Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Một số thông tin về hoạt động thương mại, đầu tư với tỉnh Quảng Đông-TQ

04/05/2023 07:29
1. Tổng quan về thị trường Quảng Đông:

Theo
Thương vụ Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có dân số trên 126 triệu người. GDP của tỉnh Quảng Đông năm 2022 đạt quy mô 12911,8 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 1900 tỷ USD), tăng 1,9%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cùng kỳ đạt 1247,04 tỷ USD, giảm 2,5%. Trong đó xuất khẩu đạt 799,96 tỷ USD, tăng 2,3%. Nhập khẩu đạt 447,08 tỷ USD, giảm 10,2%. Là địa phương thực hiện cải cách mở cửa với thế giới sớm nhất Trung Quốc (TQ) với đặc khu Thâm Quyến nổi tiếng và cảng biển Thâm Quyến ở tầm khu vực và thế giới.

Quảng Đông kết nối thuận lợi với Hongkong và Macao; có đường bờ biển dài khoảng 4000 km. Quảng Đông có nhiều sản vật tương tự như ở Việt Nam như lúa gạo, vải thiều, nhãn, bưởi, chuối, mít, mía, dứa,…. Là tỉnh có quy mô kinh tế và ngoại thương đứng đầu TQ trong nhiều năm, là một trong những trung tâm chế biến chế tạo hàng dệt may, đồ gỗ, vật liệu xây dựng, cơ điện, điện tử, viễn thông, hàng tiêu dùng lớn nhất của TQ. Tỉnh Quảng Đông đang thực thi chiến lược của TQ phát triển khu vực vịnh lớn Quảng Đông – Hongkong – Macao. Quảng Đông cũng có nhiều tiềm năng từ các khu thương mại tự do Hoành Cầm – Tiền Hải – Nam Sa. Lãnh đạo cao nhất của Quảng Đông cũng nhấn mạnh, tỉnh này sẽ đi đầu TQ trong việc thực hiện chiến lược phát triển chất lượng cao, sẽ không phát triển dựa vào đất đai, giá cả, lao động rẻ nữa. Phát triển ngành chế tạo sẽ là trọng tâm của trọng tâm trong thực hiện chiến lược phát triển chất lượng cao.  



Quý 1/2023, GDP tỉnh Quảng Đông đạt 3017,8 tỷ CNY (khoảng 460 tỷ USD), tăng trưởng 4,0%.

Hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam:
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc:

a-/ Kim ngạch XNK Việt Nam – tỉnh Quảng Đông:
    + Năm 2022:
Xuất nhập khẩu: 47,34 tỷ USD, giảm 0,4%, chiếm 20,1% tổng kim ngạch XNK Việt Nam – Trung Quốc trong cùng kỳ, chiếm khoảng 3,8% tổng kim ngạch XNK của Quảng Đông với thế giới và bằng khoảng 21% tổng kim ngạch XNK VN – TQ cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất: 21,46 tỷ USD, giảm 9,2%. Việt Nam nhập: 25,87 tỷ USD, tăng 8,2%.

+ Trong 03 tháng đầu 2023:
Xuất nhập khẩu: 10,2 tỷ USD, giảm 1,9%. Trong đó Việt Nam xuất: 4,57 tỷ USD, giảm 1,9%. Việt Nam nhập: 5,62 tỷ USD, giảm 2,6%.
Nhóm HS84-85 (máy móc, điện khí) xuất đạt 3,74 tỷ USD, giảm 0,26%, chiếm 81,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Quảng Đông trong kỳ. (Linh kiện điện thoại di động HS85177030 xuất khẩu 0,0 USD).
Cùng kỳ, nhóm HS84-85 nhập khẩu từ Quảng Đông đạt 2,63 tỷ USD, giảm 19,1%, chiếm 46,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.  

b-/ Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu Việt Nam – tỉnh Quảng Đông năm 2022:
+ VN xuất khẩu Quảng Đông:
  • Nhóm thủy sản các loại (HS03): 440,28 triệu USD, tăng 50,8%
  • Nhóm rau củ quả và sản phẩm (HS06-14): 549,2 triệu USD, tăng 21,2%
  • Nhóm thực phẩm chế biến (HS16-24): 322,6 triệu USD, tăng 10,3%
  • Nhóm gỗ và sản phẩm gỗ (HS44-46): 232,9 triệu USD, tăng 25,8%
  • Nhóm sản phẩm dệt may (HS50-63): 610,6 triệu USD, giảm 24,1%
  • Nhóm máy móc, điện khí (HS84-85): 17,37 tỷ USD, giảm 11,4%, chiếm tỷ trọng 80,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN sang QĐ trong kỳ. Trong đó nhóm linh kiện điện thoại di động (HS85177030) năm 2021 XK sang Quảng Đông đạt trên 11,4 tỷ USD, năm 2022 không có, là nguyên nhân chính khiến XK của VN sang QĐ giảm sút.
          Một số sản phẩm và nhóm sản phẩm xuất khẩu VN quan tâm nhiều (2022):
          Thóc gạo (HS1006): Kim ngạch 225,76 triệu USD, tăng 4,46%. Số lượng 436628 tấn, tăng 2,45%.
          Thủy sản các loại: 440,28 triệu USD, tăng 50,8%.
          Thanh long tươi (HS08109080): Kim ngạch 122 triệu USD, giảm 17,4%. Số lượng 137420 tấn, giảm 20,5%.
          Chuối (HS08039000): Kim ngạch 25,1 triệu USD, tăng 46%.
          Sầu riêng tươi (HS08106000): Kim ngạch 28,7 triệu USD, tăng 100%.
          + VN nhập khẩu từ Quảng Đông:
  • Nhóm máy móc, điện khí (HS84-85): 13,22 tỷ USD, tăng 1,8%, chiếm tỷ trọng 51,1% tổng kim ngạch VN nhập khẩu từ QĐ trong kỳ. 
Ngoài ra là các nhóm sản phẩm chủ yếu khác như kim loại, chất dẻo, hóa chất, dệt may, giày dép, sản phẩm cơ khí chính xác và quang học, tạp phẩm.

