Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Báo cáo: Xu hướng E-logistics và triển vọng áp dụng tại Việt Nam

15/09/2017 09:05

(Phân tích)

1. Tổng quan về e-logistics:
1.1. Sự phát triển của logistics
Khái niệm Logistics, tạm dịch là dịch vụ hậu cần, bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế thế giới và được dùng để chỉ một loạt những hoạt động biệt lập với nhau: dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, mua hàng hóa, quản trị kế hoạch sản xuất, quản lý kho, xử lý nguyên vật liệu, đóng gói thành phẩm, vận chuyển, giao nhận, quản trị kế hoạch phân phối, dịch vụ khách hàng... Đến cuối thế kỷ XX, các hoạt động này được kết nối lại thành một chuỗi mắt xích gọi là dây chuyền cung ứng (supply chain).
Logistics là tập hợp các hoạt động nhằm đảm bảo cung cấp các thành phần cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm một cách kịp thời, hiệu quả.
Đối tượng của logistics trước đây chỉ là hàng hóa, sản phẩm hữu hình. Tuy nhiên, hiện nay người ta cũng sử dụng logistics cho cả những đối tượng như dịch vụ, thông tin, năng lượng... Về phía người quản lý, logistics luôn gắn với việc phải lựa chọn phương án tối ưu nhằm kiểm soát hiệu quả về thời gian và chi phí trong suốt quá trình hàng hóa lưu thông.

Điều 233 Luật Thương mại của Việt Nam định nghĩa: "Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hạng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao".
Như vậy, nội dung Điều 233 nói trên vừa định nghĩa thông qua việc liệt kê một số hoạt động điển hình của logistics, vừa nhấn mạnh vào tính chất dịch vụ của hoạt động này khi một doanh nghiệp đứng ra nhận làm các công việc đó để hưởng thù lao từ doanh nghiệp có hàng hóa.
Định nghĩa như trên là phù hợp trong bối cảnh Luật Thương mại khi Luật này cũng quy định tương tự với các dịch vụ khác như môi giới, nhượng quyền, giám định, đại lý, gia công.
Trong nền kinh tế hiện đại, dịch vụ hậu cần được hiểu là sự cung cấp các dây chuyền cung ứng. Theo kinh nghiệm của nhiều công ty thành công trên thế giới, ví dụ như HP, Acer, Cisco, Nokia, Ericsson, Colgate-Palmolive, Nestlé..., hoạt động hậu cần là một yếu tố rất quan trọng để quyết định ưu thế cạnh tranh của một doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc xây dựng một đội ngũ nhân viên hậu cần hiệu quả đến mức có thể tạo được ưu thế cạnh tranh trên thương trường lại là việc làm hết sức tốn kém. Hiểu được điều đó, những nhà cung cấp dịch vụ hậu cần chuyên nghiệp đã xuất hiện. Đến nay, đã có những công ty đa quốc gia - ví dụ như  tập đoàn TNT Express and Logistics Worldwide - chuyên cung cấp các dây chuyền cung ứng hậu cần tích hợp (Integrated Logistics Supply Chain) với quy mô hoạt động trải rộng trên nhiều quốc gia, xuyên qua nhiều châu lục, liên kết hoạt động của rất nhiều ngành nghề khác nhau.
1.2. Sự hình thành của e-logistics: 
Sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử đang làm thay đổi lối sống, thói quen mua sắm, đặc thù sản xuất kinh doanh và tất yếu đòi hỏi sự đổi mới tiên phong của lĩnh vực logistics, vốn được coi là mắt xích quan trọng nối giữa các khâu trong hoạt động sản xuất với nhau và giữa sản xuất với tiêu dùng.  Trong bối cảnh đó, e-logistics đã ra đời và nhanh chóng lan rộng trên thế giới. Toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch mua bán điện tử được gọi là hoạt động e-logistics.

