Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024
Vietnamese English

Cơ hội và rủi ro, thách thức cho xuất khẩu năm 2018

24/04/2018 08:27

Sáng 23/4/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ công Thương Trần Tuấn Anh cùng điều hành Hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành địa phương các chuyên gia kinh tế, đại diện Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước.

Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã có những phân tích đánh giá về tình hình xuất khẩu năm 2017 và các cơ hội, rủi ro thách thức cho xuất khẩu trong năm 2018 như sau: 

1.
Cơ hội cho xuất khẩu

- Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan. Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ được dự báo ước đạt 2,7% dù Cục Dự trữ Liên bang có xu hướng thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Trung Quốc thực thi chiến lược cải cách kinh tế với mục tiêu cắt giảm sản lượng công nghiệp, làm sạch môi trường, giảm tình trạng đầu cơ và kiềm chế tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ có tác động tích cực lên nguồn cung toàn cầu, giúp tăng giá hàng hóa xuất khẩu. Tại Liên minh châu Âu (EU), mặc dù tiềm ẩn rủi ro sau sự kiện Brexit và dư âm từ làn sóng di cư, các nền kinh tế Đức, Ý, Hà Lan được dự báo tăng trưởng cao với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

- Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng của ta.

- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.

- Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Bức tranh kinh tế Quý I có nhiều điểm sáng với GDP đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua; khu vực công nghiệp và nông nghiệp đều có kết quả tích cực; tăng trưởng tín dụng và vốn FDI đạt mức cao; lạm phát được kiểm soát; tất cả đều đã và đang tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho sản xuất nói chung và xuất khẩu nói riêng.

2. Rủi ro, thách thức cho xuất khẩu

- Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Hoa Kỳ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Hoa Kỳ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được Hoa Kỳ công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" vào tôn xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức. Một số nước khác thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước như Indonesia chỉ cho phép nhập khẩu điện thoại thông minh nếu công ty làm ra điện thoại đó cũng có cơ sở sản xuất ở Indonesia, hay Ấn Độ cấm nhập khẩu hạt tiêu nếu giá bán vào Ấn Độ thấp hơn một mức giá tối thiểu do Chính phủ nước này đặt ra.

- Nhận thức của người dân cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc v..v.

- Giá nông sản đã tăng khá tốt trong năm qua nên khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhờ yếu tố giá không còn nhiều.

Theo Bộ Công Thương/ Thông tin tại 
Hội nghị Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 2
Số người truy cập: 4.372.488
Chung nhan Tin Nhiem Mang