Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc

12/11/2023 15:45
Ngày 11/11/2023, tại Lào Cai, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là một hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023.

Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội logistics và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics các tỉnh, thành trên cả nước.

Về phía Trung Quốc có ông Hoà Đào - Cục trưởng Cục Thương mại, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam; lãnh đạo, chuyên gia các Cục, Vụ, Ban chuyên môn châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam; lãnh đạo Huyện ủy, Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics tỉnh Vân Nam.



Lào Cai là "cửa ngõ" quan trọng về giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, Lào Cai là địa phương có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược của cả nước và khu vực, được đánh giá là “cửa ngõ” và “cầu nối” quan trọng về giao thương, giao lưu văn hóa không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà cả các nước ASEAN; là trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, một kết nối quan trọng của hành lang Bắc - Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đóng vai trò "cửa ngõ" giao thương trong cung đường vận chuyển ngắn nhất từ Côn Minh ra biển Đông (Cảng Hải Phòng) với đầy đủ các loại hình giao thông kết nối.

“Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú, Lào Cai hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của vùng biên giới phía Bắc, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.” - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, thực tế những năm qua, dịch vụ logistics đã khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với ngành thương mại nói riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là nhân tố then chốt trong chuỗi lưu thông hàng hóa, tạo ra giá trị tăng thêm cho hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho cả tỉnh.

“Nhờ phát triển đúng hướng, chỉ trong hơn chục năm trở lại đây, bộ mặt kinh tế - xã hội ở Lào Cai đã đổi thay nhanh chóng, từ thu không đủ bù chi, Lào Cai đã trở thành tỉnh đứng nhóm đầu trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đạt 9,2%/năm; tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 15,2%/năm, cao hơn mức bình quân của khu vực.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã phát triển theo đúng định hướng, tỷ trọng hàng hóa thông quan qua khu vực cửa khẩu quốc tế tăng dần đều và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.” - Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam Hòa Đào cho biết, ngày 25/10/2023, Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà,Trung Quốc và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, Việt Nam đã chính thức ký Biên bản và quyết định triển khai thí điểm “phương tiện vận chuyển hàng hóa hai chiều” kéo dài 6 tháng tại các cửa khẩu đường bộ. Trong năm nay, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và tỉnh Lào Cai, Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều buổi hội đàm, hội nghị, trao đổi các nội dung liên quan đến việc thúc đẩy xây dựng cửa khẩu, thương mại, logistics… 

Phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang triển khai nhiều dự án thúc đẩy cửa khẩu thông minh, hy vọng sau khi hoàn hành sẽ góp phần cải thiện hiệu quả, nâng cao năng lực thông quan giữa hai nước. Phát huy ưu thế về vị trí, tập trung xây dựng kênh logistics quốc tế “Xuyên Du - Điền Trung - Hồng Hà (Hà Khẩu) - Việt Nam” và điểm tựa quan trọng của mạng lưới logistics vận tải đa phương thức tỉnh Vân Nam. 

Cục trưởng Cục Thương mại châu Hồng Hà cũng bày tỏ mong muốn các bên sẽ cùng nhau nâng cao, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics giữa Hà Khẩu - Lào Cai, tạo một khu vực thông thoáng với mạng lưới logistics hoàn thiện, rộng khắp; xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm giảm chi phí thông quan giao thông đường bộ, đường sắt…

Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương

Ông Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -  2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang được xem xét phê duyệt Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc”.

"Lào Cai đã và đang quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc." - Ông Trịnh Xuân Trường khẳng định

Để sớm đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc; là “cầu nối” các dòng hàng hóa 02 chiều từ Trung Quốc sang ASEAN và khu vực châu Á khác; tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng các Nghị quyết, Đề án, Chương trình. Trong đó, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới; quy hoạch, bố trí các cơ sở công nghiệp, cơ sở kinh tế phù hợp; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; triển khai hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan hai bên; tích cực thúc đẩy xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung đã được Chính phủ hai nước ký kết; thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt - Trung, triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả vị trí vai trò cầu nối của hai bênTuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng thẳng thắn nhìn nhận, hạ tầng kinh tế cửa khẩu và dịch vụ logictics của Lào Cai vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản; chi phí dịch vụ logictics còn cao, tính liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường còn yếu; thông tin liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp chưa cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của hai bên.

Triển khai đồng bộ giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong logistics tại Lào Cai

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, hoạt động logistics tại Lào Cai và các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung vẫn còn một số hạn chế lớn. Cụ thể, hệ thống logistics, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn 1 số vấn đề như hạn chế trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logistics quy mô xứng tầm.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, manh mún, chủ yếu cung cấp dịch vụ đơn lẻ, thiếu tính liên kết; ứng dụng công nghệ đặc biệt trong thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới còn ở mức thấp; chưa có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics phát triển xứng tầm.

Ngoài ra, liên kết về logistics giữa các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa dễ bị tác động tiêu cực khi thị trường nước ngoài có biến động. Sự kết nối chưa hiệu quả giữa các vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu hàng hóa cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển bị kéo dài.

Vì vậy, để tháo gỡ các điểm nghẽn trong hoạt động logistics tại Lào Cai, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị, Lào Cai cần chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động thương mại biên giới và logistics qua địa bàn.

Đồng thời, tỉnh cần ưu tiên ngân sách để làm "vốn mồi"; dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics và chế biến nông sản thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của dịch vụ và giảm chi phí phù hợp.

“Lào Cai cần đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong logistics ở cả lĩnh vực quản lý và kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, vận hành hiệu quả cổng thông tin điện tử về vận tải hàng hóa, các giải pháp trao đổi dữ liệu trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kiểm soát và quản lý hàng hóa” - Lãnh đạo Bộ Công Thương đề xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cần tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ ở cả cấp quản lý và doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.

Tiếp thu ý kiến tham luận, đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị; Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, đây là những góp ý rất hữu ích, thiết thực đối với địa phương trong quá trình thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn. Với tinh thần hết sức cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Lào Cai sẽ cố gắng phát huy nội lực cùng với các ngoại lực để xứng đáng trở thành cực tăng trưởng, là trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc.

Tại Hội nghị, cũng đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Lào Cai và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam; ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Hiệp hội Logistics Hà Nội, Hiệp hội Logistics Hải Phòng.

Link gốc Tạp chí Công Thương

THÔNG TIN THAM KHẢO LĨNH VỰC LOGITICS VÀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI:

(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng, thị trường giao nhận, bất động sản logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

ĐẶC BIỆT: Giảm 40% so với giá bán lẻ cho Gói thông tin thị trường logistics (3 tháng, 6 tháng, 12 tháng)​, giảm 10% cho đơn hàng mua lẻ, áp dụng trong tháng 11/2023. 
 
(2) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(3) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY





 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 12
Số người truy cập: 6.266.108
Chung nhan Tin Nhiem Mang