2. Một số vấn đề tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư với Việt Nam:

a-/ Môi trường chung:
+ Trung Quốc nói chung, tỉnh Quảng Đông nói riêng từng bước mở cửa trở lại sau Covid-19, các hoạt động giao thông, đi lại, giao thương với bên ngoài được nối lại nên công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của hiệp hội và doanh nghiệp VN thuận tiện hơn trước.
+ Căng thẳng thương mại Trung – Mỹ và các vấn đề địa chính trị trên thế giới đang khiến một số doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư ra khỏi TQ và sang ASEAN, trong đó có Việt Nam.
+ Quan hệ song phương: VN và tỉnh Quảng Đông có cơ chế họp hợp tác song phương định kỳ do cấp Thứ trưởng Ngoại giao bên VN và cấp Phó Tỉnh trưởng Quảng Đông chủ trì, và một trong những trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Đây hiện là cơ chế cao cấp và hiệu lực để thúc đẩy quan hệ. Thương vụ khuyến nghị các bộ ngành, địa phương Việt Nam tranh thủ thông qua cơ chế này để nêu và thúc đẩy hợp tác song phương với tỉnh Quảng Đông những nội dung và vấn đề lớn, quan trọng.

b-/ Cơ hội hợp tác cụ thể:
+ Ngoài thiết bị máy móc và linh phụ kiện, thị trường tỉnh Quảng Đông có nhu cầu nhất định đối với thủy sản, gạo, trái cây VN.
+ Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư với VN tại địa bàn tỉnh Quảng Đông bắt đầu tăng lên. Cơ hội cụ thể chủ yếu có:  

- Hội chợ quốc tế con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSRE) Quảng Đông Trung Quốc 2023 tổ chức từ 02-04/6/2023 tại Quảng Châu và đã được
Thương vụ Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc kết nối để Vinexad dự kiến tổ chức đoàn VN sang Quảng Châu tham gia với quy mô 10 doanh nghiệp để quảng bá và xúc tiến xuất khẩu.

- Hội chợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc tế (Quảng Châu) Trung Quốc (CISMEF) tổ chức từ 27-30/6/2023 tại Quảng Châu. VN thông qua đường ngoại giao đã nhận lời tham gia với tư cách quốc gia đồng tổ chức. Dự kiến có cấp Lãnh đạo Bộ Công Thương dẫn đầu đoàn VN tham dự các hoạt động liên quan (hội chợ SME, diễn đàn doanh nghiệp SME, hội nghị xúc tiến đầu tư vào VN, ký kết thỏa thuận hợp tác, tiếp xúc lãnh đạo bên TQ. VN tham gia hội chợ với quy mô gian hàng khoảng 3000 m2, gồm khu gian hàng quốc gia và khu gian hàng doanh nghiệp. Trong khuôn khổ hội chợ, VN dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư VN – TQ. Bộ Công Thương VN và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin TQ đang trao đổi để đi đến ký kết MOU hợp tác song phương vào dịp hội chợ này.  
Ngoài Bộ Công Thương, Ban tổ chức cũng mong muốn các địa phương và hiệp hội ngành hàng VN nghiên cứu tham gia hội chợ này và các sự kiện trong khuôn khổ hội chợ để thúc đẩy hợp tác.

- Hội chợ nghề cá và thủy sản quốc tế Quảng Châu 2023 (15-17/9/2023), TLSQ đã gửi tài liệu cho Bộ NN và PTNT và một số doanh nghiệp tổ chức triển lãm VN. Tổng cục thủy sản VN sẽ tổ chức đoàn công tác sang Quảng Châu tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội chợ; tổ chức buổi tọa đàm về sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản VN; gặp trao đổi với cơ quan quản lý Nông nghiệp Quảng Đông.

