Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Diễn đàn Logistics với khu vực châu Âu - châu Mỹ 2023: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

22/12/2023 10:16
Ngày 21/12/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn logistics với khu vực châu Âu – châu Mỹ năm 2023, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế.

Ngoài những thông tin tổng quan về kết nối logistics giữa Việt nam với khu vực thị trương châu Âu-châu Mỹ do Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ và công ty GEODIS Việt Nam cung cấp, tại Diễn đàn cũng diễn ra phiên thảo luận với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực logistics như  Ông Trần Minh Thắng- Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco; Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An; Ông Trương Nguyên Linh, Phó Tổng Giám đốc, Cảng Container Quốc Tế Việt Nam - VICT; Bà Lê Anh Thiên Thư, Giám đốc Logistics, VINFAST; Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt Ratraco; Ông Tạ Minh Vang,  giám đốc điều hành Công Ty TNHH Dịch Vụ Tin Học CEH;  Giáo sư Daniel Wong, Đại học Portland State, Hoa Kỳ và Ông Joel Perler, Giám đốc Phát triển Kinh tế, Phòng Phát triển Kinh doanh, Cảng Long Beach.  Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương)- bà Đinh Thị Bảo Linh điều phối phiên thảo luận. 

Diễn đàn tập trung vào các nội dung: 
  • Thứ nhất là “Hiện đại hoá hạ tầng cảng biển của Việt Nam và tối ưu hoá logistics trong bối cảnh mới, những nội dung cần lưu ý trong kết nối logistics Việt Nam và khu vực thị trường châu Âu-châu Mỹ” 
  • Thứ hai là “Ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng, những kinh nghiệm thực tiễn cho các doanh nghiệp Việt Nam” 
  • Thứ ba là “Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cảng biển: tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cơ hội cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam khi giao thương với khu vực thị trường châu Âu-Châu Mỹ” 
  • Thứ tư là “Tận dụng vận tải đa phương thức nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh mới”


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, logistics luôn là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã xác định logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.


Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ phát biểu tại diễn đàn

"Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, là nơi tập trung luồng hàng hoá toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, phát triển dịch vụ logistics"- ông Tạ Hoàng Linh thông tin.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, cộng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Đến nay, cả nước đã có khoảng 35.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp.Logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%.

Với khu vực châu Âu - châu Mỹ, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, từ nhiều năm nay, khu vực này đã được biết đến là thị trường quan trọng, là nơi có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ (lớn nhất), Liên minh châu Âu (lớn thứ 3) cùng nhiều đối tác quan trọng và tiềm năng khác. Số liệu thống kê cho thấy năm 2023, thặng dư thương mại giữa Việt Nam với khu vực này đạt 125 tỷ USD. Trong đó, thặng dư với thị trường Mỹ đạt 92 tỷ USD và khu vực châu Âu là 33 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, sức ép với ngành logistics trong việc tối ưu hóa để cạnh tranh, giành được đơn hàng càng trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế về môi trường cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.

“Trong bối cảnh đó, để có thể nắm bắt được các cơ hội nói trên, các giải pháp logistics đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì tính bền vững, nâng cao tính chống chịu của chuỗi cung ứng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Chia sẻ về tổng quan kết nối logistics giữa Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ, ông Chandler So - Giám đốc điều hành Geodis Việt Nam cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở rộng, với sự kết nối của các nước trong khu vực. Để tham gia vào chuỗi cung ứng này, đỏi hỏi các DN phải có kế hoạch, chiến lược mang tính hiệu quả hơn, trong đó cập nhật những quy định mới về thuế, hải quan, quy định liên quan đến XNK của từng nước để có sự chuẩn bị đảm bảo tính tuân thủ; các DN cần vận hành chuỗi logistics của mình một cách nhất quán để hướng đến mục tiêu chung của toàn cầu.

Ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho biết, trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ là thị trường rất quan trọng cuả Việt Nam. Đến cuối tháng 11/2023, Việt Nam XK sang Hoa Kỳ 87,9 tỷ USD, giảm hơn 13% so cùng kỳ. Hàng hóa cuả Việt Nam XK sang Hoa Kỳ chủ yếu dệt may, da giày, các sản phẩm điện tử, máy móc, thủy sản, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ… Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng 2023 hàng hóa từ Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam đạt 12,6 tỷ USD, giảm 6,5%, các sản phẩm chính chủ yếu là nông nghiệp như: Bông, đậu nành, lúa mì, nguyên vật liệu cho dệt may, da giày…

“Trong tương lai chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác tích cực giữa các cảng biển Việt Nam và các cảng biển Hoa Kỳ, tạo ra cơ hội mới và phát triển bền vững cho thương mại hai bên”, ông Thắng nói.

