Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 14 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Giải pháp nào thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong ngành logistics

10/01/2025 08:58

Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

--------------

Chiều 9/1/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Thương mại số tại Việt Nam (VDT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học và các tổ chức liên quan, nhằm tạo ra một diễn đàn quan trọng để các bên chia sẻ ý kiến, hợp tác và cùng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Chuyển đổi số trong logistics mang lại nhiều lợi ích và cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất xã hội, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Cùng với tiến trình hội nhập, sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư cũng như việc thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ngành logistics Việt Nam cũng đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/139 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 - 16%/năm với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh công thức cùng 3 từ khóa quan trọng, đó là: "Áp lực của thị trường + Nỗ lực của bản thân doanh nghiệp = Động lực cho chúng ta bước vào năm 2025 với những tự tin để đóng góp cho sự phát triển hơn nữa của ngành logistics".

Nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics tăng lên, tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn hạn chế

“Thương mại số tại Việt Nam” là một dự án hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công Thương Việt Nam nhằm góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại số của Việt Nam đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp hai nước, đồng thời nâng cao năng lực trong công tác xây dựng khung chính sách và pháp luật về thương mại số.

Hoạt động này hướng đến việc đánh giá thực trạng chuyển đổi số của ngành logistics Việt Nam thông qua các khảo sát trực tiếp được tiến hành với các nhóm doanh nghiệp logistics từ đó đưa ra được những kết luận chung nhất về hiện trạng chuyển đổi số, làm cơ sở cho những khuyến nghị, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về các giải pháp hỗ trợ ngành logistics có những bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong tương lai.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID đã giới thiệu về Dự thảo Báo cáo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam - Thực trạng và khuyến nghị" do Nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế của Dự án thực hiện nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các nhóm ngành dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải và giao hàng chặng cuối tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể.

Trên cơ sở khảo sát thực tiễn ứng dụng chuyển đổi số của các trường hợp điển hình thuộc 4 nhóm doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp kho bãi, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp thương mại điện tử, Báo cáo nhận định với quy mô thị trường lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong ngành logisitic.

Khảo sát cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics tương đối cao. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số.

Nguồn vốn hạn chế, sự đầu tư nguồn lực, ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số còn hạn chế và thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có sự khác biệt giữa các nhóm ngành và loại hình doanh nghiệp; các doanh nghiệp FDI và nhóm giao hàng chặng cuối có mức độ chuyển đổi số cao hơn nhờ lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quốc tế, và áp lực thị trường.

Ví dụ, khảo sát nhóm doanh nghiệp cảng cho thấy, mức độ chuyển đổi số tương đối cao: 67% doanh nghiệp được khảo sát áp dụng chuyển đổi số tổng thể, 50% kết nối khách hàng và nhà cung cấp; áp dụng phần mềm cảng thông minh ePort & các phần mềm chức năng; 67% doanh nghiệp được khảo sát dành ngân sách 1-5 tỷ đồng/năm cho chuyển đổi số; việc áp dụng chuyển đổi số giúp giảm chi phí, quản trị hiệu quả, tăng sự hài lòng, tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong quản lý rủi ro và an toàn thông tin, thiếu quy trình đồng bộ, khung pháp lý chưa thuận tiện, môi trường hoạt động còn chưa đồng nhất. 

Báo cáo cũng chia sẻ các thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics từ một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia và Đức.

Khuyến nghị để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam

Trên cơ sở phân tích các khó khăn, rào cản cũng như những bài học thành công, Nhóm nghiên cứu đưa ra các đề xuất về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam dựa trên các các trụ cột chính: Nhận thức, nguồn lực và cách làm. Trong đó nhấn mạnh những giải pháp hướng đến các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp logistics, Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thương mại.

Ở góc độ vĩ mô, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp giúp tạo thể chế, môi trường và nguồn lực từ thị trường thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các đề xuất giải pháp này hướng đến vai trò của các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội logistics, hiệp hội ngành hàng.

Nhóm chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần ban hành chiến lược quốc gia về phát triển ngành dịch vụ logistics, trong đó tích hợp các mục tiêu và phương án chuyển đổi số trong logistics; thành lập một Cơ quan đầu mối quốc gia để triển khai chiến lược này; Hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử, vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số; tích hợp các chức năng về giám sát mạng lưới, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Ban hành cơ chế hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi cho các dự án chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics; thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tiên phong trong triển khai chuyển đổi số và kết nối các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị. Đưa các kỹ năng số vào chương trình đào tạo về chuyên ngành logistics; chú trọng phát triển đào tạo nghề nghiệp cho các vị trí trực tiếp trong ngành song song với đào tạo bậc đại học...

“Báo cáo của Dự án và ý kiến từ hội thảo là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi có những quyết sách kịp thời nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics, đồng thời nâng cao nhận thức và hành động từ các bên liên quan trong việc áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế”

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Phiên thảo luận tại Hội thảo với sự tham gia của đại diện từ các hiệp hội, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics đã tập trung trao đổi, thảo luận về các khía cạnh quan trọng của chuyển đổi số trong ngành logistics, bao gồm đánh giá quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam và trong các lĩnh vực như vận tải, kho bãi, và giao hàng chặng cuối; vai trò của hải quan trong cải thiện chu trình lưu chuyển hàng hóa, các thành tựu trong ngành cảng biển và tiềm năng xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa khu vực cùng với tầm quan trọng của cửa khẩu số....

Đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cũng thảo luận, chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương, đối tác có liên quan về những ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong việc phát triển ngành logistics hiện đại, bền vững; tập trung thảo luận, thống nhất kiến nghị với cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng về một số chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong logistics, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ, góp phần từng bước đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Ngoài ra, các chuyên gia nêu rõ những thách thức như thiếu vốn, nhân lực, và đề xuất giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Vai trò quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong logistics cho thương mại điện tử cũng được đề cập, mang lại góc nhìn toàn diện về chiến lược chuyển đổi số.

Những thông tin được chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo nhấn mạnh, chuyển đổi số là con đường tất yếu để ngành logistics Việt Nam nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước.

Việt Hằng (link gốc)

THÔNG TIN THAM KHẢO VỀ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH HÀNG, LOGISTICS

(1) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(2) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, dịch vụ vận tải, ga, cảng, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(3) Thị trường logistics chuỗi lạnh thế giới và Việt Nam: Đặc điểm và triển vọng (bản công bố vào năm 2024, tập trung vào dịch vụ kho lạnh và vận tải lạnh), vui lòng tải TẠI ĐÂY 

(4) Nghiên cứu thị trường: Cập nhật chính sách, quy định và các xu hướng mới tác động đến giao thương với thị trường Trung Quốc (giai đoạn 2019-2024 và dự báo), vui lòng xem TẠI ĐÂY

(5) Phân tích các lợi thế và định hướng phát triển ngành giao nhận, chuyển phát nhanh của Trung Quốc năm 2024, kinh nghiệm và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 20
Số người truy cập: 6.345.905
Chung nhan Tin Nhiem Mang