Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
1. Tuyên truyền, phổ biến nội dung văn bản
- Tổ chức tuyên truyền các nội dung Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 và Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/10/2018; Luật Ngoại thương; Nghị định số 14/2018/NĐ-CP về hoạt động thương mại biên giới và cập nhật các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành và các huyện biên giới.
- Tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị cho cán bộ, công chức quản lý hoạt động thương mại biên giới và các thương nhân, cư dân biên giới trên địa bàn tỉnh về các nội dung của Quyết định số2731/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 và Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 và văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới, với các hình thức, nội dung phù hợp.
2. Hỗ trợ thương nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới
- Lập danh sách thương nhân xuất khẩu các mặt hàng nông sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng,…. nhất là mặt hàng trái cây tươi để theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ. Chỉ đạo các lực lượng trực tiếp quản lý tại cửa khẩu, điểm chợ biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân trong hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa.
- Thường xuyên hội đàm, trao đổi với tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) về các chính sách thương mại của hai nước, đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa; đặc biệt là mặt hàng nông sản.
- Phối hợp tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối thương nhân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, cơ khí, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng qua các cửa khẩu biên giới của An Giang sang tỉnh Kandal và Takeo. Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, giá cả và chính sách quản lý biên mậu của tỉnh Kandal và Takeo.
- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như: hải quan, bốc xếp, vận tải và thanh toán biên mậu.
- Tạo điều kiện thuận lợi về hành lang an toàn giao thông cho các Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics và hoạt động thương mại biên giới phát triển.
3. Xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng
- Duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại qua biên giới An Giang - Campuchia: phối hợp với tỉnh tỉnh Kandal và Takeo, Campuchia; luân phiên tổ chức hội đàm định kỳ, hội nghị xúc tiến thương mại biên giới, hội nghị kết nối thương nhân, hội chợ thương mại quốc tế;
- Triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án, nghị quyết về hỗ trợ phát triển kinh tế biên mậu của tỉnh... nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kho hàng, bãi tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu và các điểm chợ biên giới trên địa bàn tỉnh.
- Huy động các nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại, kho tàng, bến bãi phục vụ cho hàng xuất khẩu tại địa phương theo quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới An Giang - Campuchia căn cứ Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
- Có chính sách, định hướng, phát triển nguồn lực, xây dựng và phát triển hạ tầng ảo hóa đám mây, dữ liệu lớn, IoT, Thông minh nhân tạo -AI; công nghệ truy xuất nguồn gốc, chuỗi khối - block chain… phục vụ cho các hệ thống thương mại điện tử, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ thống tin học hóa cho chuổi hệ thống Logistics của tỉnh.
- Phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành logistic liên hệ mật thiết CSDL doanh nghiệp của tỉnh; CSDL kinh tế xã hội của tỉnh, đa ngành, đa lĩnh vực; Hệ thống mạng internet băng rộng, đa kênh; Dịch vụ Bigdata, ảo hóa, lưu trữ mạng phục vụ Doanh nghiệp; Dịch vụ e-logistic trên nền tảng IoT; Hệ thống Quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, mạng kết nối doanh nghiệp, sản phẩm (block chain, mạng xã hội, truy xuất nguồn gốc,...).
- Phát triển hệ thống, cộng đồng Doanh nghiệp Logistics trên địa bàn tỉnh có khả năng kết nối, liên kết, hỗ trợ với hệ thống, cộng đồng Doanh nghiệp Logistic của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, các tỉnh đầu mối, trung tâm, cửa ngõ (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, TP. Hồ Chí Minh) của khu vực, cả nước và cộng đồng các Doanh nghiệp Logistic của Campuchia.
- Có chính sách ươm tạo, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ chi phí trong triển khai, tư vấn áp dụng các tiêu chuẩn ISO, chuẩn hóa doanh nghiệp, đầu tư, ứng dụng CNTT, thương mại điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc, blockchain cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
4. Phát triển hoạt động của điểm chợ biên giới
- Tiến hành rà soát, quy hoạch hệ thống chợ; trong đó, đặc biệt quan tâm đến hệ thống chợ biên giới. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới như: Đường giao thông, nâng cấp, xây mới hệ thống chợ biên giới nhằm đảm bảo nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của các thương nhân cũng như cư dân biên giới hai nước.
- Tiến hành hội đàm, ký kết với tỉnh Kandal và Takeo việc mở các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh; trước mắt, tiếp tục duy trì ổn định hoạt động của các cặp chợ biên giới, đã hình thành. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Quản lý chợ biên giới để đảm bảo công tác quản lý hoạt động của chợ, theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các điểm chợ biên giới, khuyến khích xã hội hóa 100% đối với các điểm chợ biên giới; hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam đến các điểm chợ biên giới An Giang - tỉnh Kandal và Takeo và xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia thông qua các điểm chợ biên giới trên địa bàn tỉnh.
5. Về quản lý và điều hành cửa khẩu biên giới tỉnh An Giang - tỉnh Kandal và Takeo
- Thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính tại cửa khẩu biên giới và điểm chợ biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh người, phương tiện giao thông qua các cửa khẩu biên giới (theo Quyết định 45/2013/QĐ- TTg ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền).
- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 34/2014/NĐ-CP , ngày 29/4/2014 của Chính phủ và Nghị định số 112/2014/NĐ-CP , ngày 21/11/2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền. Tiếp tục duy trì hoạt động ổn định của các lối mở biên giới (đường qua lại biên giới tạm thời) đã hình thành từ trước để tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới trao đổi mua bán hàng hóa, thăm thân phù hợp với quy định pháp luật của mỗi bên.
- Lập sơ đồ, bản đồ quy hoạch chi tiết khu vực chuẩn bị mở, nâng cấp cửa khẩu, theo Quyết định số 2683/QĐ-UBND ngày 29/10/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện nâng cấp, thành lập mới các cửa khẩu trên biên giới tỉnh An Giang.
- Thực hiện các quy trình, thủ tục pháp lý về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua các cửa khẩu, lối mở biên giới và tại các chợ biên giới.
6. Chia sẻ thông tin và đào tạo
- Thường xuyên chia sẻ và cập nhật các quy định pháp luật của Việt Nam và Campuchia về thương mại biên giới, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của ngành và của địa phương. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hải quan, thuế, phí và lệ phí, thông tin về dịch bệnh trên động vật và thực vật cho các cơ quan liên quan, thương nhân biên giới và cư dân biên giới hai nước.
- Phối hợp xây dựng cơ chế kết nối thông tin trực tiếp giữa cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thương mại biên giới Trung ương với các cửa khẩu, điểm chợ biên giới trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về lĩnh vực thương mại biên giới cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thương mại biên giới, thương nhân và cư dân biên giới.
7. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị
- Tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện biên giới trong hoạt động quản lý biên giới, cửa khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Tổ phát triển kinh tế biên giới của tỉnh, nhằm mục đích tổ chức hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa cho thương mại biên giới nói riêng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh hợp lý, thông suốt và giải quyết nhanh các hạn chế và tồn tại trong lưu thông và phân phối hàng nông sản.
- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phối hợp của các Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang và các huyện, thị, thành phố trong công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại biên giới.
- Nguồn kinh phí tổ chức thực hiện từ Ngân sách nhà nước.
- Lồng ghép với kinh phí thực hiện Chương trình phát triển Thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 -2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình khác.
- Huy động các nguồn vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Hàng năm, các Sở, ban, ngành căn cứ nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch này, chủ động xây dựng dự toán kinh phí trình UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện.
VITIC tổng hợp