Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024
Vietnamese English

Tổng quan về tình hình doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực logistics

17/04/2018 09:02

I. Tổng quan

1. Bối cảnh

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã tham gia hai FTA đa phương lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tiến triển vô cùng nhanh chóng với sự phát triển của các công nghệ đột phá khiến giao thương hàng hóa, dịch vụ và các phương thức vận chuyển, phân phối ngày càng sôi động và linh hoạt, đổi mới. Bối cảnh đó mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực logistics của Việt Nam, nhưng cũng đem đến rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong ngành, nhất là trước sức ép đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong thời đại mới. 

 Năm 2014, chỉ số LPI của Việt Nam đứng thứ 48 trong số 160 quốc gia, cao nhất trong các quốc gia thu nhập trung bình thấp, mặc dù vẫn đứng sau các nước thu nhập trung bình cao như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia1 . Tuy nhiên, năm 2016, Việt Nam đã giảm 16 bậc, đứng thứ 64/160, điều này cho thấy sự cạnh tranh gay gắt và thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực logistics của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, quy hoạch logistics đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Ngày 14 tháng 02 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ –TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động năng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó đã nêu rõ hai quan điểm: (i) logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; (ii) tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế. Kế hoạch cũng đã nêu một trong các  nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ của các DNNVV.

2. Một số nét chính về tình hình DNNVV logistics Việt Nam

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến hết tháng 3/2018, cả nước có 296.469 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực logistics2 , tập trung chủ yếu ở khu vực có hệ thống cảng, đường bộ thuận lợi: đồng bằng sông Hồng (38,8%), tiếp theo là Đông Nam Bộ (33,8%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14,2%), Trung du và miền núi phía Bắc (5,6%), đồng bằng sông Cửu Long (5,2%) và cuối cùng là Tây nguyên (2,4%).

Tuy nhiên, quy mô vốn khi đăng ký của các doanh nghiệp ngành logistics còn rất hạn chế, tới 90% số doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia lĩnh vực logistics ở quy mô nhỏ. Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tính đến ngày 20/03/2018, VLA có 369 hội viên, bao gồm nhiều doanh nghiệp logistics hàng đầu trong ngành như SNP, Gemadept, Transimex, Indotrans, TBS Logistics, BK Logistics, U&I Logistics, TBS Logistics, Sotrans, Vinalink Logistics, Vinafco …. Điều đó cho thấy, chỉ có số ít doanh nghiệp doanh nghiệp logistics hoạt động tham gia Hiệp hội nhằm tăng tính liên kết, còn lại đăng ký kinh doanh nhưng không thực sự tham gia lĩnh vực logistics hoặc hoạt động đơn lẻ. 

Về thị trường, các hội viên VLA cung cấp dịch vụ logistics khá đa dạng bao gồm nội địa (52%) và quốc tế chủ yếu tập trung ở khu vực ASEAN (67%), Trung Quốc (59%), Nhật Bản (50%), EU (45%), Hàn Quốc (43%) và Hoa Kỳ (38%). Cũng theo VLA, Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. So với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu. Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là đảm nhiệm hầu như toàn bộ vận tải nội địa, từ khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đến khai thác kho bãi, dịch vụ kho. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế, mà mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi logistics, đóng vai trò như những nhà cung cấp vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài. 

Chỉ số Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới đánh giá 6 tiêu chí: (i) Hải quan; (ii) Hạ tầng; (iii) Vận tải quốc tế; (iv) Chất lượng và năng lực logistics; (v) Giám sát & truy tìm hàng hóa và (vi) Giao hàng đúng hạn. Từ năm 2014 đến nay, nhìn chung trong các tiêu chí đó, Chất lượng và năng lực logistics của Việt Nam thuộc dạng trung bình. Năm 2016, tiêu chí Giao hàng đúng hạn của Việt Nam được đánh giá tốt hơn so với các tiêu chí khác, tiếp theo là Vận tải quốc tế, Chất lượng và năng lực logistics, Giám sát & truy tìm hàng hóa, Hải quan và Hạ tầng.

3. Những hạn chế chủ yếu của DNNVV logistics Việt Nam

DNNVV logistics hiện nay gặp nhiều khó khăn như chi phí hoạt động cao, thiếu mặt bằng kho bãi, thủ tục hành chính liên quan còn phức tạp,… Tuy nhiên, phạm vi Báo cáo này chỉ tập trung phân tích các hạn chế và làm rõ nguyên nhân về năng lực của DNNVV logistics, để từ đó kiến nghị các giải pháp nâng cao năng lực cho DNNVV khu vực này phát triển.

Trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và năng lực logistics của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, mà chủ yếu là DNNVV phải kể đến một số khó khăn chính sau: (i) Năng lực tài chính của DNNVV logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế Theo số liệu phân tích ở trên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi tham gia có vốn dưới 10 tỷ đồng, 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng.