Hiện đại hóa hạ tầng cảng biển Việt Nam

Mở đầu phiên Phiên thảo luận, bà Đinh Bảo Linh cung cấp thông tin ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó xác định Cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Mục tiêu  đến năm 2030 “Đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU). Để mục tiêu này trở thành hiện thực, cần sự chung tay của cả khu vực nhà nước và cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị cảng Quốc tế Long An cho biết, cảng Quốc tế Long An với diện tích 147 ha, nằm liền kề khu công nghiệp, dịch vụ công nghiệp và khu Đô thị, hình thành nên một khu liên hợp dịch vụ cảng biển, đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giao thương hàng hóa khu vực ĐBSCL. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cảng biển, giữa tháng 11/2023, cảng Quốc tế Long An và cảng Long Beach (Hoa Kỳ) đã ký kết Ý định thư thiết lập quan hệ. “Sự kiện này mở ra cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, vận hành cảng và kết nối thị trường nhằm nâng cao sản lượng hàng hóa trung chuyển, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy thương mại toàn cầu và khám phá các cơ hội tăng trưởng giữa hai cảng biển trọng điểm trong khu vực xuyên Thái Bình Dương”- ông Huy nhấn mạnh.

Với vị thế cảng container đầu tiên của Việt Nam, ông Trương Nguyên Linh, Phó Tổng giám đốc cảng container quốc tế Việt Nam, chia sẻ, với 30 năm khai thác cảng này, đơn vị luôn chú trọng cải tiến cơ sở hạ tầng tại cảng; tiếp cận được công nghệ hiện đại từ tập đoàn mẹ, thay đổi hệ thống điều hành để tăng năng suất xếp dỡ, giảm chi phí dịch vụ; đồng thời, chuyển dần những thiết bị sử dụng dầu diesel sang dùng điện để đáp ứng yêu cầu cảng biển xanh. Hiện nay, các dịch vụ hỗ trợ tại cảng tương đối đồng bộ, cảng đã kết nối với dịch vụ hải quan tự động, cơ quan Hải quan luôn sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp làm thủ tục qua cảng.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng, những kinh nghiệm thực tiễn cho các doanh nghiệp Việt Nam

Theo Giáo sư Daniel Wong, Đại học Bang Portland, Hoa Kỳ, các DN cần phải đa dạng hóa các mô hình quản trị rủi ro. Trong đó, rủi ro đầu tiên mà cũng là nỗi lo lắng của tất cả các DN Việt Nam là an ninh mạng. Làm sao phải thực hiện được hoạt động đổi mới và liên thông công nghệ ra toàn cầu mà vẫn an toàn, không bị tấn công, bảo vệ được lợi ích chính đáng của mình. Rủi ro về bị tụt hậu và đào thải khi các DN cùng chung chuỗi cung ứng với DN, nhưng họ đều đã liên thông với nhau, trong khi mình không kết nối được vào chuỗi cung ứng này thì mình sẽ bị đào thải… Để không bị những rủi ro, DN cần phải có giải pháp chiến lược để kết nối với hệ thống chung, có thể là đối tác lớn nhất hoặc cánh chim đầu đàn của chuỗi cung ứng. 

Với những kinh nghiệm thực tiễn trong hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, ông Tạ Minh Vang-giám đốc điều hành công ty CEH cho rằng hiện nay đã có nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thực tế cũng đã chứng minh những hiệu quả to lớn của việc áp dụng công nghệ. Tuy nhiên làm thế nào để các doanh nghiệp có thể lựa chọn, tiếp cận và ứng dụng các công nghệ phù hợp cũng như có thể kết nối về mặt công nghệ với các tác nhân khác trong chuỗi cung ứng lại không phải việc đơn giản mà cần có các chuyên gia tư vấn. Ông Vang cũng có một số lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc lựa chọn và ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng phù hợp trong thời gian tới.

