Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ tư, ngày 15 tháng 5 năm 2024
Vietnamese English

Ứng dụng CNTT và tự động hóa trong logistics

25/10/2017 22:41
Báo cáo này tổng hợp ngắn gọn các ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng hiện nay trên thế giới, các ứng dụng nổi bật và xu hướng đang diễn ra; đánh giá những lợi ích mà nó mang lại, từ đó có những khuyến cáo cho doanh nghiệp logistics và chủ hàng Việt Nam tham khảo, nghiên cứu các khả năng ứng dụng trong công việc hiện tại và tương lai.
Phần 1 nói về các ứng dụng mới trong dịch vụ logistics đơn lẻ hay tích hợp bao gồm vận tải, kho bãi, phân phối, giao hàng và cả về cách thức tổ chức vị trí làm việc cho người lao động trong điều kiện ứng dụng công nghệ. 
Phần 2 trình bày một số lợi ích, giải thích tại sao cần ứng dụng công nghệ như làm cho dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn.
Phần 3 nêu 15 xu hướng/ứng dụng mới và 4 xu hướng tương lai, là những điển hình có dấu ấn khác biệt và có thể thực sự là xu hướng đột phá trong tương lai gần.
Cuối cùng Phần 4 nêu một số khuyến nghị với các doanh nghiệp. 
Trong điều kiện có hạn về kiến thức và kinh nghiệm, người viết tin rằng không tránh khỏi có những thiếu sót, rất mong các chuyên gia, đồng nghiệp đóng góp thêm để hội thảo có nhiều thông tin bổ ích.
1. Công nghệ ứng dụng ở những khâu nào?
- Trucking/ Vận tải đường bộ
Xe tự động/ không người lái - Công nghệ này sử dụng hệ thống radar, laze và camera để phát hiện những vất thể trên đường và giúp nó hiểu nên phải làm gì. Hiện hệ thống vẫn cần cải thiện để giúp xe không người lái vận hành trong mọi tình trạng thời tiết và các tình huống có thể xảy ra trên đường. Trước mắt, loại xe tải này vẫn cần tài xế cho việc xếp dỡ hàng và giải quyết những vấn đề xảy ra trên lộ trình.
Sàn giao dịch vận tải - Sàn giao dịch giúp kết nối xe tải với người gửi hàng, kết nối cung (xe tải nhàn rỗi) và cầu (chủ hàng có hàng cần gửi), giúp tận dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí.
Hệ thống định tuyến (Route Planning) - Những phần mềm lập kế hoạch cho đường xe chạy, theo dõi lượng hàng trên xe. Phần mềm giúp tìm ra hành trình xe chạy ngắn nhất và hiệu quả nhất, tránh tiêu tốn năng lượng và nhiên liệu.
- Warehousing/ Kho hàng
Công nghệ soạn (lấy) hàng
+ Thương mại điện tử (TMĐT) đã tạo một cuộc cách mạng trong việc mua sắm, trở thành một trong các “sự bình thường mới”. Các đơn hàng do đó ngày càng nhỏ và số lượng rất nhiều. Do sự phức tạp của việc lấy hàng cho đơn hàng TMĐT như vậy, người bán lẻ cần thuê một lượng lớn nhân công để thực hiện. Việc lấy hàng thủ công/bằng tay như một điểm thắt nút cổ chai, tăng chi phí mà không tạo thêm giá trị gia tăng và do đó là đối tượng của tự động hóa. Từ đó có thể thấy ứng dụng robot trong kho hàng tăng lên cùng tốc độ của TMĐT, giúp các công ty chuẩn bị đơn hàng chính xác hơn, nhanh hơn, giảm tỉ lệ hư hỏng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ tới người tiêu dùng.
+ Tự động hóa đã được thiết lập ở nhiều trung tâm phân phối nhưng phần lớn chỉ giới hạn ở tự động hóa quy trình công việc bằng hệ thống quản lý kho (WMS). Dù hệ thống này đã chứng tỏ giúp kho hàng hoạt động hiệu quả, nhưng tự động hóa toàn bộ là việc có thể xây dựng những kho hàng được tự động hóa và thiết kế có chủ đích (purpose-designed automated warehouses). Ngày càng nhiều nhà cung cấp giới thiệu sản phẩm robot cho kho hàng, mà giải pháp robot này không cần phải thay đổi quá nhiều cấu trúc hiện tại của kho hàng.