DNNVV trong lĩnh vực logistics chủ yếu ở quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp còn tư quy quản lý gia đình (tới 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký ở loại hình Công ty TNHH một thành viên) nên DNNVV logistics thiếu hệ thống, quy trình quản lý điều hành một cách chuyên nghiệp, bản thân chủ doanh nghiệp còn hạn chế trong điều hành quản lý, thiếu tầm nhìn hội nhập để vươn ra khu vực và thế giới. Quy mô nhỏ khiến DNNVV Việt Nam trong lĩnh vực logistics rất khó khai thác được tính kinh tế nhờ quy mô, không đủ nguồn lực để thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường. (ii) Nhiều DNNVV logistics Việt Nam còn hoạt động phân tán, đơn lẻ Số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia lĩnh vực logistics là khá đông, gần 300.000 DN, nhưng chỉ có 369 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội VLA. Theo thống kê của VLA, những doanh nghiệp hội viên đại diện trên 60% thị phần cả nước, gồm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành. Điều đó cho thấy doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có thị phần tốt có xu hướng chú trọng, quan tâm tới liên kết mạng lưới hơn các doanh nghiệp nhỏ. 

Trong khi đó, logistics là một chuỗi các công đoạn và dịch vụ, cần có sự năng lực tài chính, liên kết chặt chẽ và mạng lưới rộng lớn để có thể tăng năng lực cạnh tranh và phát triển trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. (iii) Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao DNNVV lĩnh vực logistics đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao, về cả nghiệp vụ, kỹ năng và trình độ tiếng Anh chuyên ngành do xu thế mở cửa giao thương hàng hóa, dịch vụ với các đối tác nước ngoài. So với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia, hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản trị khiến các DNNVV rất khó thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng vào làm việc. Trong khi đó, thị trường nhân lực trong lĩnh vực logistics rất cạnh tranh vì nguồn cung rất hạn chế. Theo nghiên cứu của VLA, để đáp ứng nguồn nhân lực cho khoảng 3000 công ty logistics (không bao gồm các công ty vận tải thủy, bộ, biển, hàng không, chuyển phát nhanh, cảng thuần túy) sẽ cần đào tạo mới và bài bản 200.000 nhân sự cho giai đoạn 2015-2030. Trong khi đó, số nhân lực được đào tạo chuyên ngành logistics từ một số trường Đại học không thể đáp ứng được nhu cầu trên. Từ năm 2008, Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh trở thành trường đầu tiên tuyển sinh và đào tạo hệ Đại học chính quy (4 năm) chuyên ngành Quản trị logistics và Vận tải đa phương thức, tính đến tháng 8/2016, có trên 300 sinh viên đã tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động ngành logistics. 

(iv) Hạn chế trong quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin Trong thời đại kinh tế số hiện nay, ICT hiện nay đóng vai trò chính và quan trọng trong cả tiến trình xử lý chuỗi logistics, đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa các bên tham gia cũng như đảm bảo kiểm soát hiệu quả về mặt thời gian, chi phí và chất lượng dịch vụ. Mọi công đoạn từ quản lý khách hàng, quản lý hàng hóa, tàu xe, bốc dỡ, lưu kho… đều được áp dụng công nghệ thông tin và luôn được cải tiến như áp dụng công nghệ big data để tính toán tuyến đường đi tối ưu nhất của các phương tiện vận tải; công nghệ quét mã vạch trực tuyến tối ưu hàng tồn kho; áp dụng các thiết bị theo dõi, định vị, quản lý lịch trình các phương tiện vận chuyển; ứng dụng các xe chuyển hàng tự động,… Tuy nhiên, theo báo cáo của VLA, việc ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong các hoạt động logistics của doanh nghiệp hiện còn ở mức rất khiêm tốn (chủ yếu tập trung ở lĩnh vực khai báo hải quan và GPS).

II. Giải pháp tăng cường năng lực cho DNNVV trong lĩnh vực logistics

Bên cạnh các giải pháp như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp ngành logistics, nghiên cứu quy hoạch tuyến đường lưu thông xe container nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông để tạo thuận lợi cho phát triển thương mại, đặc biệt thương mại qua biên giới, phạm vi Báo cáo này tập trung đề xuất một số giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, hạn chế chính như đã phân tích ở trên, góp phần nâng cao năng lực của các DNNVV logistics. Ngày 12/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ chung cho DNNVV và một số hỗ trợ trọng tâm. Các hỗ trợ này đã được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018. Do đó, trong thời gian tới, việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn sẽ góp phần hỗ trợ các DNNVV trong lĩnh vực logistics nâng cao năng lực của mình, trong đó tập trung vào một số giải pháp như sau:

1. Tăng cường năng lực tài chính cho DNNVV logistics Việt Nam

Quy mô của các DNNVV logistics Việt Nam ở mức rất hạn chế do năng lực tài chính còn hạn hẹp. Tuy nhiên, DNNVV logistics cũng giống như các DNNVV nói chung là gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại do thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế trong hệ thống sổ sách, quản trị và xây dựng kế hoạch kinh doanh. Chính vì vậy, Điều 8 và Điều 9 Luật Hỗ trợ DNNVV đã đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho DNNVV nói chung, bao gồm các DNNVV lĩnh vực logistics nói riêng, cụ thể: - Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV; - Hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, góp phần tăng cường quy mô vốn cho doanh nghiệp; - Hỗ trợ tiếp cận tín dụng thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Trong thời gian tới, Chính phủ cần thúc đẩy giải pháp này để DNNVV logistics tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, tăng cường năng lực tài chính để đầu tư, kinh doanh.

