vì mục tiêu chung mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Do vậy, để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng "0" vào năm 2050, ngành thép cần xây dựng nhiệm vụ, lộ trình cụ thể trong thực hiện cắt giảm khí thải ngành thép. Để làm được thép xanh chắc chắn còn cả một chặng đường dài phía trước, đòi hỏi nguồn lực lớn cả về con người cũng như công nghệ, tài chính.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương): Chuyển đổi xanh là xu hướng không thể thay đổi nên các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị để sẵn sàng trong xu thế hội nhập.

Dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 dự kiến đến tháng 6 tới sẽ hoàn thiện dự thảo lần 1, sau đó tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện; tháng 9/2024 sẽ báo cáo Bộ Công Thương để trình Chính phủ.

Nguồn: Link gốc Báo Công Thương

 
(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(3) THÔNG TIN PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO VỀ SẢN XUẤT, TIÊU THỤ, XUẤT, NHẬP KHẨU SẮT THÉP CỦA VIỆT NAM, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 11
Số người truy cập: 6.021.189
Chung nhan Tin Nhiem Mang