+ Có nhiều loại Robot, có thể là loại Tự động Cất trữ và lấy hàng (ASRS), Xe robot lấy hàng (Robotic forklift trucks), hay Bultler (Part-to-Picker),… chi tiết được nêu ở phần 3.
- Khâu Thực hiện đơn hàng/Giao hàng chặng cuối (last-mile delivery)
Giao hàng chặng cuối tốn chiếm tới 30-40% tổng chi phí giao hàng. Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp logistics đang tìm cách tăng tính hiệu quả của giai đoạn này, từ những giải pháp như tận dụng nguồn lực xã hội, những “tủ khóa thông minh” mà tại đó khách hàng có thể tự lấy đơn hàng của mình, đến những giải pháp công nghệ cao như máy bay drone.
- Khâu tổ chức công việc: Làm việc “di động” trong ngành Logistics
Việc tiếp cận trực tuyến với dữ liệu, mà ngày càng được lưu trữ đám mây, và các phần mềm (phần mềm lên kế hoạch, ứng dụng WMS,…) trở nên dễ dàng hơn, khiến nhân viên không cần phải ngồi tại văn phòng trung tâm mà vẫn có thể thực hiện công việc tại nhà. Như vậy đầu tư vào bất động sản trong tương lai có thể sẽ nhắm tới việc lưu trữ hàng/kho hàng hơn là không gian cho văn phòng.

2. Những lợi ích của ứng dụng công nghệ?
- Giảm chi phí:
+ Giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động
Việc áp dụng tự động hóa trong việc soạn hàng hay hệ thống robot trong kho hàng sẽ giảm số lượng người lao động, đồng thời tạo sự quy chuẩn trong công việc, giảm sai sót hay hư hỏng hàng hóa, rút ngắn thời gian làm hàng
+ Giảm chi phí vận chuyển:
Việc áp dụng xe không người lái chứng tỏ đây là một cách giảm đáng kể chi phí vận tải. (Tuy nhiên ứng dụng này còn cần vượt qua những vấn đề pháp lý, an toàn và được xã hội chấp nhận) 
+ Giảm chi phí do tận dụng nguồn lực, tránh dư thừa
Những nền tảng công nghệ giúp kết nối người vận chuyển và shipper, đặc biệt ở giai đoạn giao hàng cuối cùng (last mile elivery) như mô hình Uber đang áp dụng, sẽ giúp tận dụng tối đa đội xe, giảm tỉ lệ xe chạy không có hàng, từ đó giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp và phí giao hàng cho khách hàng.
- Tăng năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ
Ngày càng nhiều công ty 3PL coi nền tảng công nghệ như điểm mạnh trong dịch vụ của họ. Platform (nền tảng) còn được coi là nơi làm việc, nhà máy trong tương lai, vì nó cho phép mọi thứ được tích hợp và quy chuẩn hóa, tạo điều kiện cho các bên kết nối dễ dàng (cả nội địa và quốc tế) và chia sẻ thông tin, nguồn lực.
Công nghệ giúp các công ty đưa ra dịch vụ tốt hơn do nâng cấp hệ thống liên lạc và giải quyết vấn đề tốt hơn việc giải quyết mọi thứ bằng tay 
- Tăng tính “on-demand”, giảm dư thừa
Việc sử dụng những phần mềm cùng việc lưu trữ số liệu sẽ giúp công ty giảm việc sản xuất, dự trữ dư thừa để phòng ngừa rủi ro trong mô hình lập kế hoạch chuỗi cung ứng của mình. Điều này sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, vận chuyển, theo dõi hàng hóa, quản trị hệ thống…
- Lưu trữ số liệu phục vụ thống kê, phân tích, dự báo
Những phần mềm logistics giúp lưu trữ dữ liệu, có thể phân tích xu hướng, phát hiện những vấn đề phát sinh, cách sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát hiện những cách tiết kiệm chi phí mà việc thu thập dữ liệu thủ công có thể không phát hiện ra.
- Đồng bộ hóa thông tin
Với những công ty cung cấp nhiều loại dịch vụ, việc đồng bộ hóa các thông tin trên một nền tảng chung sẽ giúp quản lý tốt hơn dòng dịch vụ và dòng hàng, giảm thời gian xử lý, tránh sai lệch, tiết kiệm dung lượng bộ nhớ.

3. Những xu hướng ứng dụng hiện tại và tương lai
3.1 Các ứng dụng nổi bật
1) Robot kho hàng
+ Xu hướng của robot trong kho chủ yếu là để lấy hàng. Đó là những hệ thống mang hàng đến người đóng gói/giao hàng. Điều này đòi hỏi một số lượng đáng kể những kệ hàng và thiết bị vận chuyển được tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên, điểm tạo ra bước ngoặt của robot trong kho hàng sẽ là robot lấy hàng thực sự, khi robot có thể lấy hàng từ những giá kệ thông thường 
+ Amazon có 45 nghìn robot lấy hàng và làm đầy kệ (restocking). Họ có một Bộ phận  riêng về Robot (Kiva systems) vốn là một công ty được mua lại và họ có một cuộc thi robot lấy hàng. Năm 2015, tốc độ tốt nhất là 30 món hàng/giờ (rất chậm so với người). Nhưng đến năm 2016, tốc độ đã tăng 3 lần lên 100 món/giờ. Dù sẽ mất vài năm nữa tốc độ mới bằng con người nhưng tương lai đó là có thể.
+ RightHand Robotics đã phát minh robot nhận diện được những loại sản phẩm khác nhau, điều chỉnh tay cầm và có thể lấy 600 đồ vật/giờ (giống như một nhân viên kho hàng).
+ Có 1 thứ ngăn cản công nghệ kho hàng được áp dụng rộng rãi, chính là giá thành của những công nghệ phần cứng/phần mềm, theo Pavel Shylenok, CTO của R-Style Lab.
2) Xe không người lái
+ Thử nghiệm xe không người lái đầu tiên ở Úc diễn ra ở Adelaide năm 2016 và đã trở thành hiện thực trong ngành mỏ ở Tây Úc được một vài năm.
+ Ford tuyên bố kế hoạch cho xe tự lái. Uber tiến hành thử nghiệm ở Pittesburgh và San Francisco, mua lại startup xe lái tự động OTTO. Google thành lập công ty con Waymo, và Elon Musk (Space-X) viết kế hoạch tổng thế về xe lái tự động. Thử nghiệm đã bắt đầu ở Mỹ, Trung Quốc, Singapore và Thụy Điển.
+ Ở Mỹ, OTTO và Anheiser Bush (hãng bia nổi tiếng) đã vận hành 1 xe chở đầy sản phẩm cuối cùng từ điểm đến điểm và gần như không có tài xế (tài xế ngồi trong cabin nhưng không ngồi ở vị trí lái).
+ Theo Lior Ron, đồng sáng lập OTTO, xe tự lái sẽ giúp người vận hành logisitics giảm chi phí vận chuyến tới 40%/km và giảm tai nạn giao thông có liên quan đến xe tải. (Technology trends in Logistics).
+ Tuy nhiên, giải pháp này cần được hỗ trợ về mặt pháp lý và ủng hộ từ chính phủ trước khi được sử dụng rộng rãi
3) Thực tế tăng cường/ thực tế ảo (augmented reality -AR)
AR là công nghệ tích hợp những thông tin vào như âm thanh, video, đồ họa hoặc dữ liệu GPS từ máy tính tới cái nhìn thực tế của người sử dụng. AR đang nhanh chóng trở thành công nghệ quan trọng, giúp kết nối thế giới thực và ảo. Trong logistics, công nghệ này có thể giúp công nhân nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó thời gian làm hàng được đẩy nhanh hơn.
DHL đã thử nghiệm AR ở Châu Âu và Mỹ bằng cách trang bị cho công nhân kho hàng kính thông minh AR, giúp họ lấy hàng theo đơn hàng, giúp việc lấy hàng nhanh hơn 30%. AR có thể giúp ích cho bất cứ nhân viên nào không ngồi tại bàn làm việc nhưng cần tiếp cận những thông tin cần thiết mà không cần dùng tay. Lợi ích của AR bao gồm hiệu quả cao hơn, giảm thiết sai sót, giảm việc huấn luyện và sử dụng nhân lực tối ưu. Tuy nhiên vẫn có vài vấn đề kỹ thuật như hiệu suất, tuổi thọ pin, kích thước và khối lượng, nhưng các nhà phân tích cho rằng những rào cản kỹ thuật này sẽ được giải quyết trọng một vài năm tới.
