Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024
Vietnamese English

Thủ tướng: Nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản

04/05/2023 08:00
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.

Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng giao khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. Vận dụng chính sách tài khóa mở rộng linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của EC, tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Tiếp tục tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững; tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU.

Xây dựng, trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.

Quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp để đảm bảo sản xuất phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái xanh, góp phần phòng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển bền vững.

Đề xuất cơ chế hợp tác công tư trong huy động nguồn lực, người dân, xã hội đầu tư cho hạ tầng lâm, thủy sản. Xây dựng thí điểm một số mô hình về sản xuất giống, quản lý hiện đại, chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp; xây dựng cơ chế theo thẩm quyền khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong ngành lâm sản, thủy sản. 

Đối với ngành Công thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, các mặt hàng xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại.
Mục tiêu xuất khẩu lâm thủy sản đạt mốc 27,5 tỷ USD trong năm 2023 đang gặp nhiều thách thức khi sức mua của các thị trường lớn suy giảm mạnh.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản quý I chỉ đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022...

Trong đó, thủy sản quý I đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022; xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%.

Trước những khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp ngành gỗ và thủy sản vẫn chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với ngành gỗ là đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Dù vậy, để giúp cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vượt qua được những khó khăn, Hiệp hội Gỗ đề nghị được hỗ trợ thêm các chính sách về thuế, kinh phí xúc tiến thương mại...Còn ngành thủy sản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông-ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu với gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch. 

Link gốc Báo Đầu tư


BỐI CẢNH NHIỀU KHÓ KHĂN BUỘC CÁC DOANH NGHIỆP CẦN QUAN TÂM HƠN TỚI HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀ TÀI CHÍNH CỦA MÌNH. ĐỂ TÌM HIỂU THÊM VỀ QUẢN TRỊ VỐN DOANH NGHIỆPVUI LÒNG THAM KHẢO TÀI LIỆU

ĐỂ TÌM HIỂU SÂU HƠN VỀ TÌNH HÌNH VÀ XU HƯỚNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA, PHÂN TÍCH SÂU MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH HÀNG, VUI LÒNG THAM KHẢO TÀI LIỆU
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 6
Số người truy cập: 4.375.528
Chung nhan Tin Nhiem Mang