Đặc thù của mô hình e-commerce là có độ phủ thị trường rộng, độ phân tán hàng hóa cao, quy mô nhỏ lẻ, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng, thường yêu cầu thời gian giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi. Các dòng di chuyển hàng hóa lúc này mở rộng đáng kể về phạm vi, khoảng cách, tính phức tạp, nên e-logistics có những khác biệt rất lớn với logistics truyền thống, nếu không được tổ chức tốt thì hiệu quả của mô hình này sẽ giảm đáng kể.
Với lợi ích của phân phối trực tuyến là không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm cung cấp, do khách hàng có thể truy cập các thông tin về hàng hóa và kết nối giao dịch thông qua mọi thiết bị di động như máy tính cầm tay, sách điện tử, điện thoại di động… có khả năng truy cập Internet. Điều này giúp nhà bán lẻ hoặc nhà sản xuất liên hệ trực tiếp với khách hàng và đáp ứng mong muốn mua hàng của khách ngay lập tức và vào bất kỳ thời điểm nào. Đồng thời tạo ưu thế về giá và chi phí từ việc sản xuất, lưu kho, và phân phối ở mức chi phí thấp hơn. Chính vì vậy trong TMĐT B2C các hoạt động e-logistics sẽ trở nên tối quan trọng và tập trung vào các vấn đề chính sau:
Lưu kho, là việc duy trì một lượng hàng hóa tại các điểm dự trữ hợp lý nhằm đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu hàng đặt. Tuy nhiên do nhu cầu của khách hàng rất đa dạng nên mức độ phức tạp của hàng hóa dự trữ cũng lớn hơn gấp nhiều lần. Việc quản lý và duy trì dự trữ cần đảm bảo chính xác, linh hoạt, yêu cầu cao trong áp dụng các loại máy móc thiết bị tự động và sử dụng các hệ thống phần mềm quản lý kho nhằm hỗ trợ tối đa cho các hoạt động nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, gắn nhãn/mã vạch, phân loại, thiết lập danh mục hàng đảm bảo về thời gian, tốc độ.
Chuẩn bị đơn hàng, là hệ thống tiếp nhận, xử lý và chuẩn bị hàng hóa theo đơn hàng đặt từ các kênh bán khác nhau (cửa hàng, chợ
online như 123mua, sendo…). Bao gồm việc đặt hàng theo đơn hàng, đóng gói theo tiêu chuẩn để giao hàng. Mức độ ứng dụng công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa vào khâu này hết sức quan trọng vì sẽ cho phép tăng năng suất cung ứng, nâng cao tính chính xác, giảm thời gian chờ đợi của khách, nâng cao hiệu quả bán hàng.
Giao hàng, bao gồm điều phối đơn hàng, xuất hàng từ kho cho khách hàng hoặc bên chuyển phát, và cập nhật thông tin tới khách hàng. Các DN bán lẻ B2C có thể tự tiến hành hoạt động giao hàng nếu có đủ chi phí và kinh nghiệm để xây dựng, đào tạo và quản lý đội ngũ giao hàng. Nhưng các DN nhỏ thì thường thiếu năng lực này nên sẽ phải thuê các dịch vụ giao nhận từ các công ty logisticsbên thức ba. Khi giao hàng, nhà bán lẻ B2C thường sử dụng một số phương thức giao hàng khác nhau, các phương thức này quyết định số lượng dịch vụ logistics và mức độ tham gia ít hay nhiều của DN vào các giao dịch điện tử.
Giao hàng tại kho của người bán (Buy online, pick-up in-store) hay mua hàng online, khách đến lấy hàng tại cửa hàng. Cách này khách hàng đến tận kho, cửa hàng của nhà cung cấp để thanh toán và nhận hàng. Đây là phương thức sơ khai nhất của TMĐT và không thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên các DN không có khả năng cung ứng dịch vụ logistics vẫn có thể sử dụng.
Phương thức giao hàng tại địa chỉ người mua (Buy online, ship to store) còn gọi là mua hàng online, giao hàng tận nhà. Cho phép hàng hóa được giao đến vị trí khách hàng yêu cầu, tạo thuận lợi cho khách nhưng lại làm tăng chi phí và nguồn lực logistics đáng kể. Lúc này nhà bán lẻ B2C sẽ phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển và giao hàng, trong trường hợp còn hạn chế về vốn và năng lực giao nhận vận chuyển thì rất khó thực hiện.
Dropshipping hay giao hàng bỏ qua khâu vận chuyển là một mô hình rất tối ưu, cho phép DN mua sản phẩm cá biệt từ người bán buôn và chuyển trực tiếp đến khách hàng của DN. Thay vì phải mua một số lượng lớn hàng tồn kho, Nhà bán lẻ B2C chỉ đơn giản là hợp tác với một nhà cung cấp có khả năng vận chuyển và liệt kê danh mục hàng hóa của họ có để bán. Sau đó, khi nhận được đơn đặt hàng, đơn này sẽ được chuyển tiếp tới các nhà cung cấp để thực hiện. Các nhà cung cấp sẽ xuất xưởng sản phẩm trực tiếp từ nhà kho của họ tới khách hàng của DN, và DN chỉ trả phí vận chuyển cho đơn hàng.Lợi ích của phương thức này là không cần nhiều vốn, không phải tồn kho, quay vòng vốn nhanh, không có áp lực về thời gian. Đặc biệt nó phù hợp với các DN bán lẻ B2C hoàn toàn thiếu mạng lưới nhà kho, phương tiện vận tải, đội ngũ giao hàng vì đã tận dụng được toàn bộ năng lực logistics của nhà cung ứng.
2. E-logistics tại Việt Nam: 
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển internet cao nhất thế giới. Thói quen mua sắm trực tuyến cũng đang làm thay đổi các hành vi tiêu dùng và phương thức giao hàng, thanh toán.
Về cơ bản, các nhà cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam có khả năng đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của e-logistics cho thương mại điện tử như:

 

  • EDI trực tiếp với site TMĐT
  • Tracking Online
  • Tích hợp giải pháp thanh toán điện tử
Chúng ta cũng có những bước tiến ban đầu như: 
  • Xuất hiện các start-up giao hàng nhanh, một giải pháp tuyệt vời về Logistics cho TMĐT
  • Seabornes & Partner (SBP) tách một bộ phận từ đôi giao hàng chuyên nghiệp cho FedEx để phục vụ riêng cho TMĐT. Doanh nghiệp này mang theo know-how và công nghệ của hãng vận tải hàng đầu thế giới
  • VNPT xây dựng thành công cổng kết nối thông tin vận chuyển trực tuyến. Có khả năng đấu nối với bất kì doanh nghiệp TMĐT lớn nào
  • Viettel Post cung cấp giải pháp tracking real-time qua SMS.

Một điểm nhấn là khung pháp lý, hạ tầng Internet và hệ thống thanh toán đang không ngừng được hoàn thiện là những yếu tố giúp tỷ lệ truy cập Internet tham gia mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng, tạo hạ tầng tốt cho E-logistics phát triển trong thời gian tới.
Điều quan trọng là   phải xây dựng một hệ thống thông tin mạnh có khả năng kết nối giữa kho hàng thực tế với kho hàng trực tuyến, sắp xếp đơn hàng và hiển thị tốt các bước xử lý đơn hàng từ khâu chuẩn bị đến giao hàng. E-Logistics cũng yêu cầu sự liên kết đồng bộ hóa giữa các thành phần trong hệ thống và hiển thị toàn bộ theo thời gian thực (kiểm soát số lượng đơn hàng, kiểm tra kho hàng, kiểm tra thông tin và vị trí đơn hàng…) để khách hàng có thể quan sát toàn bộ quá trình đặt hàng. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng giúp khách hàng lựa chọn dịch vụ hay sản phẩm của DN thông qua kênh điện tử.

VITIC tổng hợp và phân tích

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 8
Số người truy cập: 6.253.196
Chung nhan Tin Nhiem Mang