4) Giao hàng theo yêu cầu (On-demand delivery)
+ Thành công của Uber đã dẫn đến lượng vốn lớn đầu tư cho những doanh nghiệp Uber-for-X, những nơi sử dụng điện thoại thông minh để kết nối khách hàng với những người cung cấp dịch vụ có nhu cầu gần đó. Trong đó có rất nhiều startup gia nhập thị trường “giao hàng trong ngày”, “giao hàng cùng giờ”. Việc giao hàng nhanh kết hợp sự tiện lợi của việc đặt hàng bất cứ đâu và sự sẵn có hàng hóa ở những cửa hàng bán lẻ truyền thống. Sự tiện lợi và giao hàng cùng ngày chi phí thấp là mô hình bán lẻ tương lai và dần dần được khách hàng đón nhận. Xu hướng giao hàng nhanh cùng sự gia tăng tiêu dùng theo yêu cầu đã dẫn tới những vụ góp vốn lớn cho các startup về giao hàng. 
+ Công nghệ giao hàng theo yêu cầu sẽ được các công ty áp dụng vì cần phải đổi mới nhanh chóng và tăng tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng.
5) Giao hàng bằng máy bay Drone và droid: 
Amazon và Walmart bắt đầu thử nghiệm máy bay drone để theo dõi hàng tồn và giao những bưu kiện nhỏ và giao hàng trong cửa hàng (in-store delivery). Thị trường của thiết bị thông mình này được dự đoán sẽ tăng trưởng với tỉ lệ tích lũy theo năm là 20,7%, đạt 22.15 tỉ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, droid là robot giao hàng nhỏ có thể đi trên lề đường/vỉa hè có tiềm năng nhất với công ty logistics, bán lẻ và TMĐT. Những giải pháp giao hàng có robot hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề giao hàng chặng cuối vốn chiếm tới 30-40% tổng chi phí giao hàng và giảm chi phí giao hàng thực tế.
6) Cần nắm rõ về Logistics cho TMĐT
Mua sắm trên mạng ngày càng đóng tỉ trọng lớn trong ngành bán lẻ. Giao hàng ngày hôm sau hoặc giao hàng trong ngày ngày càng phổ biến, ngày càng nhiều lựa chọn cho thời hạn giao hàng.
Các nhà bán lẻ sẽ ngày càng mở rộng mạng lưới phân phối và cơ sở làm hàng gần khu vực đông dân cư. Những hiểu biết của doanh nghiệp và công nghệ vận tải sẽ giúp doanh nghiệp logistics và nhà bán lẻ cắt giảm giá thành như sự tiêu hao năng lượng hay xác định tuyến đường (routing) không hiệu quả. Nhiều nhà bán lẻ đã thiết lập mạng lưới giao hàng TMĐT của mình. Sự chuẩn bị cho xu hướng mới và cải tiến nhiều mặt sẽ giúp nhà bán lẻ và các doanh nghiệp nắm giữ và mở rộng thị phần của mình. 
7) Cuộc chạy đua trong giao hàng chặng cuối
+ Nền tảng công nghệ “kiểu Uber” cho hoạt động giao hàng chặng cuối mà sử dụng nguồn lực từ cộng đồng (crowd-sourced). Vận chuyển bằng nguồn lực này cực kỳ có ích với việc giao hàng khối lượng nhỏ mà có thể vận chuyển bằng xe hai bánh hoặc lớn hơn.
+ Giao hàng bằng máy bay Drone: Theo Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), drone hay còn gọi là unmanned aerial vehicle (UAV) là máy bay không người lái. "Nó có thể có nhiều hình dạng, kích thước và phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Chúng có thể có sải cánh rộng như một máy bay phản lực hay chỉ nhỏ như một chiếc máy bay mô hình điều khiển bằng sóng radio”.
8) Phân tích dự báo:
Những giải pháp pân tích dự báo sẽ trở thành xu hướng công nghệ lớn nhất trong vận tải và logistics và sẽ không chỉ giới hạn trong việc thiết lập đường xe, tránh việc tiêu tốn nhiên liệu và phát triển các ứng dụng web 
9) Những nên tảng giao hàng “kiểu Uber”:
Amazon được mong đợi sẽ phát hành một ứng dụng giống Uber, kết nối những người lái xe tải và người gửi hàng, loại bỏ bên thứ 3 yêu cầu mức phí cao. Công ty này cũng thử nghiệm logistics với nguồn lực cộng đồng (crow-sourced) và phương thức “giao hàng mong đợi” (giao hàng trước khi đặt hàng) dựa vào hoạt động mua hàng trước đó của khách hàng. Công ty vận tải đường bộ Mỹ P&S Transportation đã phác thảo công cụ BI giúp phân tích doanh thu trên hàng hóa vận chuyển, giúp xác định những khách hàng tiềm năng nhất và những cơ hội kinh doanh mới.
