Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Dư địa xuất khẩu rau quả vào 5 thị trường top đầu còn rất lớn

08/08/2023 08:05
Xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay tăng trưởng ấn tượng, dự báo hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới. Bên cạnh đó, dư địa cho ngành này ở những thị trường lớn nhất thế giới còn rất lớn.



Xuất khẩu rau quả chủ yếu tới khu vực châu Á

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 7 tháng qua tăng 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 3,23 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tới khu vực châu Á trong nửa đầu năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 84,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Tuy vậy, trong cơ cấu thị trường nhập khẩu hàng rau quả trên toàn cầu, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất, tiếp đến là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh và Canada. Trong đó, hầu hết các thị trường lớn đều tăng trị giá nhập khẩu hàng rau quả, trừ thị trường Anh và Canada.

EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới, song thị phần của Việt Nam ở thị trường này còn rất thấp. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng trị giá nhập khẩu của EU. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài.

Với thị trường Hoa Kỳ, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 24,1 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam có xu hướng giảm, chiếm 0,6% tổng nhập khẩu, giảm 0,12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trên 46 tỷ USD/năm, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, việc khai thác thị trường này vẫn chưa được như kỳ vọng, do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Hoa Kỳ quá xa nên nếu đưa trái cây tươi vào Hoa Kỳ thì vấn đề công nghệ bảo quản dài ngày phải được ưu tiên hàng đầu. Trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện mới hướng đến đối tượng tiêu dùng là người châu Á, trong đó, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ là chính. Đây là một nguyên nhân khiến trái cây Việt Nam vào Hoa Kỳ chưa nhiều.

Với Trung Quốc, thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới, theo số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Với lợi thế về vị trí địa lý gần với Trung Quốc, việc vận chuyển hàng rau quả tươi của Việt Nam sang thị trường này có chi phí thấp hơn, giữ được độ tươi và chất lượng, nên có khả năng cạnh tranh hơn so với các nguồn cung cấp khác.

Anh và Canada cũng là 2 thị trường nhập khẩu chính hàng rau quả trên toàn thế giới, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam của cả 2 thị trường chỉ chiếm chưa đến 1% tổng trị giá nhập khẩu. Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam khai thác.

Chú trọng sản xuất theo quy trình bền vững

Để rau quả vào được thị trường EU, theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý, người dân EU chỉ tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiện lợi, các sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải và có trách nhiệm xã hội.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các cộng đồng khác vì Hoa Kỳ là quốc gia hợp chúng quốc. Bên cạnh đó, việc thực hiện yêu cầu chiếu sạ với sản phẩm xuất tươi trong khi cơ sở chiếu sạ của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ còn ít, đã làm tăng chi phí vận chuyển. Do đó, cần giải quyết các vấn đề hạ tầng như giao thông, khoa học công nghệ, thương mại điện tử, logicstics, công nghệ giống và bảo quản sau thu hoạch, tìm hiểu thị hiếu khách hàng, quảng bá tiếp thị và xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, với thị trường chủ chốt là Trung Quốc, để gia tăng trị giá xuất khẩu, hàng rau quả của Việt Nam phải có chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững và tuân thủ hệ thống quy định, tiêu chuẩn hiện hành của thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, danh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, có chiến lược về logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng.

THÔNG TIN THAM KHẢO THỊ TRƯỜNG RAU QUẢ VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, SẢN XUẤT, XUẤT NHẬP KHẨU RAU QUẢ, CHI TIẾT ĐẾN TỪNG CHỦNG LOẠI, THỊ TRƯỜNG VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY


 

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 6.015.380
Chung nhan Tin Nhiem Mang