Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Doanh nghiệp tính chuyện đường dài

14/06/2023 07:40
Dù tình hình chung vẫn đang đầy rẫy khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn nhìn thấy các cơ hội và tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Theo đó, nhiều kế hoạch đầu tư, phát triển vẫn tiếp tục được triển khai nhằm nhanh chóng nắm bắt được cơ hội ngay khi tình hình kinh tế đi vào ổn định.

Đầu tư về chiều rộng

Chia sẻ về tình hình kinh doanh của DN, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food) cho biết, trong 4 năm qua, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty đều tăng trưởng mạnh nhờ vào nhu cầu khách hàng cùng việc kiểm soát tốt chi phí, mở rộng công nghệ canh tác và công nghệ chế biến. Ở thị trường trong nước, G.C Food hiện là đối tác cung cấp nha đam và thạch dừa lớn nhất Việt Nam cho các tập đoàn sữa và dinh dưỡng hàng đầu như Vinamilk, Nutifood, Ba Vì… Còn về xuất khẩu, thị trường chủ yếu của G.C Food là Hàn Quốc và Nhật Bản – 2 thị trường khó tính với yêu cầu chất lượng rất cao. Hiện các khách hàng đang có nhu cầu tăng lượng đặt hàng, nhưng G.C Food chưa thể đáp ứng đủ. Được biết, tổng giá trị hợp đồng mà khách hàng trong và ngoài nước đã ký với G.C Food đến hết năm 2024 là gần 600 tỷ đồng và đang chờ giao hàng hết trong năm 2023 và 2024.

Trước nhu cầu cao của khách hàng, ông Thứ cho biết trong giai đoạn 2023-2025, G.C Food sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực cốt lõi theo hướng tăng cường công nghệ, mở rộng sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu để tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh. Công ty cũng dự định đầu tư nhà máy sản xuất nước giải khát đóng chai từ nha đam, thạch dừa và trái cây; lấn sân sang lĩnh vực hóa mỹ phẩm từ nguyên liệu nha đam… Theo đó, công suất nhà máy chế biến thạch dừa và nhà máy nha đam dự kiến sẽ được nâng lên gấp đôi so với hiện tại.

Tương tự, tại Công ty CP Tập đoàn PAN - Tập đoàn nông nghiệp có quy mô hàng đầu tại Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, với hệ thống phân phối rộng lớn và chuỗi giá trị hoàn chỉnh Farm - Food –Family. Theo đó, PAN Group sẽ tập trung mở rộng, phát triển chuỗi giá trị thông qua M&A các công ty mới và phát triển hữu cơ các công ty thành viên hiện tại thông qua phát triển các dự án mới, phát triển các sản phẩm mới. Ban lãnh đạo PAN Group cho biết sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty PAN đã đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hoạt động M&A, ưu tiên được thực hiện bởi các công ty thành viên, để bổ sung các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị.


PAN Group đang hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm. 	Ảnh: TL

Với những lĩnh vực mới đòi hỏi trình độ công nghệ sản xuất cao, bằng sáng chế, thị trường tiêu thụ… PAN Group định hướng sẽ tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước (chủ yếu là các đối tác nước ngoài có uy tín) để liên kết cùng phát triển và chia sẻ thành công. Hiện PAN Group đã và đang tích cực xúc tiến hợp tác chiến lược với các tập đoàn đa quốc gia lớn trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, với mục tiêu phát triển các sản phẩm mới, mở rộng thị trường và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất.

Bà Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc PAN Group khẳng định, nếu chỉ đi một mình, sẽ rất khó để đi xa. 10 năm qua PAN Group đã xây dựng được một hệ sinh thái khá hoàn chỉnh. Để có được kết quả này, ngoài nội lực vững chắc thì không thể thiếu sự đồng hành của nhiều đối tác, cả trong nước cũng như quốc tế.

Củng cố về chiều sâu

Bên cạnh việc mở rộng về quy mô, các DN cũng đang tập trung chú trọng hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D) để củng cố năng lực và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo tổ chức nghiên cứu thị trường IQVIA, Việt Nam được xếp vào nhóm Pharmerging Market – nhóm 17 nước có tốc độ tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất toàn cầu. Thời gian qua, các DN dược đã gia tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu thuốc và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu. Các DN cũng tăng tốc trong cuộc đua nâng cấp và xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình như, Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG Pharma) đã khởi công xây dựng Nhà máy Betalactam đạt tiêu chuẩn Japan-GMP/EU-GMP, Dược Cửu

Long đầu tư Dự án Nhà máy Dược phẩm theo tiêu chuẩn EU-GMP, nhà máy IMP4 của Imexpharm đã nhận được chứng nhận EUGMP. Việc xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn cao hứa hẹn sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh cho nhiều DN dược nội địa tại những gói thầu có giá trị cao.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc DHG Pharma, phần lớn các DN nội địa mới chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc thông dụng, trong khi các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, đòi hỏi công nghệ bào chế hiện đại lại không được quan tâm. Từ đó gây nên tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường nhỏ của đại đa số những DN trong nước. Phân khúc thuốc chuyên khoa, đặc trị với chất lượng cao hoàn toàn do các DN nước ngoài thống lĩnh.

