Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Doanh nghiệp thép với bài toán kinh doanh cuối năm

22/08/2023 08:01

Tiếp tục gồng mình bù lỗ

Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong nửa đầu năm 2023 không có nhiều tươi sáng khi lợi nhuận đi xuống và đa số doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục gồng mình bù lỗ.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, báo cáo tài chính của Tập đoàn Hòa Phát cho biết, doanh thu đạt 56.665 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP ghi nhận lỗ ròng 284,3 tỷ đồng trong quý 2/2023 và lỗ 216,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt lần lượt là lỗ 39,5 tỷ đồng và lãi 155,4 tỷ đồng.

Thua lỗ nặng nhất phải kể đến Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại SMC khi lỗ tới gần 393,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận khoản lãi 125,7 tỷ đồng; riêng quý 2/2023, SMC lỗ tới hơn 414 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS) cũng lỗ kỷ lục 98 tỷ đồng trong quý 2/2023, đánh dấu quý thứ 4 thua lỗ liên tiếp. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty này lỗ sau thuế 117 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) chỉ lãi ròng hơn 14 tỷ đồng trong quý 3/2023 theo niên độ tài chính từ 1/10/2022 đến 30/9/2023, giảm mạnh so với quý 2/2023 lãi 251 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính đều sụt giảm. Lũy kế 9 tháng theo niên độ tài chính, HSG vẫn lỗ ròng 410 tỷ đồng.

Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) vào cuối tháng 5/2023, nhu cầu thép toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023 sau khi giảm 3,2% trong năm 2022. Nhu cầu thép toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng sẽ chậm lại. Còn theo VSA, nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục, điều chỉnh giá bán giảm dần. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều.

Theo số liệu từ VSA, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thép xây dựng đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu đạt 831.000 tấn, giảm 38%. Đại diện VSA nhận định, đây là tình hình khó khăn chung của toàn ngành thép khi giá liên tục giảm từ đầu quý 2 cho tới nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất.

Kỳ vọng từ đầu tư công và mở rộng sản xuất

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, những tháng cuối năm mới là thời điểm “bung hàng” của nhiều doanh nghiệp ngành thép khi hoạt động đầu tư công, xây dựng các công trình diễn ra mạnh mẽ trên cả nước. Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng kế hoạch năm 2023 tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 35,17% kế hoạch. Trong khi đó, mục tiêu mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đặt ra là phải giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2023. Vì thế, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp ngành thép có cơ hội phục hồi.

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Vì thế, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi để ngành thép trong nước tăng trưởng. Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý 4/2023 bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng thị trường bất động sản dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2023. Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, thời gian tới, thị trường thép vẫn còn khó khăn nên Tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh tại đơn vị mình nhằm kiểm soát tình hình, khắc phục và từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch được giao, đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tranh thủ cơ hội khi thị trường phục hồi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành thép cũng phải nỗ lực tăng thu từ các lĩnh vực bổ trợ. Đơn cử, Tập đoàn Hòa Phát cho biết đang dồn lực triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Ngoài ra, Hòa Phát sẽ tối ưu hóa quản trị sản xuất, mở rộng thị trường nhằm sớm đạt công suất thiết kế sản phẩm container giai đoạn 1, tận dụng cơ hội từ thị trường logistics cho Công ty Cổ phần Sản xuất container Hòa Phát. Đầu tháng 8 vừa qua, Công ty này đã xuất khẩu lô hàng 100 container loại 20 feet cho đối tác nước ngoài.

Link gốc

THAM KHẢO: THÔNG TIN, SỐ LIỆU, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO VỀ NGÀNH THÉP, TẠI ĐÂY

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 16
Số người truy cập: 6.013.775
Chung nhan Tin Nhiem Mang