Dự kiến vốn tối thiểu lập hãng hàng không chỉ còn 300 tỷ đồng
Khẳng định việc xây dựng Nghị định 92 là bước quan trọng để hiện thực hoá việc cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, với lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dự thảo Nghị định sẽ giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh vận tải nói chung, các điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực; năng lực sản xuất; tài chính; phương án kinh doanh và điều kiện về trụ sở, địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.
Dự thảo cũng đồng thời sửa đổi thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính “Cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung” để phù hợp với điều kiện kinh doanh; bổ sung thủ tục cấp lại Giấy phép đối với các trường hợp bị hủy bỏ; bổ sung các quy định về quản lý vận tải hàng không, quản lý quyền vận chuyển hàng không”.
Trong lĩnh vực kinh doanh cảng hàng không sẽ bãi bỏ các điều kiện được Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thành lập doanh nghiệp cảng hàng không; được Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài; có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp; sửa đổi lại mức vốn tối thiểu kinh doanh cảng hàng không, sân bay theo hướng không phân định giữa cảng nội địa và cảng quốc tế…
Điều kiện kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay cũng sẽ được “nới lỏng” thông qua việc bãi bỏ các điều kiện phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay, khả năng đáp ứng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; có tổ chức bộ máy bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ hàng không…
Từ thực tiễn kinh doanh vận chuyển hàng không của các hãng hàng không trước đây (Đông Dương, Mekong Air) và hiện tại (Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific), Cục Hàng không VN cho rằng, việc quy định mức vốn tối thiểu 300 tỷ đồng sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư thành lập hãng hàng không. Tuy nhiên, các hãng hàng không loại này sẽ phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn nếu không chuẩn bị tiềm lực kinh tế phù hợp cho hoạt động lâu dài.
Đồng tình với việc bỏ phân định giữa quốc tế và quốc nội nhưng Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga cho rằng, nên áp mức vốn thấp là 300 tỷ đồng (như vốn tối thiểu kinh doanh vận tải hàng không quốc nội trước đây). “Chúng ta đang nghiên cứu sửa Luật Hàng không dân dụng VN theo hướng bỏ quy định vốn tối thiểu theo đề xuất của VCCI. Trước mắt, trong khi chưa sửa luật thì nên tạo điều kiện áp mức thấp hơn là hợp lý”, bà Nga nói thêm.
Cũng ủng hộ việc áp mức 300 tỷ đồng nhưng ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch HĐQT Jetstar Pacific kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường theo dõi các doanh nghiệp, đảm bảo đánh giá “sức khoẻ” của DN kịp thời.
Về tỷ lệ % góp vốn điều lệ của nước ngoài, được biết hiện có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này. Cụ thể, Công ty CP Hàng không Vietjet đề xuất nâng mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các hãng hàng không Việt Nam từ 30% lên 49% để tăng cường kênh huy động vốn hiệu quả giúp các hãng hàng không Việt Nam có thể phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific lại đề xuất giữ nguyên như hiện nay. Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho rằng, nếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 35% vốn điều lệ sẽ có quyền phủ quyết đối với các Nghị quyết của Đại hội cổ đông theo Luật Doanh nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp của hãng hàng không Việt Nam.
Ông Minh cũng đề cập nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng không nội địa khi các nhà đầu tư, đặc biệt khi nhà đầu tư là hãng hàng không nắm giữ tỷ lệ 49% vốn điều lệ dẫn đến việc thành lập các hãng hàng không khống (trên giấy) chỉ để bán cổ phần thu lợi.
Cục Hàng không VN sau đó cũng kiến nghị giữ nguyên quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 92 là 30%.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, việc sửa Nghị định 92 phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, theo đúng tinh thần của Chính phủ. Cho rằng, nếu chọn mức cao là 700 tỷ đồng sẽ đi ngược với chủ trương tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp, Bộ trưởng ủng hộ quan điểm áp mức vốn tối thiểu với hãng hàng không là 300 tỷ đồng. Về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan soạn thảo giải trình rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau để báo cáo Chính phủ. Căn cứ vào Luật Doanh nghiệp mới ban hành, thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay cũng như yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh…, cơ quan soạn thảo cần làm rõ các ưu, nhược điểm của phương án trình, cụ thể là phương án giữ nguyên tỷ lệ vốn đầu tư của nước ngoài là 30%; phương án tăng lên 34% (để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trong khi vẫn đảm bảo hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp của hãng hàng không Việt Nam) và phương án tăng lên đến 49% như đề nghị của Vietjet.
VITIC tổng hợp, tham khảo Báo giao thông