Sữa Việt tăng cơ hội xuất khẩu sang Israel
20/07/2023 07:59
Việc Israel bãi bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với các sản phẩm sữa trong thời hạn 3 tháng, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp sữa của Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, Bộ Tài chính Israel vừa ký lệnh bãi bỏ mức thuế nhập khẩu 40% đối với các loại sản phẩm sữa trong thời hạn 3 tháng, kéo dài từ nay cho đến ngày 09/10/2023, sau khi kỳ nghỉ lễ truyền thống kết thúc.
Đây là một quyết định lịch sử và biện pháp này được thực hiện với sự thận trọng cũng như trách nhiệm cần thiết để loại bỏ tình trạng thiếu sữa trên các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị cũng như tại các cửa hàng bán lẻ mà người dân Israel đang gặp phải trong những tuần gần đây.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Israel: "Việc giảm thuế nhập khẩu còn nhằm mục đích mở cửa thị trường, tăng cường nguồn cung và gia tăng tính cạnh tranh để góp phần làm giảm giá bán mặt hàng này cho người tiêu dùng".
Cùng với đó, theo đề xuất của Bộ trưởng Kinh tế, chính phủ Israel sẽ có kế hoạch tiếp tục thay đổi hệ thống nhập khẩu của Israel để tương thích với các phương thức quản lý và tiêu chuẩn của châu Âu, đồng thời tiến hành cắt giảm thủ tục quan liêu đối với hàng hóa nhập khẩu do Bộ Kinh tế và Công nghiệp cùng với Văn phòng Thủ tướng giám sát thực thi.
Tình trạng thiếu sữa các loại gần đây xảy ra sau khi giá các sản phẩm sữa do chính phủ điều tiết đã tăng hơn 9% trong tháng 5/2023, khi Bộ trưởng Tài chính đạt được thỏa thuận vào phút cuối với các nhà sản xuất sữa của Israel về mức tăng dự kiến 16% sẽ được thực hiện rải ra trong một số năm.
Cuộc kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước Israel cho thấy, giá sữa nguyên liệu ở Israel cao hơn khoảng 24% so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, chênh lệch giá giữa một lít sữa thông thường đối với người tiêu dùng Israel và giá trung bình ở các nước OECD đứng cao ở mức đáng kinh ngạc là 77%.
Thương vụ Việt Nam tại Israel nhận định, những năm gần đây, do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt bơ sữa khiến cho giá cả mặt hàng này tăng cao và Israel phải liên tục điều chỉnh chính sách quản lý bằng cách tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.
Do thói quen và tập quán tiêu dùng, các loại sữa là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao đối với người dân ở Israel, cùng với việc thực hiện giảm thuế nhập khẩu lần này, đây là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa các loại của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt gần 350 triệu USD nhờ hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Nestle Việt Nam, Nutifood, TH...
Đầu năm nay, tại Hội chợ Gulfood Dubai 2023, hội chợ thương mại hàng nông sản, thực phẩm lớn nhất thế giới, Vinamilk đã chốt được nhiều đơn hàng xuất khẩu sữa các loại vào thị trường Trung Đông.
Trung Đông là khu vực khá rộng lớn với nhiều quốc gia với gần nửa tỷ dân. Môi trường kinh doanh của Trung Đông, trong đó có Israel ngày càng được cải thiện nhờ xu thế tăng cường liên kết khu vực nên dư địa mở rộng hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng và đồ uống với khu vực này rất lớn.
Link gốc Báo Đầu tư
THÔNG TIN THAM KHẢO THỊ TRƯỜNG SỮA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, CHI TIẾT THEO CHỦNG LOẠI, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY