Ngành cảng biển Singapore trước áp lực cạnh tranh từ các nước
Nằm trên tuyến vận tải biển huyết mạch nối giữa châu Á và châu Âu, từ lâu cảng Singapore đã tận dụng rất tốt lợi thế địa lý để phát triển kinh tế biển thông qua việc xây dựng một hệ thống hải quan và năng lực hậu cần hiệu quả.
Các cảng ở các nước láng giềng từng khó cạnh tranh với cảng Singapore do năng lực bốc dỡ kém hơn, không thể tiếp nhận các đội tàu lớn, việc xử lý các container hàng hóa cũng không được nhanh như tại Singapore. Điều này càng củng cố vị trí dẫn đầu của đảo quốc sư tử trong vai trò là trung tâm vận chuyển của khu vực.
Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa qua cảng này đang có dấu hiệu chậm lại, còn lưu lượng hàng qua các cảng của hai quốc gia láng giềng là Indonesia và Malaysia ngày một tăng lên. Một yếu tố khác khiến cảng Singapore giảm sức hút là do xu hướng phân tán sản xuất ra toàn khu vực của một số công ty, tập đoàn lớn.
Trong số các đối thủ cạnh tranh với cảng Singapore, cảng Tanjung Pelepas, Malaysia đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm. Công ty điều hành cảng này cho biết, tháng 11/2017, đơn vị này đã lắp đặt thêm 4 cần trục mới có chiều cao 55,5 mét. Hệ thống cần trục này hiện được đánh giá là cao nhất khu vực, giúp gia tăng đáng kể năng lực bốc dỡ hàng. Trong tuyên bố mới đây, ông Dato' Sri Che Khalib bin Mohamad Noh – Giám đốc cảng Tanjung Pelepas khẳng định, cảng cũng có cơ sở vật chất hiện đại nhất khu vực.
Dù mới chính thức đi vào vận hành vào năm 2000, cảng Tanjung Pelepas đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 19 về năng lực vận chuyển nếu tính theo số lượng giao thương container năm 2016. Có được thành công này một phần là nhờ vị trí đắc địa của nó khi chỉ cách Singapore - trung tâm thương mại chính của Đông Nam Á. Nằm ngay sát Singapore nhưng chi phí xử lý hàng hóa của cảng này thấp hơn khá nhiều so với cảng Singapore.
Cũng trong cùng khoảng thời gian trên, giá trị hàng hóa vận chuyển tại khu vực Đông Nam Á đã tăng hơn 11% khi nhiều tập đoàn chuyển hướng sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á nhằm cắt giảm chi phí nhân công. Cảng của các nước nằm gần Singapore cũng đang trở thành lựa chọn thay thế của nhiều công ty vận tải biển. Ngoài mở rộng quy mô, các cảng ngày cũng thường xuyên nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực vận chuyển. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tại Indonesia đã tăng lên 53,7%, còn Philippines và Việt Nam đều tăng trưởng hơn 40%.
Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia, Thái Lan và Malaysia thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng đe dọa phá vỡ thế mạnh và vị trí chiến lược của Singapore.
Indonesia đang có kế hoạch chi 3 tỷ USD để phát triển một cảng biển tại tỉnh Tây Java, chỉ cách 100 km từ thủ đô Jakarta. Cảng này nằm sát ngay khu công nghiệp nơi có rất nhiều công ty lớn, bao gồm cả Toyota Motor đang hoạt động. Mục tiêu tham vọng của Indonesia là tạo nên một trung tâm trung chuyển mới, vượt qua Singapore.
Thái Lan cũng đang có kế hoạch chi hơn 2,5 tỷ USD thông qua hợp tác công tư để mở rộng cảng nằm tại tỉnh duyên hải phía Đông Chonburi, nâng công suất lên 130% công suất hiện tại vào năm 2022.
Trước nguy cơ mất dần vị thế, Singapore đang nỗ lực tìm cách mở rộng quy mô hiện tại, nâng cao hiệu quả vận hành để thu hút thêm những đơn hàng lớn. Ngoài mở rộng cơ sở vật chất của cảng trung tâm, Singapore cũng đang xây dựng thêm một cảng mới gần khu công nghiệp ở phía Tây. Tổng công suất bốc dỡ hàng hóa của Singapore dự kiến sẽ tăng 50% so với năng lực hiện tại khi giai đoạn đầu tiên của dự án hoàn thành vào đầu năm 2020.
VITIC tổng hợp