Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 7 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sẽ ngày càng hiện đại

27/10/2017 17:20
Thị trường sôi động và nhiều tiềm năng

Theo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn Tư vấn Thị trường A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam nhiều năm liền nằm trong số 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới kể từ năm 2008 đến nay, nhờ quy mô dân số và sự cải thiện của thu nhập cũng như những bước tiến của Việt Nam trong tiến trình mở cửa và hội nhập. 

Với khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm, 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có những bước chuyển mình lớn nhờ nhu cầu tiêu thụ trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, những mặt hàng chính bao gồm các nhóm sản phẩm như đồ uống, thực phẩm, sữa, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình... đều đạt được mức tăng trưởng khá. 


Sự gia tăng của thu nhập, mở cửa thị trường, hội nhập đang làm thay đổi những thói quen tiêu dùng cũ và tạo điều kiện cho các kênh phân phối hiện đại phát triển.

Cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ là phân khúc phát triển nhanh nhất tại nước ta. Tính đến nay, FamilyMart đã có 100 cửa hàng và dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. 7-Eleven của Nhật lên kế hoạch mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Với Vinmart+, hệ thống này dự kiến sẽ nâng con số gần 1.000 cửa hàng năm 2016 lên khoảng 2.500 cửa hàng tính đến cuối năm 2017.

Mức tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ trong vài năm qua khá ấn tượng. Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel năm trước, có đến hơn 1/3 số hộ gia đình Việt từng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi hay siêu thị nhỏ, với tần suất trung bình là 10 lần/năm. Nielsen cho biết tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 là 7,7%, cao hơn mức 6,1% của kênh truyền thống; sản lượng tăng trưởng kênh hiện đại đạt 6,3%, cao gấp 1,34 lần kênh truyền thống.

Mặc dù là phân khúc phát triển nhanh hiện nay, kênh mua sắm này vẫn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ nhiều bên: từ siêu thị lớn về trải nghiệm mua hàng, từ các siêu thị về sự đa dạng hàng hóa, và từ phía cửa hàng truyền thống về tính tiện lợi. Trên thực tế, bán lẻ hiện đại ở nước ta đã tăng trưởng chậm lại so với dự đoán trước đó, hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ (số liệu từ Bộ Công Thương). Chi phí mặt bằng cao, giá thành đắt hơn, thói quen mua sắm và tiêu dùng truyền thống... là những lí do chính khiến người tiêu dùng bỏ qua cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ, đòi hỏi các nhà bán lẻ cần xây dựng một chiến lược đầu tư hợp lí để có thể phát triển phần thị trường này.

Mua sắm qua mạng hoặc sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin trong mua sắm cũng đang trở thành một xu hướng. Trong khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC, 49% người trả lời có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại ít nhất là hàng tháng, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.

Những xu hướng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động logistics (kho bãi, giao nhận, vận tải và các dịch vụ khác) của Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt cần lưu ý rằng, mặc dù có nhiều nhân tố thuận lợi như thị trường lớn, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự phát triển của khoa học công nghệ nhưng đây lại là lĩnh vực mà các doanh nghiệp dễ bị tụt hậu và đánh mất "sân nhà" nhất khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ. 
Thời gian qua cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực mà trong đó nội cộm là các thương vụ mua lại Metro, BigC, Nguyễn Kim. 
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, thị trường Việt Nam cần không chỉ là đơn thuần là lượng mà còn là chất của mặt bằng bán lẻ và điểm quan trọng là doanh nghiệp bán lẻ cần phải có sự thay đổi để thích nghi với những xu hướng mới trên thị trường.

VITIC tổng hợp

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 6.301.883
Chung nhan Tin Nhiem Mang