Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

IATA thúc đẩy số hóa thông tin hàng hóa hàng không bằng hệ thống tiêu chuẩn chung vào cuối năm 2025

16/04/2023 09:50
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đang thúc đẩy, thông qua Dự án ONE Record, quá trình số hóa hoàn toàn thông tin hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không giữa các thành viên của Hiệp hội bằng cách sử dụng một tiêu chuẩn chung vào cuối năm 2025, chấm dứt những « khoảng trống thông tin và dữ liệu » mà các chủ hàng phải đối mặt trước đây. Bài viết này sẽ phân tích những nội dung của Dự án, những lợi ích mà các bên đạt được cũng như những động lực chính cho tương lai. 

Những năm gần đây, ngành vận tải hàng không thế giới đã chứng kiến những bước đi quyết liệt hơn trong đầu tư cho các giải pháp kỹ thuật số, nhưng thực tế, nhiều hãng hàng không đã bắt đầu hành trình kỹ thuật số của họ từ hơn hai thập kỷ trước.

Theo Henk Mulder, trưởng bộ phận vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số của IATA, các nỗ lực số hóa của Hiệp hội vận chuyển hàng không thế giới bắt đầu vào năm 2000 khi điện tử hóa các tài liệu quan trọng dần trở thành trọng tâm phát triển của ngành. Giai đoạn đầu tiên trong hành trình kỹ thuật số của IATA là giới thiệu chương trình vận đơn hàng không điện tử, bắt đầu vào khoảng năm 2005 và hiện đã đạt được phần lớn các mục tiêu đặt ra.

Dự án vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số lớn tiếp theo của IATA là chương trình ONE Record, bắt đầu vào năm 2017 và nhằm mục đích số hóa hoàn toàn hàng hóa hàng không thông qua việc tạo ra một tiêu chuẩn chia sẻ dữ liệu chung.

IATA đã phát triển các tiêu chuẩn và khả năng chia sẻ dữ liệu cho các hãng hàng không và đối tác của họ, chẳng hạn như giao nhận, hải quan, xử lý mặt đất, tương tác giữa các cơ quan chức năng, hãng vận chuyển và chủ hàng, để chia sẻ dữ liệu đa chiều dọc theo chuỗi cung ứng và chuỗi vận chuyển.

Các lợi ích to lớn không thể phủ nhận

Một trong những lợi ích quan trọng của Dự án là làm tăng khả năng hiển thị và minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Trước đây càng chủ hàng thường lo lắng trong suốt hành trình vận chuyển, bởi sau khi họ gửi hàng lên máy bay, họ không thể tiếp cận bất kỳ thông tin nào cho đến khi nó cập cảng và thông tin về lô hàng xuất hiện ở đầu kia của hệ thống. Sự ngắt quãng này thường được gọi là « hố đen thông tin » đôi khi làm giảm niềm tin cũng như khả năng tương tác để khắc phục rủi ro hệ thống.


Các hãng hàng không gần đây đã yêu cầu đưa ra thời hạn để họ có mục tiêu hướng tới. Do đó, mục tiêu của IATA là đến ngày 1 tháng 1 năm 2026, mọi hãng hàng không thành viên IATA sẽ có khả năng chia sẻ và trao đổi dữ liệu qua ONE Record (tạm dịch là MỘT Bản ghi).




Số hóa thông tin về hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho thương mại, bằng cách loại bỏ rào cản thương mại thông qua các quy trình và hệ thống kỹ thuật số.

IATA đang hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại, đồng thời liên hệ với các tổ chức hải quan về các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật số đối với dịch vụ tờ khai một cửa (the single window declarations). Hiệp hội cũng chủ động phát triển một số công cụ hỗ trợ quá trình khai báo thông tin trước khi hàng cập cảng hàng không (pre-loading) cho một số quốc gia. Như vậy một lợi ích không thể phủ nhận của quá trình số hóa này là tạo ra cơ sở thiết thực hơn cho quá trình tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp và thương mại toàn cầu đối mặt với những cản lực lớn từ nhiều phía. 

