Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Tháng 1/2018: Ước xuất siêu 300 triệu USD

13/02/2018 14:16
Tháng 1 năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng 34,6% so với cùng kỳ năm 2017, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng năm 2017 (tăng 22,7%). Riêng trong tháng 1 đã có 5 nhóm hàng có KNXK trên 1 tỷ USD là các mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; giầy, dép các loại; hàng dệt và may mặc. Xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ có nguyên nhân do tháng 01 năm 2017 có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, trong khi đó tháng 01 năm 2018 không có các kỳ nghỉ trên, nhưng đây cũng là tín hiệu tốt cho sự tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu của năm 2017.

- Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 01 năm nay đạt mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ở hầu hết các nhóm hàng do Tết Nguyên đán năm nay đến muộn và không rơi vào tháng 01 như năm 2017 (tháng 01 năm 2017 có 2 kỳ nghỉ là Tết dương lịch và Tết nguyên đán).

-
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 01 năm 2018 một phần do nhu cầu hàng hóa của thị trường này tăng cao phục vụ cho Tết Nguyên đán sắp tới.


- Do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trước Tết Nguyên đán lớn, lượng nhập khẩu nhiều hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng cao so với cùng kỳ (trong đó Bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 191%; Điện thoại và các loại linh kiện tăng 115,8%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 188,7%; Hàng điện gia dụng, linh kiện tăng 80%) là một trong những nguyên nhân khiến cho kim ngạch nhập khẩu tháng 01 năm 2018 tăng mạnh 47,4% so với cùng kỳ năm trước, gây ra thâm hụt cán cân thương mại trong tháng 01/2018.
 
Hình 1. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các tháng




Cụ thể tình hình xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại như sau: 

1. Xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01 năm 2018 ước đạt 19 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 5,41 tỷ USD, tăng 31,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,6 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2017.

a) Về xuất khẩu các nhóm hàng
- Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,12 tỷ USD, giảm 7,5% so với tháng 12/2017 và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 11,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm này, hầu hết các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2017 như: thủy sản ước đạt 600 triệu USD, tăng 23,8%; rau quả ước đạt kim ngạch 320 triệu USD, tăng 36,4%; hạt điều ước đạt 286 triệu USD, tăng 75%; gạo ước đạt 214 triệu USD, tăng 49,6%; sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 127 triệu USD, tăng 114,4%; chè ước đạt 17 triệu USD, tăng 25,2%. Riêng cà phê giá xuất khẩu bình quân giảm 13,9% so với cùng kỳ nhưng sản lượng xuất khẩu ước tăng 25,1% nên kim ngạch tăng trưởng ở mức 7,7%, đạt 340 triệu USD.

Mặt hàng cao su và hạt tiêu ước đạt mức tăng trưởng cao về sản lượng so với cùng kỳ (lần lượt tăng 60,9% và 43,5%) nhưng kim ngạch xuất khẩu sụt giảm lần lượt là 5,7% và 17,9% và ước đạt 169 triệu USD và 51 triệu USD do giá xuất khẩu bình quân giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 42,5% đối với hạt tiêu và 41,4% đối với cao su).
- Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt gần 0,3 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu các mặt hàng than đá; quặng và khoáng sản khác đều tăng do tăng mạnh về lượng xuất khẩu, tuy nhiên  giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng này giảm, riêng mặt hàng xăng dầu đạt tăng trưởng dương cả về sản lượng và trị giá. Dầu thô là mặt hàng duy nhất trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ (giảm 13,0%) chủ yếu do lượng giảm 21,4%; giá xuất khẩu bình quân ước tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ.

- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng khoảng 82,2%.
Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 80,7% so với cùng kỳ; hàng dệt và may mặc ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ; giày dép các loại ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 18,2%.

b) Về thị trường xuất khẩu
So với tháng 01 năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường đều có mức tăng trưởng dương, cụ thể:

Xuất khẩu sang thị trường châu Á ước đạt 10,81 tỷ USD, tăng 54,4%; trong đó xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 1,75 tỷ USD, tăng 15,6%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 18,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 1,28 tỷ USD, tăng 28%; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 01 năm 2018 với kim ngạch đạt 4,47 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, tăng 148,9%.

Xuất khẩu sang châu Âu ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 7,4%; trong đó xuất khẩu sang EU ước đạt 3,03 tỷ USD, tăng 6,6%; xuất khẩu sang Nga ước đạt 170 triệu USD, tăng 27,5%; Xuất khẩu sang châu Mỹ ước đạt 4,29 tỷ USD, tăng 17,5%; trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ ước đạt 3,52 tỷ USD, tăng 17%; Xuất khẩu sang châu Đại Dương ước đạt 315 triệu USD, tăng 31,1%; Riêng châu Phi có kim ngạch xuất khẩu giảm 9,5% so với cùng kỳ, kim ngạch ước đạt 128,2 triệu USD.

Như vậy, trong tháng đầu năm 2018, một số thị trường truyền thống của Việt Nam  vẫn được giữ vững và tiếp tục phát huy hiệu quả, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

2. Về nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 01 năm 2018 ước đạt 19,3 tỷ USD, giảm 3% so với tháng 12/2017 và tăng 47,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 7,8 tỷ USD, tăng 43,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy giá các nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới không thấp, nhưng các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao vào tháng giáp Tết, do vậy đã góp phần làm kim ngạch nhập khẩu tháng 01 cao hơn so với cùng kỳ.

a) Về nhóm hàng nhập khẩu
- Nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 17,230 tỷ USD,  tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2017. Mặt hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đây là dấu hiệu khả quan cho hoạt động sản xuất của năm 2018 ở cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu bông các loại tăng 51,1%; xơ, sợi, dệt các loại tăng 62,6%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 28,1%; máy móc, thiết bị tăng 25,4%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tăng 72,3% so với cùng kỳ…

- Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 1,15 tỷ USD, và tăng 45,3% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép trị giá khoảng 166 triệu USD, tăng 135,8% so với cùng kỳ năm 2017; bánh kẹo và sản phẩm từ  ngũ cốc tăng 191%; xe máy và linh kiện phụ tùng tăng 71,8%. Về mặt hàng rau quả, kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 140 triệu USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ. Đây là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao trong nhóm hàng cần kiểm soát. Tuy nhiên, trong tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này có một phần được doanh nghiệp nhập khẩu để xuất khẩu sang thị trường khác, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả.

b)Về thị trường nhập khẩu
Về thị trường nhập khẩu trong tháng: nhập khẩu từ châu Á có mức tăng mạnh 50,4%; chiếm 82,59% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 5,68 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2017. Hàn Quốc đạt 4,18 tỷ USD, tăng 54,2%; ASEAN đạt 2,58 tỷ USD, tăng 46,3%; Nhật Bản đạt 1,68 tỷ USD, tăng 93,1%.
Các thị trường còn lại có mức tăng tương đối mạnh, cụ thể như sau: châu Âu tăng 35,4% và chiếm tỷ trọng xấp xỉ 7%, trong đó EU tăng 34,1%, chiếm tỷ trọng 5,5%; Châu Mỹ tăng 28,1% và chiếm tỷ trọng 6,6%; Châu Phi tăng 62,4% chiếm tỷ trọng 0,2%; Châu Đại Dương tăng 43,2% chiếm tỷ trọng gần 1,5% và thị trường khác chiếm tỷ trọng 2,17%.

3. Cán cân thương mại
Tháng 1 ước nhập siêu 300 triệu USD, bằng 1,6% kim ngạch xuất khẩu, trong đó: khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,39 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,09 tỷ USD.

Bộ Công Thương
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 53
Số người truy cập: 4.310.403
Chung nhan Tin Nhiem Mang