Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 7 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Kích hoạt cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm

23/07/2023 15:15
(Nghiên cứu thị trường dược phẩm và logistics cho ngành dược phẩm Việt Nam: Phiên bản mới nhất năm 2023 TẠI ĐÂY)

Ngành y dược tại Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ vào những lợi thế về vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác lớn trên thế giới đã được ký kết.



Cơ hội thu hút đầu tư

Tại hội thảo “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 20/7 tại Hà Nội, bên cạnh phân tích về Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học và ngành dược phẩm, các đại biểu đã khẳng định, ngành y dược tại Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ vào những lợi thế về vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác lớn trên thế giới đã được ký kết.

Cụ thể, theo ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group (EuroCham), sự ổn định về chính trị khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức cao trong nhiều năm liền cộng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ với nhiều quốc gia trên thế giới… đó là những lợi thế rất lớn để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, y tế.

Không chỉ có nhiều lợi thế thu hút dòng vốn ngoại, ông Tạ Mạnh Hùng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - cho rằng, các chính sách tạo thuận lợi, khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, y tế thời gian qua cũng đã “sẵn sàng”, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực quan trọng này.

Cũng nói về cơ hội thu hút đầu tư vào ngành dược phẩm, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp cận một số tập đoàn dược lớn ở Việt Nam và thấy rằng, họ đang có mong muốn để phát triển một khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành dược. Hiện nay, một số tập đoàn đang manh nha có các ý tưởng đầu tư dự án tương tự.

“Đây là một ý tưởng rất tốt, nếu chúng ta hình thành được các cụm, khu công nghiệp tập trung sản xuất dược phẩm thì đây sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin.

Trên thực tế, thời gian qua Việt Nam cũng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm. Điển hình trong số đó là Viatris - doanh nghiệp đang sở hữu danh mục thuốc biệt dược gốc và thuốc generic đa dạng, phong phú trải rộng trên nhiều lĩnh vực điều trị, nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân gồm tim mạch, giảm đau, tâm thần kinh, sức khỏe nam giới, ung thư, da liễu, sức khỏe nữ giới và Covid-19.

Theo bà Eunice Cho - Giám đốc Quốc gia Viatris Việt Nam, Viatris Việt Nam vừa kỷ niệm 2 năm thành lập với hai văn phòng đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội và một nhà kho tại tỉnh Long An. Qua đó, cho thấy sự mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Viatris và củng cố cam kết của doanh nghiệp với mong muốn trở thành đối tác tin cậy của cộng đồng chăm sóc sức khỏe Việt Nam. Mục tiêu của Viatris là giúp cải thiện khả năng tiếp cận và hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững tại Việt Nam.

"Với nỗ lực không ngừng nghỉ, mục tiêu của chúng tôi là giúp cải thiện khả năng tiếp cận và hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo nguồn cung thuốc chất lượng cao dựa trên sự cân bằng giữa sản xuất toàn cầu, trong khu vực và tại địa phương, cũng như những dự án khác của chúng tôi góp phần vào việc tăng cường chuyên môn và năng lực y tế trong nước” – bà Eunice Cho khẳng định.

Kích hoạt cơ hội bằng nhiều giải pháp

Mặc dù có nhiều cơ hội hút vốn ngoại, nhưng theo ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm, y tế tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê, chỉ chiếm khoảng vài phần trăm tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Về nguyên nhân khiến ngành dược phẩm, y tế chưa hấp dẫn được dòng vốn ngoại, ông Đỗ Văn Sử cho rằng, đây là lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ con người, đòi hỏi cao về sự an toàn, trong khi vốn đầu tư lớn và tỷ lệ thành công thì lại thấp. Hệ sinh thái dược phẩm, y tế tại Việt Nam vẫn chưa mạnh, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại cần một hệ sinh thái có sẵn để giảm chi phí… đó là lý do doanh nghiệp FDI chưa “mặn mà” với lĩnh vực dược phẩm, y tế.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế và các chính sách thu hút đầu tư thiếu ổn định cũng là nguyên nhân kiến doanh nghiệp FDI chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, y tế, bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có những chính sách hấp dẫn nhằm khuyến khích nhà đầu tư ngoại đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Hải Nam- Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội: Dược phẩm, y tế là lĩnh vực yêu cầu nguồn lực đầu tư lớn, lại rủi ro cao, hiện Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút FDI hấp dẫn, nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Đặc biệt, vấn đề cải cách thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế, khiến nhà đầu tư ái ngại khi triển khai dự án, theo đó để thu hút được đầu tư vào lĩnh vực y tế, cần cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn. Đồng thời, y tế là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro, mạo hiểm nên cần được ghi nhận như doanh nghiệp công nghệ cao, được hưởng các chính sách ưu đãi thuế như doanh nghiệp công nghệ cao.

Ông Emin Turan cũng cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế từ việc rút ra bài học kinh nghiệm của các nước đi trước, cùng với sự tiến triển vượt bậc của khoa học – công nghệ để đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống y tế và ngành y dược bền vững. Song để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, "chìa khóa" để hiện thực hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn.

“Dựa trên thế mạnh và kinh nghiệm của ngành dược phẩm phát minh, chúng tôi đề xuất chương trình thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, cũng như đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Việc phát triển ngành phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu và rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới" - ông Emin Turan đề xuất.

Hoà Bình
Link gốc


THÔNG TIN THAM KHẢO
(1) Nghiên cứu thị trường dược phẩm và logistics cho ngành dược phẩm Việt Nam (Phiên bản mới nhất năm 2023) TẠI ĐÂY

(2) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng..., VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
 

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 9
Số người truy cập: 6.307.497
Chung nhan Tin Nhiem Mang