Cơ hội mới để BRICS thúc đẩy sự phát triển toàn cầu
Sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây nhất vào năm 2022, ý tưởng mở rộng nhóm đã được củng cố và dự kiến sẽ có thêm nhiều nước gia nhập BRICS trong năm nay. Ba quốc gia đã chính thức đăng ký gia nhập BRICS (gồm Argentina, Algeria và Iran) và một số quốc gia khác đang xem xét công khai động thái tương tự gồm Indonesia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nigeria và Mexico.
Các nước BRICS chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Xét về GDP theo sức mua tương đương (PPP), Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất, Ấn Độ đứng thứ 3, Nga đứng thứ 6 và Brazil đứng thứ 8. BRICS hiện chiếm 31,5% GDP PPP toàn cầu, trong khi tỷ lệ của Nhóm G7 đã giảm xuống còn 30%. Các nước BRICS dự kiến sẽ đóng góp hơn 50% GDP toàn cầu vào năm 2030, và với việc mở rộng BRICS thì mục tiêu này gần như chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Thương mại song phương giữa các nước BRICS cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, xung đột tại Ukraine đã đưa các nước BRICS xích lại gần nhau hơn về mặt chính trị.
Tuy nhiên, hai công cụ quan trọng nhất do BRICS tạo ra phải kể đến là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng (CRA). Công cụ đầu tiên là để tài trợ cho một số dự án phát triển, chú trọng đến tính bền vững và được coi là một giải pháp thay thế khả thi cho Ngân hàng thế giới (WB). Công cụ thứ hai có thể trở thành một quỹ thay thế cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Hiện tại, một trong những thách thức chiến lược lớn đối với các nước đang phát triển là tạo ra các lựa chọn thay thế cho sự “thống trị” của đồng USD. Hầu như hằng tuần đều xuất hiện một thỏa thuận mới giữa các quốc gia để bỏ qua đồng USD, chẳng hạn như thỏa thuận được Brazil và Trung Quốc công bố gần đây. Hiện một đơn vị của BRICS đang làm việc để đề xuất loại tiền dự trữ riêng cho 5 quốc gia – loại tiền tệ này có thể dựa trên vàng và các hàng hóa khác. Dự án được gọi là R5 vì sự trùng hợp ngẫu nhiên là tất cả các loại tiền tệ của các quốc gia BRICS đều bắt đầu bằng chữ R: Renminbi (Nhân dân tệ), Ruble, Reais, Rupee và Rands. Điều này sẽ cho phép các quốc gia này dần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương mà không cần sử dụng đồng USD và cũng làm giảm tỷ lệ dự trữ USD quốc tế.
Một tiềm năng khác chưa được khai thác cho đến nay là việc sử dụng CRA (quỹ tổng trị giá 100 tỷ USD) để giải cứu các quốc gia vỡ nợ. Khi dự trữ quốc tế của một quốc gia không còn đồng USD nào (và quốc gia đó không thể giao dịch ở nước ngoài hoặc trả các khoản nợ nước ngoài), quốc gia đó buộc phải yêu cầu IMF cứu trợ. Khi đó, IMF sẽ tận dụng sự tuyệt vọng và thiếu các lựa chọn của quốc gia đó để áp đặt chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Hiện nay, các quốc gia như Argentina, Sri Lanka, Pakistan, Ghana và Bangladesh đang ở trong tình trạng tồi tệ về dự trữ quốc tế, nếu họ được tiếp cận CRA với các điều kiện trả nợ tốt hơn, đây sẽ là một bước đột phá chính trị đối với BRICS khi nhóm sẽ bắt đầu chứng tỏ khả năng xây dựng các giải pháp thay thế cho quyền làm chủ cuộc chơi tài chính của Mỹ và Liên minh châu Âu.
Việc tái cấu trúc và mở rộng NDB và CRA sẽ là một thách thức lớn, song cũng chính là cơ hội lớn để BRICS thúc đẩy sự phát triển toàn cầu.
Tham khảo link gốc Hải quan online
ĐỂ CẬP NHẬT NHỮNG THÔNG TIN, DỮ LIỆU MỚI NHẤT VỀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI, TÀI CHÍNH TIỀN TỆ CỦA VIỆT NAM, THẾ GIỚI VÀ CÁC NGÀNH HÀNG TIÊU BIỂU, VUI LÒNG THAM KHẢO TÀI LIỆU