Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024
Vietnamese English

Doanh nghiệp vượt rào cản thâm nhập sâu vào thị trường Hoa Kỳ

31/05/2024 07:43

Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, các thị trường đối tác tiêu biểu (Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Nam Á...), vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

-------------------------------

Thị trường xuất khẩu luôn là một trong các bài toán khó không chỉ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà với cả các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, với các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, EU, việc đưa được sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường này luôn là mục tiêu hướng tới.

Thị trường tiềm năng

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (ngày 11/5), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng năm 2024 đạt 123,99 tỷ USD, tăng 15,1% (tương ứng tăng 16,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tượng nhất là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc).

Như vậy, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường tăng cao nhất.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 34,72 tỷ USD, tăng tới 21,2% (tương ứng tăng 6,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng qua, các nhóm hàng lớn được xuất sang Hoa Kỳ có thể kể đến như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 43,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,64 tỷ USD, tăng 5,7%; hàng dệt may đạt 4,4 tỷ USD, tăng 5,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,81 tỷ USD, tăng 21,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,66 tỷ USD, tăng 31,9%; giày dép các loại đạt 2,4 tỷ USD, tăng 14,2%...

Các chuyên gia đánh giá, bứt phá thương mại với thị trường Hoa Kỳ là tín hiệu tốt lành với kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đồng USD cao chót vót, lợi nhuận quy đổi của doanh nghiệp cũng tốt hơn. Điều đó giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là bệ đỡ cho hàng hóa Việt Nam bắt nhịp với quy cách sản xuất ở đẳng cấp cao hơn, mở ra nhiều cơ hội đến với thị trường chất lượng cao.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nhận định, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ gia tăng góp phần thúc đẩy ngành gỗ đạt được kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chiếm 53,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất quan trọng trên thế giới. Điều đó thể hiện rõ khi Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ số 1 cho Hoa Kỳ. Đây sẽ là nền tảng để xuất khẩu bứt phá tại thị trường này nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội.

Đáng chú ý, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Rào cản cần vượt qua

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, song theo các chuyên gia, để thâm nhập sâu vào thị trường khó tính này, bên cạnh năng lực cung ứng, giá cả cạnh tranh, doanh nghiệp Việt còn phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn, quy định của thị trường Hoa Kỳ, trong đó có các yêu cầu chứng chỉ, quy định về sản phẩm sạch, an toàn, có trách nhiệm với môi trường.

Thông tin tại Hội thảo chuyên đề “Thâm nhập thị trường toàn cầu” diễn ra mới đây tại TPHCM, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, hiện doanh nghiệp Việt xuất khẩu nhiều mặt hàng ra thị trường thế giới, nhưng nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm, dược phẩm và đồ uống của Việt Nam hiện vẫn đang phải đối phó với nhiều rào cản thương mại do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận toàn diện, chưa hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào các thị trường khó tính, trong đó có thị trường Hoa Kỳ.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhiều doanh nghiệp mong muốn mở rộng thị trường, đưa sản phẩm ra thế giới song lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Cái họ thiếu hiện nay là một chiến lược, giúp họ định hướng được khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải đáp ứng tiêu chuẩn nào, xin ở đâu, cơ quan nào có thể cấp… Và để làm được phải có một đơn vị tư vấn, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin một cách tốt nhất.

Bởi trên thực tế, thị trường đầu ra luôn là bài toán lớn và khó không chỉ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà với cả các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt với các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu việc đưa được sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường này luôn là mục tiêu hướng tới của các doanh nghiệp Việt Nam. Với các mô hình kinh doanh truyền thống, việc tiếp cận thị trường quốc tế đòi hỏi nhiều nỗ lực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần từng bước minh bạch hóa các hoạt động, dữ liệu tài chính, tạo niềm tin cho các đối tác trong và ngoài nước.

Link gốc (Tạp chí Hải quan)

 
(1)  Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(3) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 12
Số người truy cập: 5.269.023
Chung nhan Tin Nhiem Mang