Theo ông Joel Perler – Giám đốc Phát triển kinh tế, Phòng Phát triển kinh doanh, cảng Long Beach, hiện đại hóa hạ tầng và tối ưu hóa logistics là một trong những yêu cầu quan trong nhằm nâng cao hiệu quả logistics. Điển hình như tại cảng Long Beach, trong 10 năm qua, cảng này đã đầu tư 1,6 triệu USD vào hệ thống hạ tầng cảng biển bao gồm hệ thống cảng nội bộ và kết nối hạ tầng xung quanh. Hiện nay cảng đã kết nối với 260 cảng biển tại các bang trên cả nước Mỹ với lượng phương tiện vận tải lên tới 10.000 xe mỗi ngày. Hiện hệ thống cầu cảng tại Longbeach có thể đón tàu chứa 16.000 TEU. Điều này giúp cảng biển này trở thành cảng biển xuất khẩu số một tại Mỹ và là cảng vận chuyển container bận rộn thứ 21 trên thế giới.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, ngành logistics Việt Nam cần tận dụng phương thức vận tải đa phương nhằm khai thác hiệu quả tiết kiệm thời gian, chi phí và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Phát triển vận tải đa phương thức là một trong những xu hướng quan trọng trong logistics toàn cầu để tối ưu hóa các nguồn lực cũng như hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Ví dụ: Tại châu Âu, có một số cảng quy mô không quá lớn, như cảng Koper, chỉ đứng thứ 6 châu Âu, vẫn được các doanh nghiệp lựa chọn nhờ khả năng kết nối vận tải đường biển với các phương thức khác như đường bộ, đường sắt, qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội đưa hàng hóa vào các thị trường các nước Khu vực Đông và Trung Âu, cũng như tiết kiệm được thời gian 7 ngày so với phương án lựa chọn các cảng lớn như Rotterdam, Hamburg.

Để nhìn rõ hơn từ góc độ thực tiễn, bà Lê Anh Thiên Thư, Giám đốc Logistics, VINFAST chia sẻ một số kinh nghiệm của Vinfast trong việc sử dụng linh hoạt các phương án logistics để phát triển thị trường ở nước ngoài. Ví dụ, tại sao Vinfast lại lựa chọn cảng Koper trong số nhiều cảng khác tại châu Âu cho thỏa thuận hợp tác chiến lược và kỳ vọng mở rộng thị trường của Vinfast thông qua hợp tác với các Cảng khu vực Âu - Mỹ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải và Thương mại đường sắt Ratraco, việc sử dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Á – Âu kết nối giữa Việt Nam – Trung Quốc – các nước Trung Á – Liên Bang Nga – EU là một trong những giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics cũng như đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ có hơn 3.000km đường sắt. Trong đó, chỉ có 15% hệ thống đường sắt đảm bảo tiêu chuẩn vận chuyển với tốc độ nhanh. Điều này khiến thời gian vận chuyển bị kéo dài, nhất là với các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam. Cùng với đó, công suất khai thác phương thức vận tải này vẫn còn thấp. Điển hình như tại tuyến Việt Nam – Liên Bang Nga, hiện tại khối lượng vận chuyển container qua đường sắt còn thấp, trung bình mỗi chiều đạt khoảng 30 – 40 container/tháng. Sản lượng vận chuyển thấp chủ yếu do hạn chế về vỏ container, nhu cầu còn phân tán, chưa tập trung đủ số lượng để chạy chuyên đoàn tàu container. Do đó, để cải thiện vấn đề này, ông Hùng cho rằng thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên container giữa Việt Nam (ga Yên Viên) và Liên Bang Nga (ga Vorsino – Moscow). Bên cạnh tuyến vận tải đường sắt, Ratraco đang cùng các đối tác xây dựng và vận hành tuyến vận chuyển đa phương thức (đường sắt kết hợp với đường biển giữa Việt Nam và Liên Bang Nga. Với giải pháp này, từ Moscow có thể kết nối đường sắt tới Vladivostock rồi đi đường biển về các cảng biển tại Việt Nam và ngược lại.

Tại phần Hỏi-Đáp trực tiếp tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cũng đã quan tâm và thảo luận các vấn đề như việc hình thành các tuyến vận chuyển mới trong bối cảnh khó khăn tại cả kênh đào Panama, kênh đào Suez, khu vực Biển đỏ, vấn đề logistics cho nông sản tại ĐBSCL, vấn đề thúc đẩy giao thương hàng hóa với khu vực thị trường châu Âu. 


THÔNG TIN THAM KHẢO
(1) Thị trường logistics châu Âu, Hoa Kỳ (miễn phí), vui lòng xem
TẠI ĐÂY
(2)  Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng, thị trường giao nhận, bất động sản logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
(3) Công nghệ mới trong logistics và quản trị chuỗi cung ứng, vui lòng xem TẠI ĐÂY
(4) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY


 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 4.362.958
Chung nhan Tin Nhiem Mang