Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU 2024: Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững

07/11/2024 16:32

Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ, đầu tư của thế giới và tại các nền kinh tế tiêu biểu; sản xuất, thương mại, đầu tư trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

-------

Chiều 7/11/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU 2024: “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức.

Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU là sự kiện thường niên được Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ năm 2018 đến nay và đã trở thành “điểm hẹn” của các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức liên quan, cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - EU đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Với sự góp mặt của Phái đoàn Liên minh châu Âu, đại diện Đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam, các địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, diễn đàn đã mở ra một kênh tương tác trao đổi toàn diện, đa chiều, bắt kịp xu hướng và biến động thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, nhanh chóng thích ứng để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chương trình năm nay đi sâu khai thác khía cạnh bền vững trong mối quan hệ song phương và nỗ lực ứng phó trước các thách thức từ hàng rào phi thuế quan, phòng vệ thương mại; tập trung phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với những quy định chính sách mới; đồng thời gợi mở những hướng đi hợp tác thương mại, đầu tư trong những lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm, cũng như phù hợp với xu thế hiện nay như kinh tế xanh và số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định, EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Đồng thời đánh giá cao kết quả tăng trưởng và những chuyển biến tích cực trong trao đổi thương mại giữa hai bên thời gian qua, với đòn bẩy mạnh mẽ từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh khu vực thị trường bất ổn, chuỗi cung ứng và kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn.

Bộ Công Thương khai mạc Diễn đàn hợp tác Việt Nam – EU 2024

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, với ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và số, trong đó có sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng những tiêu chuẩn của EU, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi giá trị.

Ông Julien Guerrier - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam - trong bài phát biểu tại sự kiện cũng đặc biệt ghi nhận vai trò của thực thi Hiệp định EVFTA và đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa hai Bên trong chuyển đổi năng lượng, điển hình là việc triển khai JETP để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải. Đây là lĩnh vực thế mạnh và trọng tâm trong chính sách của EU, đồng thời cũng phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Trao đổi quan điểm tại diễn đàn, dưới góc nhìn của phía doanh nghiệp châu Âu, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch EuroCham - đánh giá cao triển vọng và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi xanh với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào; đồng thời bày tỏ nhiều kỳ vọng từ thị trường. Phía EuroCham cũng ghi nhận nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Đây là tầm nhìn chung giúp tăng cường sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam và kỳ vọng với định hướng này hai bên sẽ đạt được những chuyển biến tích cực hơn nữa trong các hoạt động hợp tác song phương thời gian tới.

Thảo luận tại phiên tọa đàm, các diễn giả trong nước và quốc tế cũng phân tích không ít thách thức đặt ra trước tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cùng xu hướng tăng cường những quy chuẩn thương mại xanh, bền vững; theo đó đưa ra cảnh báo và khuyến nghị giải pháp thiết thực, kịp thời. Hàng loạt các chính sách, quy định đáng lưu ý như: Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM); Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR); Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CS3D)... đi vào áp dụng được nhận định sẽ tác động đáng kể đến hoạt động thương mại, đầu tư hai bên. Ở một khía cạnh khác, việc đáp ứng yêu cầu về tính bền vững, tính “trách nhiệm” cũng tạo ra cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp, giúp khai thác hiệu quả hơn lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị & thương hiệu sản phẩm.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu cũng đã trực tiếp chia sẻ nhiều thực tiễn tốt, cũng như hành trình xanh hóa, tăng trưởng bền vững trong sản xuất, kinh doanh như chiến lược phát triển của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, giải pháp logistics thông minh trong thương mại điện tử của Viettel Post hay chương trình hỗ trợ các đối tác trong chuỗi cung ứng của H&M.

Thông qua những trao đổi quý báu của các chuyên gia, các tổ chức tư vấn cùng sự thảo luận sôi nổi của các đại biểu, diễn đàn đã phát huy vai trò một kênh đối thoại chính sách, cập nhật thông tin thị trường thiết thực, hiệu quả giữa cơ quan quản lý hai bên và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thiết lập mạng lưới kết nối đối tác hai bên.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng, từ 48,9 tỷ USD năm trước khi Hiệp định có hiệu lực lên 63,7 tỷ USD vào năm thứ 4 Hiệp định có hiệu lực, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm; trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU tăng bình quân 8,7%/năm, nhập khẩu từ thị trường EU tăng bình quân 2,8%/năm. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam.

Theo Eurostat, EU nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đạt 34,9 tỷ EUR, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm thị phần 2,2%. Việt Nam hiện đứng vị trí Top 10 nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn nhất cho EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.

Link gốc Báo Công Thương

 
(1)  Thị trường logistics chuỗi lạnh thế giới và Việt Nam: Đặc điểm và triển vọng (bản công bố vào năm 2024, tập trung vào dịch vụ kho lạnh và vận tải lạnh), vui lòng tải TẠI ĐÂY 
 
(2) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(3) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(4) Nghiên cứu thị trường: Cập nhật chính sách, quy định và các xu hướng mới tác động đến giao thương với thị trường Trung Quốc (giai đoạn 2019-2024 và dự báo), vui lòng xem TẠI ĐÂY

(5) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 22
Số người truy cập: 5.992.335
Chung nhan Tin Nhiem Mang