Trước thực tế đó, năm 2023, DHG Pharma sẽ tiếp tục tập trung nâng cấp các dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn GMP toàn cầu và duy trì tiêu chuẩn trong nước; tiếp tục nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của DHG Pharma với vai trò là công ty dược đa quốc gia. DHG Pharma cũng sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm Generic có tiềm năng, chất lượng và giá trị cao; mở rộng mạng lưới, tập trung xây dựng thương hiệu, chiến lược danh mục sản phẩm và các sản phẩm chủ lực…

Còn tại PAN Group, với sự đầu tư nghiêm túc cho hoạt động R&D, nhiều đơn vị thành viên của tập đoàn đã được công nhận là DN khoa học công nghệ như Vinaseed, Hanam Hitech (đơn vị thành viên của Vinaseed), Công ty CP PAN-HULIC, Công ty TNHH Thuỷ sản công nghệ cao Aquatex Bến Tre, Công ty CP Huro Probiotics.

Nổi bật như Vinaseed, từ một đơn vị chỉ kinh doanh giống lúa phổ thông đến nay đã trở thành DN có tiềm lực mạnh về khoa học công nghệ, hàng năm sản xuất kinh doanh hàng trăm nghìn tấn hạt giống, tương đương trên 2 triệu ha gieo trồng, chiếm 21% thị phần giống cây trồng trên cả nước. Vinaseed sở hữu bộ sản phẩm đa dạng với gần 50 giống bản quyền các loại, trong đó có 4 giống nằm trong TOP 10 giống cây trồng hàng đầu Việt Nam. Vinaseed đang nắm giữ một bộ sưu tập các giống lúa lớn và đa dạng nhất tại Việt Nam và đang từng bước làm chủ các công nghệ tiên tiến trong quy trình chọn tạo giống lúa, công nghệ sản xuất hạt lai, góp phần hạn chế nhập khẩu giống từ nước ngoài, tiết kiệm nguồn ngoại tệ cho đất nước. Được biết, hiện Vinaseed có tới 15 cơ sở nghiên cứu khắp các vùng sinh thái cả nước, 2 phòng công nghệ sinh học, 500 ha phục vụ nghiên cứu cùng đội ngũ cán bộ trình độ cao, giàu kinh nghiệm.

Một DN khác cũng đầu tư rất mạnh cho R&D là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Rạng Đông đã thành lập 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển: Lighting R&D Center, Digital R&D Center, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương mại hóa HST- 4.0 trên các nền tảng số Flatforms (C4Led) và Tổ tư vấn chiến lược chuyển đổi số với sự hỗ trợ của 12 giáo sư, phó giáo sư, hơn 30 tiến sĩ, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực… Việc đầu tư cho R&D đã giúp Rạng Đông đạt được sự tăng trưởng mạnh và bền vững bất chấp những biến động thời gian qua. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 486 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2021; trong quý 1/2023, đà tăng tiếp tục được mở rộng lên tới 42%, đạt 182 tỷ đồng lãi ròng - mức ấn tượng trong bối cảnh hàng loạt ngành nghề, DN đang bị suy giảm rất mạnh.

Nguyễn Hiền (Link gốc Báo Hải quan)

 
THÔNG TIN THAM KHẢO

(1) THÔNG TIN VỀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP, QUẢN TRỊ VỐN, THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TẠI ĐÂY
(2) THÔNG TIN, SỐ LIỆU CHI TIẾT VỀ NGÀNH NÔNG NGHIỆP, THỰC PHẨM TẠI ĐÂY
(3) PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO VỀ CÁC NHÓM RỦI RO, THÁCH THỨC MỚI VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP LOGISTICS VÀ DOANH NGHIỆP CHỦ HÀNG TẠI ĐÂY

 
  • Phân tích và nhận diện các nhóm rủi ro lớn trong chuỗi cung ứng năm 2023 và tiếp sau đó. 
  • Một số khuyến nghị đối với quản trị chuỗi cung ứng để ứng phó với các rủi ro về xung đột địa chính trị trong năm 2023: 
  • Một số khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro an ninh mạng trong chuỗi cung ứng 
  • Ứng phó với rủi ro tiếp cận nguồn nguyên liệu và thiết bị 
  • Thích ứng với thay đổi về cấu trúc-sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới 
  • Các bước chính để quản lý tốt hơn các khu phức hợp bán lẻ và phân phối vào năm 2023
  • Các hành động chính cần thực hiện để bắt nhịp sự phát triển của công nghệ trong logistics trong năm 2023




 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 9
Số người truy cập: 4.360.599
Chung nhan Tin Nhiem Mang