Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Vietnamese English

Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp về biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ

08/08/2024 09:55

Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

------------------------

Đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 64 vụ điều tra với Việt Nam, gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ chống trợ cấp, 22 vụ chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và 3 vụ việc tự vệ.

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Nhiều biện pháp phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam

Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với ta (chiếm 25%), gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và 03 vụ việc tự vệ.

Trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Hoa Kỳ sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá, khiến mức thuế chống bán phá giá tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu của ta.

Nguyên đơn cáo buộc doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu pin Mặt Trời Việt Nam nhận được chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Hoa Kỳ

Danh sách các nước thay thế cho Việt Nam được Hoa Kỳ cập nhật dựa trên 02 tiêu chí, đó là: có trình độ phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam; có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra. Nếu có nhiều hơn một quốc gia đáp ứng cả hai yêu cầu trên thì Hoa Kỳ có thể lựa chọn một quốc gia duy nhất có dữ liệu sẵn có và chất lượng nhất. Danh sách mới nhất cập nhật tháng 8/2023 gồm 06 nước: Indonesia, Jordan, Ai Cập, Philippines, Maroc và Sri Lanka.

Theo quy định mới về điều tra phòng vệ thương mại chính thức có hiệu lực từ ngày 24/4/ 2024 của Hoa Kỳ, khi lựa chọn nước thay thế để tính toán biên độ chống bán phá giá cho các nền kinh tế phi thị trường (trong đó có Việt Nam), DOC sẽ loại trừ, không lựa chọn các quốc gia trợ cấp xuất khẩu rộng rãi/có trợ cấp hoặc bị áp thuế chống bán phá giá liên quan đến giá trị thay thế/ không thực thi và có cơ chế thực thi yếu, không hiệu quả các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền con người, lao động, môi trường do giá trị thay thế, ngưỡng chuẩn hay chi phí sản xuất tại các quốc gia này có khả năng bị bóp méo hoặc không phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia có nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam thì DOC sẽ sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển không tương đương.

Ngoài ra, quy định này cũng cho phép trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra, thì DOC có thể sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền kinh tế thị trường không phải là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra. Điều này có thể dẫn tới việc DOC chọn quốc gia thay thế là nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam hoặc không có tính đại diện để so sánh, làm gia tăng giá trị thay thế, đẩy biên độ phá giá lên cao hơn.

Các bên có thể đề xuất nước thay thế

Theo quy định của Hoa Kỳ, các bên liên quan có quyền gửi bình luận về việc lựa chọn nước và giá trị thay thế trong vòng thời hạn 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc (trong vòng 140 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra - có thể gia hạn). Các bên cũng có thể đề xuất nước thay thế không nằm trong Danh sách trên để DOC xem xét.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bị điều tra đề xuất nước và nguồn dữ liệu thay thế phù hợp với chi phí sản xuất của mình. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - basa, tôm nước ấm, lốp xe… của ta đã sử dụng quyền này để đề xuất lựa chọn nước thay thế phù hợp và qua đó được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%.

Ngày 29/7/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam. 

Trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp, Hoa Kỳ cũng sử dụng ngưỡng chuẩn (benchmark) của nước thay thế khi tính toán biên độ trợ cấp, khiến mức thuế chống trợ cấp tăng cao. Ví dụ Hoa Kỳ có thể dùng lãi suất vay hay tiền thuê đất của nước khác làm ngưỡng chuẩn (thường ở mức cao) để so sánh với lãi suất vay hay tiền thuê đất của doanh nghiệp Việt Nam (thường ở mức thấp hơn) để tính lợi ích mà doanh nghiệp nhận được, khiến biên độ trợ cấp bị đẩy lên cao.

Do đó, để có kết quả tốt nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi bị Hoa Kỳ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần chủ động xây dựng đề xuất nước thay thế (trong hay ngoài Danh sách của DOC) và nguồn dữ liệu thay thế phù hợp cho từng hạng mục chi phí ngay khi có thông tin về vụ việc.

Doanh nghiệp có thể chủ động liên hệ và tham khảo thông tin từ các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội nước ngoài hoặc quốc tế liên quan đến sản phẩm bị điều tra, nhà nhập khẩu; tham khảo kinh nghiệm của các hiệp hội, doanh nghiệp có mức thuế thấp để tìm kiếm và xác định nước và nguồn dữ liệu thay thế công khai, phù hợp với các tiêu chí của DOC, phù hợp với giai đoạn điều tra; Xây dựng bản lập luận và gửi đề xuất nước và giá trị thay thế đúng thời gian quy định; Hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc.

 
(1)  Thị trường logistics chuỗi lạnh thế giới và Việt Nam: Đặc điểm và triển vọng (bản công bố vào năm 2024, tập trung vào dịch vụ kho lạnh và vận tải lạnh), vui lòng tải TẠI ĐÂY 
 
(2) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(3) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(4) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(5) Thông tin hoạt động Logistics trong XUẤT KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(6) Thông tin hoạt động Logistics trong NHẬP KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY
 
(7) Báo cáo nghiên cứu thị trường Halal logistics và khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 13
Số người truy cập: 5.358.096
Chung nhan Tin Nhiem Mang