2. Tăng cường liên kết giữa các DNNVV logistics Việt Nam

Việc thúc đẩy hợp tác trong nội bộ ngành tạo thành mạng lưới liên kết chặt chẽ hơn rất quan trọng để hạn chế tình trạng hoạt động phân tán, đơn lẻ hiện nay của các DNNVV logistics Việt Nam. Các DNNVV có thế mạnh về sự linh hoạt và am hiểu thị trường nội địa, có thể đáp ứng các thị trường ngách, hẹp, đặc biệt mà các công ty lớn khó có thể lấp đầy. Việc liên kết, hợp tác giữa các DNNVV logistics Việt Nam sẽ tăng sự hiệu quả, năng suất của các doanh nghiệp, giảm được thời gian nhàn rỗi, từ đó các doanh nghiệp tăng trưởng dần về mặt quy mô. Do vậy, việc thúc đẩy doanh nghiệp tham gia các liên kết như Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), các cụm, chuỗi trong ngành là rất cần thiết. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài các nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV nói chung đã đưa ra nhóm giải pháp trọng tâm để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, trong đó có các giải pháp: - Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; - Cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; - Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường sản phẩm của cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; - Hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm của DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; - Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng. Các giải pháp này đã được quy định chi tiết tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV. Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần phải được tăng cường về năng lực và nguồn lực để phát huy vai trò liên kết giữa các hội viên và đại diện chính thức cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong nước cũng như trên thị trường thế giới. Các địa phương cần kết hợp với VLA để triển khai hỗ trợ chi tiết cho các DNNVV logistics trên địa bàn tỉnh.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV trong lĩnh vực logistics

Để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho các DNNVV trong lĩnh vực logistics, cần thực hiện đồng thời các giải pháp đào tạo cho nhân lực hiện tại của doanh nghiệp và thúc đẩy nguồn cung nhân lực ngành logistics trong tương lai, cụ thể: - Tổ chức đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động làm việc tại các DNNVV logistics. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai hoạt động đào tạo cho các doanh nghiệp trong ngành. - Tạo điều kiện cho các trường đại học tăng cả số lượng và chất lượng sinh viên ngành logistics sau khi ra trường. Đồng thời, các trường đại học, viện  nghiên cứu, Hiệp hội VLA cần phối hợp nghiên cứu để cung cấp kiến thức cập nhật, chuyên sâu và phù hợp hơn để đưa vào giảng dạy. - Theo báo cáo của Hiệp hội VLA, hiện tại Việt Nam chưa có chuẩn mực chung cũng như bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ chung cho toàn ngành. Việc nghiên cứu đưa chuẩn mực, chỉ số đánh giá chất lượng chung để các DNNVV tham khảo, đào tạo cán bộ nhân viên theo chuẩn mực sẽ có tác động rất hữu hiệu trong việc nâng cao năng lực toàn ngành.

4. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong các DNNVV logistics Việt Nam

Việc đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động logistics để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động rất quan trọng trong thời đại hội nhập và phát triển của công nghệ thông tin. Dó đó, cần giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp thu, áp dụng các quy trình và công nghệ quản lý, cung cấp dịch vụ tiên tiến trên thế giới nhưng còn mới đối với Việt Nam. Do nguồn lực tài chính ban đầu của các DNNVV logistics khá hạn chế nên việc doanh nghiệp tự đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại cần thời gian dài sau khi doanh nghiệp đã tích lũy được tài chính. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp như:

- Thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực logistics. Giải pháp này đang được Chính phủ triển khai, bước đầu là ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định này nhằm mục tiêu khơi thông dòng vốn của khu vực tư nhân vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có lĩnh vực logistics. Bên cạnh đó, việc xem xét ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai theo định hướng Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các DNNVV dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới. - Chính phủ sớm nghiên cứu cơ chế để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hệ thống công nghệ, chia sẻ thông tin dùng chung cho các DNNVV logistics như hệ thống quản lý kho hàng, phương tiện vận tải, hệ thống quản lý khách hàng... Giải pháp này không chỉ cung cấp hạ tầng về công nghệ thông tin, giảm chi phí hoạt động mà còn giúp các DNNVV logistics liên kết cùng phát triển./.

VITIC tổng hợp/ Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông tin tại Hội nghị toàn quốc về logistics, tháng 4/2018. 


 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 26
Số người truy cập: 4.440.118
Chung nhan Tin Nhiem Mang