Siết chặt buôn lậu vàng, ngoại tệ từ cửa khẩu
Từ đầu năm đến nay, giá vàng và ngoại tệ liên tục biến động mạnh, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi gây ảnh hưởng đến thị trường vàng và ngoại tệ.
Trong phiên giao dịch ngày 18/3, các doanh nghiệp kinh doanh vàng tiếp tục giảm giá vàng. Vàng miếng SJC hiện được niêm yết quanh mức 79-81 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm khoảng 500.000 đồng mỗi lượng so với phiên trước. Trong khi đó, vàng nhẫn niêm yết quanh mức 67,2-68,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 150.000 đồng mỗi chiều.
Trước đó, trong những phiên đầu tuần trước, giá vàng liên tục xô đổ kỷ lục, khi có thời điểm giá vàng SJC vọt lên trên 82,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Đáng chú ý, trong gần 1 tháng quá, giá vàng liên tục diễn biến tăng với bước tăng mạnh vài trăm nghìn đồng mỗi lượng mỗi phiên.
Tại thị trường quốc tế, giá vàng đạt 2.155 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá và chưa tính thuế phí thì chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới vào khoảng 16-17 triệu đồng, còn vàng nhẫn vênh khoảng 4-5 triệu đồng mỗi lượng.
Đặc biệt, giá vàng liên tục gia tăng nhưng tại các cửa hàng kinh doanh vàng còn xảy ra tình trạng không có vàng nhẫn để bán, thậm chí có cửa hàng còn phải viết giấy hẹn sau gần 1 tháng mới được lấy vàng.
Chuyên gia kinh doanh vàng Đinh Nho Bảng lo ngại, tình trạng chênh lệch giá kéo dài sẽ càng gây khó khăn trong quản lý thị trường vàng, nhất là tình trạng buôn lậu vàng có nhiều nguy cơ gia tăng.
Vị chuyên gia này cho biết, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong khi ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam mỗi năm cần khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu, nên xảy ra tình trạng khan hiếm vàng.
Cùng với giá vàng, giá USD cũng đang có xu hướng tăng cao, mà theo các chuyên gia, nguyên nhân do chênh lệch lãi suất VND-USD âm kéo dài tạo ra áp lực rút vốn, nhập khẩu tư liệu sản xuất đang bật tăng khá mạnh trong 2 tháng đầu năm, biến động giá vàng và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế khiến tỷ giá trên thị trường tự do khó lường hơn.
Vấn đề này cũng đã được đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 18/3/2024 về giải pháp để kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ. Bởi theo đại biểu, trong bối cảnh nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Dù không phải lĩnh vực quản lý, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ có trách nhiệm trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, có nghĩa là quản lý ở vùng biên giới để khi giá vàng hay giá ngoại tệ của Việt Nam cao lên thì hàng lậu không "tuồn" vào Việt Nam.
Bộ trưởng cho hay, các cơ quan quản lý cửa khẩu đã siết chặt nhiều vụ việc liên quan đến vàng, ngoại tệ. Chẳng hạn, thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt được một số vụ vận chuyển vàng, ngoại tệ trong nước chuyển đi nước ngoài hoặc ngược lại, như vụ việc chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD hay hiện đang điều tra, xử lý vụ việc 1 triệu USD giả vận chuyển qua đường hàng không…
Nói về giải pháp để giá vàng và USD đi xuống, theo ý kiến cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần triển khai một loạt giải pháp, trong đó có giải pháp liên quan đến cung – cầu, xuất nhập khẩu. Bộ trưởng đặt hàng loạt câu hỏi về việc có nên nhập khẩu vàng hay siết chặt mua bán vàng như thế nào, hay có hiện tượng lợi dụng tâm lý khi đầu tư sản xuất kinh doanh không hiệu quả, gửi ngân hàng lãi suất thấp thì lại đưa dòng tiền này vào vàng…
Tương tự, về ngoại tệ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chỉ rõ cần nhiều giải pháp, cần thể hiện rõ sức mạnh của đồng tiền, tuy nhiên khi đồng tiền Việt Nam hạ giá cũng có thể có lợi cho xuất khẩu, nhưng cần đánh giá tác động đến xuất khẩu ra sao…
Trước đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cơ quan quản lý tiền tệ là NHNN phải điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường. Cùng với đó, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024.
Các chuyên gia cũng nhận định, việc sửa đổi cách thức quản lý thị trường vàng là việc rất cấp thiết, không nên để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, bởi ngoài gây những xáo trộn thị trường, kích thích buôn lậu, ảnh hưởng tới việc ổn định tỷ giá, tình trạng này sẽ khiến cho lượng vàng trong dân tăng cao, đi ngược với chủ trương hút nguồn lực này vào sản xuất kinh doanh.
Nguồn: Tạp chí Hải quan (link gốc)