Quá trình thương mại chỉ có thể diễn ra nhanh hơn nếu các bên liên quan trong chuỗi vận chuyển hàng hóa đường hàng không có đầy đủ dữ liệu để thúc đẩy quá trình thương mại. Từ việc chỉ phát triển một chương trình kỹ thuật số, IATA đã và đang liên hệ với tất cả các bên liên quan để hiểu ưu tiên của họ là gì, họ đang làm gì và cách họ có thể điều chỉnh điều đó. Nhiều công việc đã được các quốc gia thành viên thực hiện để thống nhất và phát triển các chiến lược tạo thuận lợi cho thương mại, giảm bớt các rào cản đối với hoạt động tại biên giới và quản lý dòng hàng hóa một cách an toàn hơn.
 
Số hóa đóng một vai trò quan trọng ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa đường hàng không toàn cầu, bởi là điều kiện cần cho tự động hóa các quy trình và sử dụng dữ liệu để tăng tốc vận chuyển hàng hóa cũng như phát hiện những bất thường và rủi ro trong quy trình này.

Thương mại điện tử và yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng sẽ là động lực chính

Trong thời gian tới, thương mại điện tử tiếp tục là động lực để đẩy mạnh quá trình hợp tác trên toàn cầu trong lĩnh vực kỹ thuật số hóa ngành vận chuyển hàng không. Doanh số bán hàng trực tuyến đang tăng nhanh và người tiêu dùng mong đợi thời gian giao hàng ngày càng nhanh hơn. Cách duy nhất có thể đạt được điều này là thông qua việc số hóa các thông tin và dữ liệu. Khoảng 80% tổng số hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới được vận chuyển bằng đường hàng không và hàng thương mại điện tử đến nay đã chiếm 20% lượng hàng hóa hàng không.

Đóng góp nột phần quan trọng vào khả năng hiển thị và hiệu quả của logistics ngành hàng không chính là sự thống nhất trong quy trình cung cấp và khai thác dữ liệu vận tải một cách minh bạch, công bằng. Đó cũng là điều mà IATA, các thành viên cũng như chính phủ các nước hướng tới.

Nguồn: VITIC (trích từ Báo cáo quy định, chính sách trong lĩnh vực logistics, số tháng 4/2023)


ĐỂ CẬP NHẬT CÁC THÔNG TIN, SỐ LIỆU CHI TIẾT VÀ MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, XIN MỜI THAM KHẢO TÀI LIỆU

Báo cáo Thị trường logistics Việt Nam và thế giới quý 1/2023 và dự báo cập nhật những diễn biến và dự báo mới nhất cho tổng thể thị trường logistics Việt Nam và thế giới. 
Các phân tích được chi tiết hóa đến từng nhóm dịch vụ như vận tải (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt), cảng biển, dịch vụ giao nhận, kho bãi, bất động sản logistics… 
Đồng thời Báo cáo cũng phân tích về xu hướng chuỗi cung ứng hàng hóa và khuyến nghị đối với các doanh nghiệp chủ hàng, doanh nghiệp dịch vụ logistics. 
Hoạt động và xu hướng của các doanh nghiệp trong ngành cũng được cập nhật. 
Các phân tích và dự báo hy vọng sẽ góp phần tạo cơ sở đầu vào hữu ích cho các kế hoạch và quyết định kinh doanh của doanh nghiệp trong các tháng tới. 
Ngoài ra, Báo cáo tập trung nghiên cứu điển hình một số xu hướng quan trọng như: 
-    Xu hướng số hóa các hoạt động logistics trong chuỗi cung ứng thế hệ mới và một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; 
-    Xu hướng cộng sinh, cộng tác trong lĩnh vực giao nhận, chuyển phát nhanh tại Việt Nam; 
-    Cải thiện logistics đường sắt để đón bắt xu hướng phục hồi của thị trường Trung Quốc
-    Những thách thức tiêu biểu đối với các doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp logistics trong quý 2/2023. 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 33
Số người truy cập: 6.231.606
Chung nhan Tin Nhiem Mang