10) Hợp tác với công ty, startup công nghệ
Ngày càng nhiều sự hợp tác giữa những công ty lớn, lâu đời với công ty công nghệ. Năm 2016, Unilever đã hợp tác với startup Convoy – một doanh nghiệp vận chuyển theo yêu cầu (on-demand freight business). Đây là mỗi quan hệ cả hai bên cùng có lợi, công ty công nghệ có nguồn khách hàng ổn định, công ty sản xuất tận dụng được cách suy nghĩ và vận hành mới mẻ, tiến bộ và tăng hiệu quả công việc. Xu hướng này ngày càng được thúc đẩy bởi sự cấp thiết phải đổi mới chuỗi cung ứng. 
11) “Cải tiến hay là chết” đã trở thành sự thật
Những gì có tác dụng trong quá khứ sẽ không còn tác dụng trong tương lai, việc có những suy nghĩ khác bình thường sẽ trở thành điểm nổi bật cho các công ty thành công. Các công ty sẽ buộc phải đánh giá chuỗi cung ứng của mình và tìm ra những quy trình lỗi thời và kém hiệu quả.
Các doanh nghiệp tập trung chuyển đổi sự hiệu quả, tính minh bạch và đối mặt với rủi ro sẽ có lợi. Sự tiết kiệm có thể đo được qua việc giảm thiểu độ trễ của đường xe (routing delay) và phản ứng nhanh hơn với những xu hướng đang thay đổi.
12) Doanh nghiệp nước ngoài ngày càng chịu sức áp giảm thời gian giao hàng
Khách hàng càng mong đợi giao hàng nhanh thì nhà bán lẻ càng tạo áp lực cho nhà cung cấp nước ngoài giao hàng nhanh. Hàng hóa được sản xuất theo yêu cầu ở nước ngoài và được giao nhanh cho khách hàng sẽ ngày càng phổ biến hơn
13) Chiến lược vận tải đa phương thức hỗ trợ doanh nghiệp TMĐT
Người gửi hàng được hỗ trợ bởi công nghệ và các thiết bị quản lý vận tải đang ngày càng thông minh hơn trong việc sử dụng những giải pháp vận tải đa phương thức để tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển, tối đa hóa lợi nhuận trên doanh thu. 
14) Thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tăng và các cửa hàng thực tế sẽ giảm 
Các cửa hàng thực tế đóng cửa vì TMĐT và mua sắm online, trong khi đó khu vực bất động sản công nghiệp đang tăng – tỉ lệ không gian sử dụng trong kho hàng luôn ở mức cao. Các tòa nhà với cửa hàng bán lẻ sẽ trở thành những kho hàng. Việc này giúp công ty tối ưu hóa tài sản hiện có và đưa sản phẩm gần hơn với người tiêu dùng và giao hàng nhanh hơn. 
15) Tự động hóa sẽ làm giảm nhân lực trong ngành logistics
Việc sử dụng robot để xếp dỡ và giao hàng sẽ ngày càng tăng. Tự động hóa sẽ giúp doanh nghiệp giao hàng nhanh hơn, rẻ hơn với sự chính xác cao hơn, nhưng cũng dần giảm nhu cầu công nhân kho hàng. 
3.2 Xu hướng tương lai
1) Internet vạn vật (Internet of Things – IoT)
Với việc ngành logistics ngày càng tập trung vào việc nâng cao hiệu quả cùng những ứng dụng công nghệ khiến thông tin được số hóa và lưu trữ ngày càng nhiều, ngành logistics hiện đã trở thành một ngành cập trung vào dữ liệu (Data-centric Industry). 
IoT chủ yếu giúp việc kết nối giữa máy móc với hau và cải thiện hiệu quả giao hàng, nhưng IoT được mong đợi sẽ đóng vai trò lớn hơn trong ngành logistics và gia tăng tốc độ, giảm thiểu lãng phí và giảm chi phí tổng thế. Người ta tin rằng IoT sẽ có thể kết nối với các công nghệ mới như AIDC (AIDC (Automatic Identification and Data Capture,) RFID (Radio Frequency Identification,) hay Bluetooth để nhận diện những yếu tố cần thay đổi theo nhu cầu của công ty và khách hàng.
