Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Khởi công dự án hơn 500 tỷ đồng mở rộng đèo Prenn

11/02/2023 17:26
Dự án nâng cấp đèo Prenn có chiều dài hơn 7km, mở rộng nền đường từ 9m lên 15,5m với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng.

Dự án có điều kiện thi công phức tạp


Sáng nay (10/2), UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn. Dự án do Ban QLDA giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả (DCC) là đơn vị trúng thầu thi công.

Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn là công trình giao thông cấp 3 miền núi, có chiều dài khoảng 7,37 Km. Điểm đầu tại Km221+680 (điểm kết thúc cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, chân đèo Prenn). Điểm cuối tại Km229+049,74 thuộc QL20 (Nút giao vào bến xe Đà Lạt).

Theo phương án thiết kế, nền đường thuộc phạm vi dự án sẽ được mở rộng từ 9m lên 15,5m. Trong đó, bề rộng mặt đường là 14,5m, lề gia cố 2 bên mỗi bên rộng 0,5m. Kết cấu mặt đường theo tiêu chuẩn kết cấu áo đường mềm tăng cường trên mặt đường cũ, làm mới đoạn mở rộng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Về phần cầu, trên tuyến bao gồm 2 cầu. Trong đó 1 cầu dầm bản tại Km221+800 mở rộng từ cầu hiện hữu về bên trái 3,5m, từ 12m lên 15,5m. Làm mới 1 cầu dầm Super-T tại Km225+800 bề rộng 15,5m, chiều dài 120m với 3 nhịp giản đơn dầm Super-T.

Dự án có tổng mức đầu tư là 550 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến trước ngày 31/12/2023.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty HHV cho biết, Đèo Prenn là tuyến cửa ngõ kết nối TP Đà Lạt với sân bay Liên Khương, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, là đường giao thông huyết mạch đi về TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Tuyến đường đi qua khu vực địa hình đồi núi cao, đường hẹp và nhiều đoạn tuyến khá quanh co, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông gây mất an toàn, lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc.

“Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn có ý nghĩa tương tự như dự án Hầm Đèo Cả mà đơn vị đã hoàn thành hơn 10 năm trước, các cung đường đèo hiểm trở sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ mang đến cho người dân con đường an toàn hơn.

Đây cũng là tiền đề để Đèo Cả minh chứng cho khả năng tổ chức triển khai thi công các công trình có địa hình phức tạp, thách thức về mặt kỹ thuật như cầu trụ cầu cao 23m, hệ tường chắn taluy âm bằng bê tông cốt thép có vị trí cao đến 8m nằm trên hệ móng cọc khoan nhồi D800 ngậm sâu vào đá từ 4 - 5m”, ông Huy nói và chia sẻ thêm, để thi công các hạng mục khó, phức tạp, liên danh nhà thầu đã phải làm đường công vụ từ mặt đường xuống vực để tiếp cận vị trí thi công.

Đối với các vị trí có vực sâu, hệ sàn công tác được lắp đặt, sau đó tiến hành lắp dựng hệ thống dây chuyền khoan cọc nhồi để thi công hệ móng cọc, lắp dựng ván khuôn thi công bệ, thân tường chắn. Quá trình thi công phải tuân thủ biện pháp thi công đã được duyệt và đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động.

“Ngay sau khi có kết quả trúng thầu, nhà thầu đã triển khai các công tác chuẩn bị, điều động và bố trí hơn 200 nhân sự kỹ sư trình độ cao cùng hơn 80 đầu máy móc thiết bị, tổ chức 10 mũi thi công (5 mũi thi công đường, 5 mũi thi công cầu, tường chắn) để thực hiện. Công tác thi công cũng sẽ được tổ chức xuyên các ngày nghỉ, ngày lễ để dự án có thể vượt tiến độ yêu cầu và đảm bảo chất lượng”, ông Huy nói.

Nhà thầu giàu kinh nghiệm trong thi công dự án giao thông lớn

Được biết, hiện nay, ngoài dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn, HHV còn thi công nhiều dự án khác trên tuyến cao tốc Bắc - Nam như: đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (gói XL01 - 3.800 tỷ đồng) đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (8.900 tỷ đồng),…

Để chuẩn bị cho việc thực hiện khối lượng công việc rất lớn trong giai đoạn 2023 - 2025, ngay từ năm 2022, Đèo Cả đã tuyển dụng hơn 1.700 nhân sự, đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để mua sắm bổ sung máy móc thiết bị. Đồng thời, liên kết với các đơn vị để đảm bảo các nguồn cung ứng vật tư vật liệu cho các dự án như: thực hiện hợp đồng bình ổn giá cho các vật liệu thép, xăng dầu, nhựa đường…; Làm việc với các ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn và kiểm soát dòng tiền trong quá trình triển khai dự án.

“Ngoài việc chuẩn bị năng lực về nhân sự, máy móc thi công, năm 2022, HHV cũng đã thực hiện tăng vốn hơn 400 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng cao năng lực tài chính. Tính đến nay, vốn điều lệ của HHV đã đạt hơn 3.000 tỷ đồng”, lãnh đạo HHV thông tin.

Tìm hiểu thêm của PV, HHV và DCC cũng chính là 2 đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Đèo Cả, giàu năng lực và kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng giao thông đường bộ. Hai đơn vị này đã cùng Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành hàng loạt công trình giao thông lớn và khó trên khắp cả nước như: cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, cầu Tình Yêu (Quảng Ninh)…

Hiện đang, HHV và DCC tham gia thi công xây dựng cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh… thuộc cao tốc Bắc - Nam.

Tại tỉnh Lâm Đồng, liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đang đề xuất phương án đầu tư xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP. Phương án do liên danh này đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

 
Nguồn: Báo Giao thông
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 6
Số người truy cập: 6.324.147
Chung nhan Tin Nhiem Mang