Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Phòng tránh nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản trong giao thương quốc tế

17/08/2023 09:27
Theo tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường, với những hợp đồng lớn, các doanh nghiệp nên phối hợp với Thương vụ để có được sự hỗ trợ để xác định tính pháp lý của doanh nghiệp và xử lý nhanh những vấn đề phát sinh.

Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khẳng định luôn ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác định, tìm hiểu thông tin và đánh giá tiềm năng của đối tác để tạo điều kiện thúc đẩy giao thương giữa hai nước, tránh những rủi ro không đáng có.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường cho rằng gian lận và lừa đảo thương mại là những vụ việc thường xuyên xảy ra trong giao thương quốc tế do bên mua và bên bán không giao dịch trực tiếp mà chỉ thông qua thư điện tử hay trao đổi qua điện thoại. Do vậy người bán không xác định được chính xác thông tin cần thiết và minh bạch, trong khi đối tượng lừa đảo đã chuẩn bị rất kỹ những thông tin, tài liệu, hình ảnh thuyết phục để tạo lòng tin với đối tác, khiến người bán rất dễ bị nhầm lẫn và lúng túng.



Tham tán Lê Phú Cường cho biết lừa đảo trong giao thương để chiếm đoạt tài sản thường xảy ra hơn so với các vụ gian lận thương mại.

Trong bối cảnh giao thương quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, các doanh nghiệp cần trang bị những kỹ năng cần thiết để tránh bị thiệt hại.

Theo ông, với những hợp đồng lớn, các doanh nghiệp nên phối hợp với Thương vụ để có được sự hỗ trợ từ phía địa bàn trong các khâu như gặp trực tiếp đối tác, xác định tính pháp lý của doanh nghiệp và xử lý nhanh những vấn đề phát sinh, do Thương vụ có thể thuận lợi hơn doanh nghiệp trong việc nhanh chóng xác định được tên, địa chỉ của đối tác nước ngoài cũng như mã số kinh doanh của họ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể tra cứu trước địa chỉ của đối tác thông qua Google Map để xác định địa chỉ có tồn tại hay không. Bên cạnh đó, cần kiểm tra website của doanh nghiệp để xác định những thông tin có trùng khớp hay không, đặc biệt là lưu ý số điện thoại cố định và những giấy tờ có dấu của doanh nghiệp.

Ông Cường lưu ý, tại Malaysia, tên doanh nghiệp thường đi cùng với loại hình doanh nghiệp. Ví dụ, sau tên công ty có cụm từ Bhd là công ty, Sdn là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Những doanh nghiệp trao đổi bằng số điện thoại di động thường không đáng tin cậy do đó nên sử dụng cuộc gọi video trực tuyến (video call) để nhận diện đối tác.

Cũng theo Tham tán Lê Phú Cường, để xác định năng lực tài chính của doanh nghiệp đối tác, Thương vụ thường phải trả phí để các cơ quan chức năng Malaysia cung cấp thông tin.

Đối với khâu thanh toán, ông lưu ý doanh nghiệp cần tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn; nên sử dụng các hình thức thanh toán có độ an toàn cao hơn như thư tín dụng không thể hủy ngang.

Gọi trực tiếp trước khi chuyển tiền và đề nghị có sự xác nhận trực tiếp của doanh nghiệp. Địa chỉ nhận tiền phải là tên doanh nghiệp không phải là tên cá nhân.

Trong khi đó, Luật sư Kinh tế Matthew Yeoh khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với một số đối tác ở Malaysia thực hiện một số bước thẩm định, hợp tác với các công ty có uy tín hoặc thâm niên.

Bước này thường sẽ phải trả phí. Thông thường, các chính phủ đều có Đại sứ quán hay Văn phòng đại diện thương mại tại các nước, do vậy doanh nghiệp có thể kiểm tra thông qua các cơ quan này.

Trong khi đó, theo Luật sư Yeoh, Malaysia có các Phòng Thương mại và một số hiệp hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham gia. Do đó các doanh nghiệp không nên vội vàng và cần phải trực tiếp đến Malaysia để tìm hiểu môi trường kinh doanh, cách thức hoạt động của doanh nghiệp ở Malaysia; tham gia một số sự kiện có sự góp mặt của các doanh nhân Malaysia.

Cũng theo ông Yeoh, các doanh nghiệp mong muốn làm việc tại Malaysia nên đến nước sở tại để gặp luật sư, nhân viên kế toán và tư vấn thuế để giúp tiết kiệm chi phí, tránh được nhiều vấn đề rắc rối, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Malaysia có rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các Phòng Thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp. Chuẩn bị một hợp đồng tốt với những điều khoản rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những tranh chấp xảy ra.

Theo luật sư Yeoh, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi bắt đầu hợp tác và giữ mối liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán và Thương vụ để tránh những rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc gian lận thương mại. 


THÔNG TIN THAM KHẢO LĨNH VỰC LOGITICS VÀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI:


(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng..., VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 13
Số người truy cập: 6.014.583
Chung nhan Tin Nhiem Mang