Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Cảnh báo giả mạo “Giấy chứng nhận xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc”

24/05/2023 08:45
Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) vừa có cảnh báo về việc xuất hiện “Giấy chứng nhận xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc” lan truyền trên mạng xã hội là giả mạo.
 

Giả mạo “Giấy chứng nhận xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc”

Vừa qua trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh “Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc - Certificate of GACC Registration” kèm mã QR có link đến địa chỉ https://www.aqsiq.net có nội dung chứng nhận mã số đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, hiện Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về biểu mẫu “Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc - Certificate of GACC Registration” kèm mã QR có link đến địa chỉ www.aqsiq.net.

Chú thích: Trên đây là 
Mẫu “Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc - Certificate of GACC Registration” giả mạo.
Ảnh: SPS Việt Nam


 

Căn cứ Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) và Công hàm 353 ngày 27/9/2021 của GACC, GACC là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Trung Quốc. Mọi thông tin liên quan đến chứng nhận, đăng ký xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc đều phải thông qua GACC, sau khi được GACC phê duyệt sẽ công bố chính thức.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và bảo quản nước ngoài xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc đăng ký trên hệ thống https://app.singlewindow.cn/ (bao gồm đăng ký trực tiếp hoặc thông qua giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền), kết quả đăng ký được công bố tại website: https://ciferquery.singlewindow.cn/ và văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đối với mã số được cơ quan có thẩm quyền giới thiệu.

Đối với doanh nghiệp đăng ký các sản phẩm thuộc thẩm quyền phê duyệt của Vụ Kiểm dịch động thực vật, GACC, kết quả đăng ký được công bố tại website: http://dzs.customs.gov.cn/ và văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Đối với doanh nghiệp thương mại, kết quả đăng ký được công bố tại website: http://ire.customs.gov.cn/.

Thực hiện tiêu chuẩn VietGAP

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến nay, toàn quốc có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu. Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản do đây yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế.

Để tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản, nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu đã được Trung Quốc thực thi. Theo đó, Trung Quốc đã ban hành Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và Lệnh 248 ban hành quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Việt Nam phải tuân thủ thêm một loạt quy định nếu muốn tiếp tục xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Tuy nhiên, dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại từ hồi đầu năm nay, nhưng xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Một mặt, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng đang tập trung vào thị trường Trung Quốc sau mở cửa; mặt khác, hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, hàng hoá của Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.

Chia sẻ về một số lưu ý về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các mặt hàng chanh leo, sầu riêng, khoai lang, chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu. Đó là phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà GACC quan tâm; không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà GACC quan tâm; phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại từ cán bộ kỹ thuật; phải lưu trữ hồ sơ giam sát và phòng trừ sinh vật gây hại.

Còn đối với các cơ sở đóng gói, đại diện Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 cho rằng, cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác. Đồng thời, phải áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký… "Khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải sạch, đảm bảo vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Vật liệu đóng gói bằng gỗ tuân thủ ISPM 15. Container chứa khoai lang phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và phải được khủ trùng", bà Hiền thông tin thêm.

Đáng chú ý, phía Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo những biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm. Cụ thể, lô hàng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống khác hoặc phía Trung Quốc phát hiện tàn dư thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.

Xuân Thảo
Link gốc

THÔNG TIN THAM KHẢO

ĐỂ TÌM HIỂU SÂU HƠN VỀ TÌNH HÌNH VÀ XU HƯỚNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA, PHÂN TÍCH SÂU MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH HÀNG TIÊU BIỂU, VUI LÒNG THAM KHẢO TÀI LIỆU

ĐỂ CẬP NHẬT CÁC THÔNG TIN, SỐ LIỆU CHI TIẾT VÀ MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI BIỂN, CẢNG BIỂN...XIN MỜI THAM KHẢO TÀI LIỆU
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 11
Số người truy cập: 6.318.946
Chung nhan Tin Nhiem Mang