Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

6 tháng đầu năm: Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của ngành đường sắt đều tăng

30/07/2018 15:41

Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của đơn vị này đều tăng. Trong đó, giá trị sản lượng đạt 3.975 tỷ đồng, tăng 14,5%; doanh thu gần 4.043 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt mức 106 tỷ đồng.

Hai công ty CP Vận tải đường sắt là Hà Nội và Sài Gòn, sản lượng vận tải cũng tăng khi đạt hơn 3.868 triệu TKm, tăng 3,7%; doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 2.312 tỷ đồng, tăng 10,9%.

Đó đều là những con số rất khả quan, nhất là trong bối cảnh nhiều năm gần đây, đường sắt liên tục giảm sút sản lượng. Tổng giám đốc VNR Vũ Tá Tùng cho biết, kết quả trên cho thấy, hiệu quả bước đầu của hàng loạt giải pháp đổi mới của đường sắt như: Đóng mới toa xe, chính sách giá vé linh hoạt theo nhu cầu thị trường, liên kết với du lịch thu hút khách đoàn mà đường sắt đang triển khai.

“Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu. Thực tế, các mô hình vận tải đường sắt vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, đường sắt phải tiếp tục sắp xếp, cấu trúc lại khối vận tải để tăng trưởng bền vững hơn, tăng khả năng cạnh tranh. VNR đang trình Bộ GTVT phương án sắp xếp để tách bạch doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách”, ông Tùng nói.

Cụ thể hơn, ông Tùng cho biết, VNR đang có vốn góp khá lớn tại 3 doanh nghiệp vận tải. Trong đó, tỷ lệ cổ phần chi phối tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lên tới 94%. Tại Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn là 74%. Còn tại Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) 34%.

“Mang tiếng là công ty cổ phần, nhưng thực chất, hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn vẫn là “của” VNR. Trong khi đó, từ khi hoạt động theo mô hình cổ phần (năm 2016), giữa hai công ty đã phát sinh cạnh tranh nội bộ, làm triệt tiêu nguồn lực của các công ty”, ông Tùng nói.

Về giải pháp với hai Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, theo ông Tùng, tới đây, nguyên tắc là phải vận dụng chung đầu máy, toa xe mới hiệu quả, vì thời gian quay vòng toa xe càng ngắn, chi phí, giá thành vận tải càng giảm. Tuy nhiên, giữa hai đơn vị này việc thuê lại phương tiện của nhau rất khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách, giảm năng lực.

Phó tổng giám đốc VNR Phan Quốc Anh cho biết, trong vận tải, tỷ lệ rỗng phương tiện càng thấp, hiệu quả kinh tế càng lớn. Nhưng thực trạng đáng buồn hiện nay vẫn đang tồn tại sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Công ty có toa xe thì không có hàng, công ty có hàng không có toa xe, dẫn đến phải điều rỗng chéo toa xe giữa hai công ty, hệ số điều rỗng cao.

“Vì sức ép khoán doanh thu, người lao động tìm mọi cách cạnh tranh, thu hút hàng về với mình, gây khó khăn cho doanh nghiệp kia, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất chung của VNR”, ông Quốc Anh nói.

Đồng quan điểm với VNR về sắp xếp lại mô hình vận tải theo hướng vận tải hàng hóa riêng, vận tải hành khách riêng, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho rằng, việc này vừa triệt tiêu được cạnh tranh nội bộ, vừa tập trung nguồn lực nâng cao năng lực cạnh tranh của vận tải đường sắt.

“Luật Đường sắt 2017 quy định Nhà nước sẽ hỗ trợ vận tải hành khách khi thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, còn vận tải hàng hóa theo thị trường. Nếu để kéo dài như hiện nay sẽ lẫn lộn, khó tách bạch để Nhà nước hỗ trợ”, ông Khôi nói.

 

Theo ông Phan Quốc Anh, thị phần đường sắt rất nhỏ so với các phương thức vận tải khác. Trong đó, vận tải hàng hóa chiếm chưa đến 2%; hành khách gần 1,8%. Để nâng cao thị phần, không chỉ trông chờ vào các công ty vận tải đường sắt, VNR sẽ rộng cửa chào đón các doanh nghiệp ngoài ngành tham gia. Trong đó, VNR khuyến khích DN ngoài ngành mua cổ phần tại 2 công ty vận tải Hà Nội và Sài Gòn.

“Một số doanh nghiệp đã quan tâm, muốn đầu tư toa xe, đoàn tàu để kinh doanh vận tải trên một số tuyến “hot” như: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đà Nẵng. Thậm chí, có doanh nghiệp muốn lập một công ty vận tải như mô hình công ty vận tải đường sắt hiện nay, nhưng còn vướng về thủ tục. Để được kinh doanh, họ phải đáp ứng các điều kiện như phương tiện phải được cấp giấy phép đảm bảo an toàn, có người điều hành, nhân viên có chứng chỉ, có bộ máy làm công tác an toàn như khám chữa chỉnh bị toa xe… nên khá phức tạp”, ông Quốc Anh phân tích.

Vì vậy, VNR đã đề xuất phương án sau khi tách doanh nghiệp vận tải hành khách riêng, vận tải hàng hóa riêng, doanh nghiệp cổ phần vận tải hành khách sẽ có lộ trình thoái vốn. VNR chỉ giữ tỷ lệ cổ phần chi phối từ 51% trở lên. Còn doanh nghiệp cổ phần vận tải hàng hóa, VNR cũng tiến hành thoái vốn, kể cả không giữ cổ phần chi phối để thu hút vốn xã hội hóa.

Theo ông Vũ Quang Khôi, Luật Đường sắt 2017 có nhiều chính sách ưu đãi về vay vốn, thuê đất… thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh đường sắt, trong đó có vận tải. Tuy nhiên, để doanh nghiệp ngoài yên tâm tham gia, việc tái cấu trúc lại khối vận tải của VNR phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng;

“Phải tách bạch vai trò của các chủ thể: VNR chỉ kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước giao và điều hành chỉ huy chạy tàu, cung cấp dịch vụ điều hành GTVT đường sắt cho tất cả các doanh nghiệp; VNR không trực tiếp kinh doanh, điều hành kinh doanh tại các doanh nghiệp vận tải mà VNR có vốn góp”, ông Khôi nói.

VITIC tổng hợp/Tham khảo baogiaothong.vn

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 12
Số người truy cập: 6.225.600
Chung nhan Tin Nhiem Mang