2) Big Data tác động tới việc lập kế hoạch và tốc độ chuỗi cung ứng
Với những công cụ tốt hơn và có nhiều dữ liệu hơn ở những điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng, các công ty có thể giảm những “phầm đệm” (để phòng ngừa rủi ro) mà thường có trong mô hình lập kế hoạch chuỗi cung ứng. Điều này có nghĩa là giảm sự dư thừa, giảm số lượng sản phẩm và quản lý tốt hơn việc giao hàng theo dự kiến.
3) Phân phối đa kênh (Omni-channel) tăng lên
Phân phối đa kênh là cách tiếp cận đa kênh giúp cung cấp trải nghiệm mua sắm thông suốt cho khách hàng, dù khách hàng ma sắm online trên điện thoại hay máy tính, qua điện thoại hay cửa hàng thực tế. Trải nghiệm của khách hàng của phân phối đa kênh có sự tích hợp giữa các kênh, ví dụ, đại diện chăm sóc khách hàng tại cửa hàng có thể tham khảo ngay lập tức lần mua trước của khách hàng cũng như đại diện chăm sóc khách hàng qua điện thoại hay webchat. Hoặc người dùng trên máy tính có thể kiểm tra hàng tồn tại cửa hàng trên website công ty và mua hàng qua điện thoại hoặc qua địa điểm đã chọn sẵn.
- Uber đã cho thấy tiềm năng của xe tải không người lái, nhưng mục tiêu dài hạn của Uber là tạo ra một mạng lưới kết nối vận tải số (digital freight matching (DFM) network), làm thay đổi cách chủ hàng kết nối với người chuyên chở (và cách nhà cung cấp dịch vụ logistics thực hiện công việc của mình). Hiện tại DFM sẽ giúp những chủ hàng quy mô nhỏ, nhưng quan trọng hơn, DFM sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp này đổi mới và phát triển phần mềm quản lý giao thông TMS tân tiến hơn, cũng như thử thách các nhà cung cấp dịch vụ đa dạng hóa dịch vụ của mình.
4) Chuỗi cung ứng và trách nhiệm xã hội
Trách nhiệm xã hội hay được biết đến như sự phát triển bền vững, giảm lượng khí thải carbon, tăng sự minh bạch chuổi cung ứng…
Nhiều công ty thừa nhận rằng họ bắt đầu làm CSR vì áp lực từ chính quyền và quan điểm của cộng đồng. Tuy nhiên CSR ngày càng được nhìn nhận là cách để tăng doanh thu, giữ khách hàng và nhân viên và tạo sự thu hút thương hiệu. Ngày càng nhiều doanh nghiệp logistics và chuỗi cung ứng sẽ kết hợp CSR vào chiến lược kinh doanh của họ.

4. Khuyến nghị cho các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ
- Luôn cập nhật các xu hướng mới về logistics đặc biệt là các công nghệ mới được áp dụng trong ngành này.
- Luôn nghĩ đến việc nâng cao năng suất và hiệu quả dịch vụ, cũng như hướng tới phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng. Không ngại việc áp dụng công nghệ mới trong các khâu của doanh nghiệp.
- Phối hợp giữa các công ty cung cấp dịch vụ, các công ty công nghệ để áp dụng công nghệ mới.
- Nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn và kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ trong chiến lược phát triển. Ưu tiên việc nghiên cứu và có quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ.
- Khi áp dụng cần biết đặc điểm của công ty (điểm mạnh và điểm yếu), và xem nó phù hợp hay không, hiệu quả thực tế như thế nào. Hai bên (nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng) nên cùng hợp tác để tìm ra giải pháp. 
                                                                                                                                                                                                                                                       

Tổng hợp bởi VITIC từ các bài giảng của Kỹ sư Trần Chí Dũng

Nguồn tham khảo:
1. 6 Key Supply Chain and Logistics Trends to Watch in 2017
2. Erik Malin, Four Trends that Will Shape Supply Chain and Logistics in 2017
3. John Mabe, Logistics Technology Trends That Will Dominate 2017
4. Andrei Klubnikin, Technology Trends in the Logistics Industry
5. Flexe.com, The Future of Logistics - 20 Trends to Follow in 2017
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 3
Số người truy cập: 4.429.551
Chung nhan Tin Nhiem Mang