Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ tư, ngày 8 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

NHÌN LẠI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU NĂM 2017

02/01/2018 08:48
Xuất nhập khẩu là hoạt động gắn chặt với logistics. Xuất nhập khẩu năm 2017 đã đạt được những kết quả vượt bậc, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo công ăn việc làm và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
 
1. Tình hình xuất khẩu hàng hóa
 
a. Quy mô và tăng trưởng xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 16,2%; khối doanh nghiệp FDI ước đạt 155,2 tỷ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu), tăng 23,0% so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu theo Quốc hội giao là 7-8%, xuất khẩu năm nay đã đạt tốc độ gần gấp 3 lần.

Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra

 
b. Các nhóm hàng xuất khẩu
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được trên cả 3 nhóm hàng nông sản, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản và công nghiệp chế biến, cụ thể:
  • Nhóm hàng Xuất khẩu năm 2017 (tỷ USD) Tăng/giảm so với cùng kỳ năm 2016 (%) Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (%)
  • Nông sản, thủy sản 25,9 tăng 16,9% 12,1%
  • Nhiên liệu, khoáng sản 4,4 tăng 27,0% 2,1%
  • Công nghiệp chế biến 173,5 tăng 22,4% 81,2%
Trong năm 2017, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa như điện thoại và các loại linh kiện ước đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%; hàng dệt may ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 8,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ khác ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 33,1%; thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18,5%,... 
Bên cạnh đó, có sự đóng góp của nhiều mặt hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu cao như rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43,1%, gạo ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 22,7%, hóa chất và sản phẩm ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27,4%, chất dẻo và sản phẩm ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,1%, phân bón ước đạt 263 triệu USD, tăng 25,7%, sắt thép và sản phẩm ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 34,4%.

Xuất khẩu trái cây của Việt Nam

 
Năm 2017 dự kiến có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD.
  • Khu vực công nghiệp chế biến tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu với trị giá xuất khẩu ước đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4%.
  • Khu vực nông nghiệp có sự tăng trưởng tốt, xuất khẩu nông, thủy sản tăng mạnh (ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9%).
  • Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: Xuất khẩu ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 27,0% và tăng ở tất cả các mặt hàng, trong đó cao nhất là than đá, tăng 113% về trị giá và 84,7% về khối lượng xuất khẩu. Dầu thô tăng 23% về trị giá.
 
c. Thị trường xuất khẩu
Công tác phát triển thị trường xuất khẩu thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tới nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ước cả năm 2017, có 29 thị trường xuất khẩu và 22 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Có 4 thị trường mà xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 5 thị trường nước ta nhập khẩu trên 10 tỷ USD.
 
Xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Theo số liệu ước năm 2017, xuất khẩu sang ASEAN ước tăng 24,3%, đạt 21,7 tỷ USD; xuất khẩu sang Trung Quốc ước tăng 60,6%, đạt 35,3 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản ước tăng 14,2%, đạt 16,8 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước tăng 31,1%, đạt 15 tỷ USD; xuất khẩu sang Australia và New Zealand ước tăng 14,3%, đạt 3,7 tỷ USD; xuất khẩu sang Chile ước tăng 26,3%, đạt 1 tỷ USD, xuất khẩu sang Liên bang Nga ước tăng 35,7%, đạt 2,2 tỷ USD.
 
Ngoại trừ châu Phi giảm khoảng 2,9%, xuất khẩu sang các châu lục khác đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.
 
Tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. 10 tháng đầu năm 2017, có tổng số 627.069 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được cấp, trị giá các lô hàng được hưởng ưu đãi xuất xứ là 31,8 tỷ USD, tăng 22% cả về số lượng và trị giá so với năm 2016.
 
2. Nhập khẩu và cán cân thương mại
Kim ngạch nhập khẩu năm 2017 ước đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2017. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước đạt 84,6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,22 tỷ USD, tăng 26,1%. 
 
a. Cơ cấu các nhóm hàng nhập khẩu
- Nhóm hàng cần nhập khẩu: 
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu năm 2017 ước khoảng 188,42 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 89,3 trong tổng kim ngạch nhập khẩu. 
Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao đối với nhóm nông sản là hạt điều (tăng 51,7%), thủy sản (tăng 30,2%), bông (tăng 41,2%); đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là than đá (tăng 59,6%); xăng dầu các loại (tăng 37,7%); hoá chất và các sản phẩm hóa chất (tăng 23,2%); máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 34,4%); điện thoại và các loại linh kiện (53,2%). 
Nhập khẩu máy móc, thiết bị ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2016. Nhập khẩu máy móc, thiết bị có sự tăng trưởng mạnh trong các tháng đầu năm, chủ yếu do tăng nhập khẩu của các Công ty thuộc Tập đoàn Samsung (trong đó có Samsung Display đẩy mạnh nhập khẩu máy móc thiết bị để phục vụ Dự án mới được điều chỉnh tăng vốn); các Tập đoàn, công ty trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1; Tổng công ty Viettel nhập khẩu phục vụ dự án 4G,...
 
- Nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu: 
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,4 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 8,6% so với năm 2016. Trong đó, nhập khẩu rau quả tăng 68,1%, phế liệu sắt thép tăng 60%. Tuy nhiên, mặt hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ đã giảm dần qua các tháng gần đây sau thời kỳ tăng bùng nổ vào các tháng đầu năm. Cả năm 2017, nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi giảm 4,1% về trị giá và 26,9% về số lượng so với năm 2016.
 
b. Thị trường nhập khẩu
Theo số liệu ước cả năm 2017, các thị trường nhập khẩu chủ yếu tiếp tục là Trung Quốc (kim ngạch ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 16,9%); Hàn Quốc (kim ngạch ước đạt 46,8 tỷ USD, tăng 45,5%);  ASEAN (kim ngạch ước đạt 28 tỷ USD, tăng 16,4% - trong đó nhập khẩu từ Thái Lan đạt 10,4 tỷ USD, tăng 17,7%); EU và Anh (kim ngạch ước đạt 12 tỷ USD, tăng 7,7%); Hoa Kỳ (kim ngạch ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 5%). Nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn tăng trưởng nhập khẩu trung bình của cả nước, cơ cấu thị trường nhập khẩu chuyển dịch dần sang các thị trường lân cận khác, đặc biệt là Hàn Quốc và ASEAN.
 
3. Cán cân thương mại
Cán cân thương mại năm 2017 ước đạt thặng dư 2,67 tỷ USD. Như vậy, năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp có xuất siêu.
Xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU, Australia và New Zealand.
Nhập siêu chủ yếu đến từ khu vực thị trường châu Á, đặc biệt là từ các nước thuộc khối ASEAN (ước nhập siêu 6,3 tỷ USD, trong đó nhập siêu từ Thái Lan là 5,7 tỷ USD), Hàn Quốc (nhập siêu 31,8 tỷ USD); Trung Quốc (nhập siêu 23,2 tỷ USD); Đài Loan (nhập siêu 10,2 tỷ USD). 
 
4. Đánh giá chung
a. Những mặt tích cực
Thứ nhất, xuất khẩu năm 2017 đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2016, vượt chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu, và xuất siêu cũng giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. 
Thứ hai, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu được chuyển dịch theo đúng định hướng tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giảm dần nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả ba nhóm hàng, trong đó nhiều nhất ở nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Thứ ba, một số mặt hàng như dệt may, da giầy Việt Nam không những đã phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà còn xuất khẩu nguyên phụ liệu. Đặc biệt, mặt hàng xơ sợi dệt các loại đã có kim ngạch xuất khẩu tăng 21,5%.
Thứ tư, cùng với sự khởi sắc của khu vực nông nghiệp, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, là một trong những điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu năm 2017.
Thứ năm, công tác hội nhập quốc tế về kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như xuất khẩu sang ASEAN; Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia - New Zealand.
Thứ sáu, một số thị trường đã có cải thiện về cán cân thương mại, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đã cải thiện tình trạng nhập siêu nhờ tăng trưởng mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Thứ bảy, nhập khẩu tăng cao nhưng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần nhập khẩu, gồm máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, dự án của Samsung.
 
b. Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
 
Một là, đa số khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. 
Hai là, nhiều ngành hàng công nghiệp chế biến vẫn còn dưới hình thức gia công là chủ yếu, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao.
Ba là, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên việc gia tăng giá trị thông qua các yếu tố phi vật chất còn chưa được như mong muốn.
 
Nguyên nhân hạn chế:
- Công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản chưa được tập trung đầu tư, phát triển theo kịp với yêu cầu của thị trường thế giới. An toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản cần đảm bảo theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu.
- Công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển, chưa sản xuất được các sản phẩm đủ về chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 
 
 Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 15
Số người truy cập: 6.309.764
Chung nhan Tin Nhiem Mang