Ngoài ra, Hội chợ rau quả - thực phẩm Trung Quốc tại Quảng Châu 2023 (21-23/9/2023),
Thương vụ Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc đã gửi tài liệu cho Hiệp hội rau quả VN.

+ Chiều ngược lại, Hội chợ logistics Việt Nam 2023 (8/2023) Thương vụ đã kết nối để Vinexad mời gọi Hiệp hội ứng dụng kỹ thuật logistics Quảng Châu tổ chức doanh nghiệp TQ đi VN tham gia. Hội chợ Food Expo VN năm 2023 (11/2023) tại VN, Thương vụ đã gửi tài liệu mời CCPIT Quảng Đông và CCPIT Quảng Châu.

+ Về xúc tiến đầu tư:
Ngày 27/02/2023 Thương vụ phối hợp các đơn vị xúc tiến đầu tư bên Quảng Đông tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào VN và tổ chức đoàn doanh nghiệp TQ đi VN khảo sát đầu tư. Cũng dịp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã dẫn đầu đoàn công tác đi xúc tiến thu hút đầu tư tại tỉnh Quảng Đông. Nhân dịp này,
Thương vụ Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc đã kết nối để đoàn tiền trạm bên TQ đi Phú Thọ làm việc với Sở KHĐT ngày 09/3/2023 nhằm tổ chức đoàn doanh nghiệp TQ đi Phú Thọ khảo sát đầu tư.

+ Một số địa phương, cơ quan, đơn vị VN cũng đang chuẩn bị tổ chức một số hoạt động giao thương, khảo sát, thăm làm việc với chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông trong năm 2023 để thúc đẩy giao lưu, trao đổi, hợp tác.

c-/ Khó khăn, thách thức:
+ Về môi trường, kinh tế nói chung, thương mại nói riêng của thế giới, TQ và VN những tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu sụt giảm. Nguyên nhân có nhiều: Xung đột Nga – Ukraine. Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Lạm phát khiến giá cả đầu vào tăng. Nhu cầu của các thị trường giảm. Một số ngân hàng phá sản gây tác động tiêu cực. TQ tuy đã mở cửa song mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 chỉ 5% và chuyển sang thúc đẩy phát triển chất lượng.
+ Xuất khẩu nông thủy sản, một lĩnh vực VN cực kỳ quan tâm và tìm mọi biện pháp tăng trưởng sang TQ nói chung, tỉnh Quảng Đông nói riêng còn một số vấn đề chung:
- Về phương thức, xuất khẩu nông thủy sản VN sang TQ vẫn còn rủi ro. Một là còn một bộ phận không nhỏ hàng hóa xuất khẩu sang TQ thông qua đường biên mậu. Hai là thương nhân TQ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thu gom sản phẩm tại vùng sản xuất, quan hệ mua bán không theo các quy tắc thương mại quốc tế nên bên bán bị động, rủi ro, khó quản lý, điều tiết. 
- Về chất lượng, những năm gần đây TQ tăng cường mạnh mẽ việc quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa, nhất là đối với nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu bằng các Lệnh số 248 và 249 của Tổng cục hải quan TQ. Một số nông sản VN xuất khẩu TQ chưa được miễn kiểm dịch.
- Về thương hiệu, nông thủy sản, thực phẩm VN xuất khẩu vào TQ nói chung, thị trường tỉnh Quảng Đông nói riêng chủ yếu dưới dạng nguyên liệu (gạo, thủy sản, trái cây). Sản phẩm chế biến sâu và thương hiệu sản phẩm VN tại thị trường TQ còn ít.
- Về sản xuất, một số nông sản VN còn hiện tượng sản xuất, nuôi trồng ồ ạt mỗi khi thị trường được giá (như báo chí phản ánh về trồng sầu riêng hiện nay), dẫn đến thua thiệt, vỡ trận khi thị trường mất giá, gây áp lực lên tiêu thụ, trong đó có xuất khẩu.
- Về cạnh tranh đến từ sản phẩm cùng loại của sở tại, TQ đã và đang đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt các sản phẩm cùng loại mà VN có ưu thế như thanh long, cà phê, cao su, sầu riêng, chanh leo,…Tỉnh Quảng Đông nói riêng có một số sản phẩm như: vải thiều (1,5 triệu tấn/năm), nhãn (1 triệu tấn/năm), (chuối (4,8 triệu tấn/năm), thanh long (380 ngàn tấn/năm), xoài (trên 200 ngàn tấn/năm), chanh leo (220 ngàn tấn/năm). Diện tích và sản lượng các loại trên của Quảng Đông hoặc lớn hơn VN, hoặc đang tăng trưởng mạnh.   

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc

ĐỂ TÌM HIỂU SÂU HƠN VỀ TÌNH HÌNH VÀ XU HƯỚNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA, PHÂN TÍCH SÂU XUẤT KHẨU MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH HÀNG, VUI LÒNG THAM KHẢO TÀI LIỆU
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 2
Số người truy cập: 4.353.596
Chung nhan Tin Nhiem Mang