Hà Nội dự kiến sẽ chỉ thu phí nội đô từ vành đai 3 trở vào
Việc triển khai thu phí chỉ thực hiện sau khi phí này được bổ sung vào Luật Phí và lệ phí. Để bổ sung vào mục phí, lệ phí, UBND TP Hà Nội phải báo cáo HĐND TP cho ý kiến, trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đề án này là bước đầu trong quy trình sửa đổi của luật theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, họ sẽ phân loại mức độ khí thải gây ô nhiễm để xác định các mức phí. Đây cũng là bài toán rất khó đối với Hà Nội khi xác định khu vực thu phí, khu vực ùn tắc và đối tượng thu phí.
Cùng đó, Hà Nội còn phải phân vùng những khu vực người dân không muốn trả phí nhưng vẫn muốn đi vào. Sẽ có những tuyến đường đi khác để đảm bảo việc đi lại của người dân không bị xáo trộn. Không có gì thay đổi, dự kiến đề án sẽ được trình lên HĐND TP trong năm 2019. Nếu được thông qua, đề án sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Định hướng Hà Nội sẽ thu theo khu vực từ đường vành đai 3 trở vào trung tâm. Việc Hà Nội có nhiều ngõ ngách nhỏ, chúng tôi đã tính đến trong đề án để đánh giá kỹ các đối tượng bị tác động. Những biện pháp áp dụng phải phù hợp với thực tiễn và có giải pháp tối ưu về mặt kỹ thuật nhằm đảm bảo tính kết nối.
Xe cộ lưu thông trên vành đai 3 trên cao tại Hà Nội
Hơn nữa, nhiệm vụ xây dựng đề án thu phí là 1 trong 37 nhiệm vụ UBND thành phố đang triển khai đồng thời, trong đó tập trung hoàn chỉnh đồng bộ về hạ tầng giao thông, mạng lưới, chất lượng vận tải hành khách công cộng. Do đó, tại các khu vực có thu phí sẽ đáp ứng điều kiện cơ bản để nhân dân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện vận tải hành khách công cộng hoặc các hình thức di chuyển khác như: Đi bộ, sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng...
Khi hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nói chung và hạn chế sử dụng xe máy nói riêng, nguyên tắc là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng và có các giải pháp đồng bộ về hành chính và kinh tế nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế cho phương tiện cá nhân. Điều này không những mang lại lợi ích cho thành phố mà còn cho chính người dân, bởi khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng chắc chắc sẽ an toàn hơn phương tiện xe máy.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và cho hệ thống vận tải hành khách công cộng như: Đường sắt đô thị, BRT, monorail, xe buýt và các phương tiện vận tải hành khách công cộng khác: xe hợp đồng, xe taxi… Đồng thời, để mở rộng vùng phục vụ, tăng cường khả năng kết nối và nâng cao chất lượng phục vụ, thành phố sẽ có chương trình hỗ trợ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng qua hình thức trợ giá hợp lý để người dân có thể tiếp cận thuận lợi khi sử dụng.
VITIC tổng hợp/ Tham khảo Báo giao thông